Thị trường hàng hóa
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cũng vừa lên tiếng cho biết tình hình kinh tế Đức đang xấu đi và triển vọng rất mong manh.
Theo số liệu được Văn phòng thống kê Liên bang Đức – Destatis công bố trong ngày 29/7, kinh tế Đức không tăng trưởng trong quý II/2022, với tỷ lệ tăng GDP là 0%. Như vậy, Đức trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tại châu Âu không tăng trưởng trong quý II năm nay.
Viện nghiên cứu kinh tế Munich (IFO) hồi cuối tháng 7 cũng công bố số liệu cho biết, sau khi khảo sát gần 9.000 doanh nghiệp Đức, chỉ số kinh doanh đã giảm 3,6 điểm và đang ở mức thấp nhất từ tháng 6/2020. Khoảng 16% doanh nghiệp Đức đã quyết định cắt giảm hoạt động hoặc đóng cửa nhà máy do giá năng lượng tăng cao.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế ZEW công bố ngày 16/8, chỉ số tâm lý kinh tế đã giảm xuống -55,3 điểm so với mức -53,8 trong tháng 7 vừa qua. Theo ông Clemens Fuest - Giám đốc IFO, điều này phản ánh mức độ bi quan của các doanh nghiệp Đức về triển vọng kinh tế nước Đức.
Chuyên gia kinh tế tại VP Bank, ông Thomas Gitzel, thậm chí còn dự báo nền kinh tế đầu tàu này sẽ tiếp tục giảm sút trong quý 3. “Suy thoái kinh tế đã bắt đầu và dự báo cho đến quý cuối cùng của năm 2022 vẫn không có khả năng cải thiện. Thậm chí, đầu năm 2023, hầu như không có lý do nào để hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trở lại” - ông Thomas Gitzel nhận định. Mọi sự đang trở nên tồi tệ đến mức, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuần trước đã phải lên tiếng mà rằng: tình hình kinh tế Đức đang xấu đi và triển vọng rất mong manh.
Mới đây, tờ báo Đức Die Welt cũng dẫn lời các chuyên gia kinh tế nước này cảnh báo nền kinh tế đầu tàu châu Âu rơi vào suy thoái trong năm nay. Nhiều dự báo khác về nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng cùng chung một màu sắc u ám, rằng nước Đức đang đối mặt với “nguy cơ hữu hình của một cuộc suy thoái”. Điều an ủi duy nhất có lẽ chỉ là việc, giới phân tích cho rằng cuộc suy thoái này không có khả năng nghiêm trọng như năm 2008.
Trước đó, từ hồi tháng 2/2022, báo cáo kinh tế của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sụt giảm 0,7% trong quý IV/2021 và rằng GDP của Đức có thể lại suy giảm đáng kể trong quý I/2022. Ngân hàng Trung ương Đức nhấn mạnh, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái lần thứ 2. Cũng thời điểm đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (Ifo) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức năm 2022 xuống còn 3,7% .
Thực ra khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, đặc biệt khi sự vụ “cắt giảm nguồn khí đốt từ Nga” bùng nổ thì tác động tiêu cực lên nền kinh tế châu Âu nói chung, kinh tế Đức nói riêng đã được cảnh báo.
Đức từ lâu đã là nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt từ Nga. Trước cuộc xung đột tại Ukraine, Đức nhập khẩu mỗi năm khoảng 45 tỷ m3 khí đốt của Nga, chiếm tới 55% thị phần nước Đức, cao hơn nhiều so với 30% cách đây 20 năm. Nền kinh tế Đức dựa chủ yếu vào những ngành công nghiệp như hóa chất, ô-tô hoặc thép. Tất cả những ngành công nghiệp này đều đòi hỏi Đức cung cấp một lượng nhiên liệu lớn, và hơn 2/3 trong số đó là được nhập khẩu.
Thế nên, việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên đến với Đức sẽ gây ảnh hưởng rất lớn nền kinh tế nước này, có thể dẫn đến tình trạng thiếu 9% lượng khí đốt tiêu thụ của Đức trong nửa cuối năm 2022, 10% vào năm 2023 và 4% vào năm 2024. Thiếu hụt đương nhiên sẽ dẫn tới giá nhiên liệu tăng cao và giá khí đốt tăng cao cũng có thể làm tăng lạm phát đến 2 điểm phần trăm vào năm 2022 và 2023.
Để xử lý khủng hoảng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi cuối tháng 7 đã tuyên bố Đức đang làm tất cả để đa dạng hoá nguồn cung năng lượng, thúc đẩy việc sản xuất năng lượng tái tạo, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng. Đài DW cho biết Đức đang cân nhắc khởi động lại nguồn cung cấp năng lượng điện than và cân nhắc việc ngừng loại bỏ năng lượng hạt nhân. Uniper, công ty của Đức nhập khẩu khí đốt của Nga nhiều nhất đã chuẩn bị cho việc đổi khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Woodside của Australia lấy khí đốt của Mỹ để có thể tăng nguồn cung cho châu Âu nhanh hơn trong mùa Đông sắp tới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đang kêu gọi người dân Đức phải tiết kiệm hơn trong việc sử dụng năng lượng, các hộ gia đình, trường học và thành phố được yêu cầu ít sử dụng máy sưởi, phân chia nước nóng, đóng cửa hồ bơi, tiết kiệm các nguồn sử dụng năng lượng.
Tuy nhiên, tác động từ những giải pháp này vẫn còn khá khiêm tốn. Thủ tướng Đức đã từng buông lời nhận định, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã mang lại cho nước Đức bài học là không bao giờ được phép phụ thuộc đơn phương vào một đối tác nào trong tương lai.
Nhưng dường như, bài học đắt giá ấy đã được rút ra quá muộn.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm