Thị trường hàng hóa

  • Vàng 2,007.50 +11.50 +0.58%
  • XAU/USD 1,998.53 +9.13 +0.46%
  • Bạc 25.317 +0.246 +0.98%
  • Đồng 3.8457 -0.0158 -0.41%
  • Platin 1,112.70 +6.70 +0.61%
  • Paladi 1,513.28 +4.88 +0.32%
  • Dầu Thô WTI 74.55 +0.25 +0.34%
  • Dầu Brent 78.06 +0.34 +0.44%
  • Khí Tự nhiên 2.311 +0.006 +0.26%
  • Dầu Nhiên liệu 2.3770 +0.0078 +0.33%
  • Xăng RBOB 2.5190 +0.0065 +0.26%
  • Dầu khí London 693.00 +1.62 +0.23%
  • Nhôm 2,312.00 -15.00 -0.64%
  • Kẽm 2,602.00 -43.00 -1.63%
  • Ni-ken 23,721.00 +75.00 +0.32%
  • Copper 8,492.50 -60.00 -0.70%
  • Lúa mì Hoa Kỳ 634.60 -6.40 -1.00%
  • Thóc 17.030 -0.040 -0.23%
  • Bắp Hoa Kỳ 597.00 -3.00 -0.50%
  • Đậu nành Hoa Kỳ 1,409.50 -4.50 -0.32%
  • Dầu Đậu nành Hoa Kỳ 51.78 -0.72 -1.37%
  • Khô Đậu nành Hoa Kỳ 425.55 -1.85 -0.43%
  • Cotton Hoa Kỳ loại 2 78.62 +0.26 +0.33%
  • Ca Cao Hoa Kỳ 2,947.50 -2.50 -0.08%
  • Cà phê Hoa Kỳ loại C 188.80 -2.80 -1.46%
  • Cà phê London 2,382.00 -143.00 -5.66%
  • Đường Hoa Kỳ loại 11 26.66 +0.15 +0.57%
  • Nước Cam 269.85 -10.00 -3.57%
  • Bê 174.45 +0.15 +0.09%
  • Heo nạc 78.40 +1.52 +1.98%
  • Bê đực non 233.70 +4.38 +1.91%
  • Gỗ 348.00 -15.70 -4.32%
  • Yến mạch 327.90 +0.60 +0.18%
09:00 01/01/2023

Truyền thông thế giới 2022: Bùng nổ cuộc chiến chống lại mặt trái của mạng xã hội

Cũng như nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, truyền thông thế giới 2022 đã trải qua một năm vô cùng biến động, phức tạp với nhiều sự thay đổi.

Nhưng có một sự biến đổi lớn dễ nhận thấy là truyền thông xã hội ngày càng phải chịu nhiều sức ép và cả những án phạt lớn từ nhiều quốc gia, nhằm buộc họ phải kiểm soát và siết chặt hơn các thông tin sai lệch hoặc độc hại trôi nổi trên nền tảng của mình.

Mạng xã hội và những cơn mưa án phạt

Có thể nói, mạng xã hội (MXH) đã phải đối mặt với sức ép kiểm soát và kiểm duyệt thông tin mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Sau thời gian dài bành trướng, có một thực tế là các MXH đã phần nào bỏ mặc các thông tin xấu, độc hại thậm chí sai lệch trên nền tảng của mình, cũng như ngày càng lạm dụng sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng.

Việc thế giới vừa trải qua một năm rất bất ổn, với nhiều biến cố lớn, từ đại dịch COVID-19, cuộc chiến Nga - Ukraine, cho tới các cuộc khủng hoảng kinh tế, khí hậu và tiền tệ, thì vấn nạn thông tin sai lệch càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn, qua đó càng đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ các nhà chức trách đối với truyền thông MXH.

Để rồi, chưa bao giờ các nhà chức trách ở các quốc gia lại mạnh tay đối với MXH trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng và ngăn chặn thông tin sai lệch, độc hại… như trong năm 2022 vừa rồi. Rất, rất nhiều án phạt, hành động pháp lý đã được các nước đưa ra nhắm vào các MXH, từ nhỏ đến lớn. Thậm chí có thể nói, gần như không có nền tảng MXH nào không phải chịu phạt hay các cáo buộc pháp lý trong năm 2022.

Liên minh châu Âu (EU) có thể nói là khu vực mạnh tay nhất đối với các vi phạm của các nền tảng MXH. Thực tế, EU từng đã thiết lập một hệ thống bảo vệ thông tin người dùng từ cách đây vài năm, gọi là Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (GDPR). Đây là một trong những luật bảo vệ dữ liệu và thông tin khắt khe nhất thế giới. Trong những năm trước đây, một số án phạt dựa trên GDPR được các quốc gia thành viên EU đưa ra để bảo vệ người dùng trên các nền tảng kinh doanh thương mại, MXH và các nền tảng thông tin trực tuyến nói chung.

Tuy nhiên, năm 2022 mới là thời điểm họ mạnh tay nhất. Ngay đầu tháng 1 năm 2022, các nhà chức trách Ireland thông qua GDPR để đưa ra án phạt lên tới 225 triệu euro đối với WhatsApp của Meta, sau khi tuyên bố rằng dịch vụ tin nhắn này đã xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Cũng trong tháng 1/2022, Google đã phải chịu sức ép trong việc kiểm duyệt thông tin trên nền tảng phát video trực tuyến YouTube, khi cũng bị Ireland phạt tới 90 triệu euro. Ngoài WhatsApp, thì Meta còn phải chịu nhiều án phạt liên quan đến Facebook. Họ từng bị Pháp phạt 60 triệu euro vì các sai phạm trong việc sử dụng dữ liệu người dùng.

Có thể nói, trong năm 2022, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đưa ra các án phạt hoặc quy định mới để kiểm soát thông tin và bảo vệ người dùng trên MXH, để kịp thời ngăn chặn những tác động xấu đối với độc giả.

Cụ thể, Hàn Quốc hồi tháng 9/2022 đã phạt Google 69,2 tỷ won (50 triệu USD) và Meta 30,8 tỷ won (22 triệu USD) vì thu thập thông tin cá nhân mà không có sự đồng ý trước của người dùng và sử dụng thông tin đó cho các quảng cáo trực tuyến.

Chỉ mới vào tháng 11 vừa rồi, Cơ quan Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã phạt hầu hết tất cả các nền tảng truyền thông xã hội lớn đang hoạt động tại nước này, từ Facebook, Instagram, Twitter, Periscope, YouTube đến TikTok, đều ở mức 1,2 triệu euro mỗi mạng.

Trong khi đó, tại Mỹ một toà án bang Washington đã phạt công ty mẹ Meta của Facebook gần 25 triệu USD vì liên tục và cố ý vi phạm luật tiết lộ thông tin tài chính của người dùng vào tháng 10/2022.

Ngay cả các quốc gia châu Phi cũng đã nhận thấy các mặt trái của MXH đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại, khi hồi tháng 10 Nigeria đã kiện Meta; cáo buộc chủ sở hữu của Facebook và WhatsApp đã xuất bản quảng cáo trái phép và yêu cầu khoản tiền phạt 70 triệu USD.

 

Thế giới đang rất mạnh tay trong việc kiểm soát các mặt trái và sự thao túng của MXH đối với thông tin và dữ liệu người dùng trong năm 2022. Ảnh: GI

Tiktok dù mới nổi lên trong khoảng vài năm gần đây, song cũng đã nằm trong tầm ngắm của các nhà quản lý nhiều quốc gia và cũng phải đối mặt với nhiều án phạt, cũng như các cáo buộc pháp lý. Hồi tháng 9, MXH đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc này đã phải chịu khoản tiền phạt lên tới 27 triệu bảng vì vi phạm quyền riêng tư của trẻ em tại Vương quốc Anh. Tiktok cũng đang đối mặt với rất nhiều cuộc điều tra và các án phạt hàng chục triệu USD bởi những sai phạm trong quá trình kiểm duyệt thông tin ở Mỹ.

Tất nhiên Twitter, MXH được ưa chuộng nhất tại phương Tây, thậm chí còn được sử dụng cho các phát ngôn chính thức của nhiều tổ chức, cá nhân lớn trên thế giới cũng vừa trải qua một năm vô cùng khó khăn bởi sức ép từ các cơ quan chức năng và dư luận. Họ đã phải nộp phạt tới 150 triệu USD vì bán thông tin người dùng, cũng như đối mặt với rất nhiều cáo buộc khác.

Thậm chí, việc MXH này đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các thông tin sai lệch, độc hại và căm thù còn khiến các nhà quảng cáo rút lui. Ví như, hồi tháng 9/2022, hàng loạt thương hiệu như Dyson, Mazda, Forbes và PBS Kids đã tạm ngừng các chiến dịch quảng cáo trên Twitter vì nội dung của họ xuất hiện cùng với các tweet lôi kéo nội dung khiêu dâm trẻ em.

Bên cạnh các án phạt, các quốc gia cũng đưa ra nhiều quy định pháp lý để kiểm soát các nền tảng MXH đang ngày càng mất kiểm soát chính nội dung của họ. Bên cạnh các quy định rất chặt chẽ đã tồn tại nhiều năm qua tại EU và Mỹ, Anh hay Úc, nhiều quốc gia khác cũng đang nhận ra được mối nguy lớn trong việc thông tin không được kiểm duyệt tự do trôi nổi trên MXH.

Hồi tháng 10 vừa rồi, Dự luật An toàn Trực tuyến của Singapore đã được trình lên quốc hội nước này. Theo đó, các dịch vụ truyền thông xã hội cần thực hiện các biện pháp để hạn chế người dùng địa phương tiếp xúc với nội dung có hại và có trách nhiệm hơn với người dùng, nếu không sẽ phải chịu các mức phạt lên đến 1 triệu USD hoặc thậm chí bị loại bỏ khỏi thị trường nước này.

MXH đang ngày càng gây nghiện

Rõ ràng, 2022 là năm mà thế giới đã rất mạnh tay với các nền tảng truyền thông xã hội. Đây được xem như hành động rất kịp thời bởi nếu không có sự quyết liệt, thì vấn nạn tin giả, tin sai lệch và độc hại sẽ tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn và khủng hoảng.

Việc tiếp tục kiểm soát nội dung và dữ liệu người dùng trên các nền tảng xã hội vẫn sẽ rất cần thiết trong những năm tới, khi mà thực tế các nền tảng MXH còn đang ngày càng tác động lớn, thậm chí áp đảo, trong việc tiếp nhận thông tin của người dân ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt đối với giới trẻ.

Một cuộc khảo sát mới trong năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Pew về thanh thiếu niên Mỹ từ 13 đến 17 tuổi cho thấy rằng khoảng 67% thanh thiếu niên nói rằng họ đã từng sử dụng TikTok, với 16% thanh thiếu niên nói rằng họ sử dụng nó gần như liên tục. Tương tự, YouTube đang được 95% thanh thiếu niên Mỹ sử dụng. Sau những nền tảng đó là Facebook với 32%. Tất nhiên, đó không chỉ là thực trạng ở Mỹ, mà còn ở phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.

Trước thực tế MXH đang chiếm lĩnh sự quan tâm của độc giả, thì việc thế giới có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát thông tin là hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là điều rất nguy hiểm trong giai đoạn đầy bất ổn hiện tại. Càng nguy hại hơn khi mà nghiên cứu cũng cho thấy độc giả còn đang ngày càng xa rời tin tức chính thống, thậm chí đoạn tuyệt tin tức chính thống, nhất là đối với giới trẻ.

Theo báo cáo giữa năm 2022 của Viện Reuters và Đại học Oxford, việc sử dụng các phương tiện truyền thông chính thống, chẳng hạn như TV và báo in, đã giảm hơn nữa ở hầu hết các thị trường. Một lượng lớn độc giả đang tiếp tục quay lưng lại với các cơ quan truyền thông chính thống, trong đó số lượng không nhỏ độc giả còn hoàn toàn ngắt kết nối với tin tức chính thống, tức là chỉ theo dõi các thông tin không được kiểm soát trên MXH. Sự quan tâm đến tin tức chính thống nói chung đã giảm mạnh trên khắp các thị trường, từ 63% năm 2017 xuống còn 51% vào năm 2022.

Điều đáng lo hơn khi độc giả, đặc biệt giới trẻ, không chỉ đang ngày càng xa rời tin tức chính thống mà thậm chí còn có nguy cơ rơi vào tình trạng nghiện MXH, bởi các thuật toán và loại hình thông tin đặc sắc như các đoạn video ngắn gây sốc, nhảm nhí hoặc thậm chí khiêu dâm. Trong một khảo sát của Viện nghiên cứu Pew về việc từ bỏ MXH sẽ như thế nào, thì có tới khoảng 54% thanh thiếu niên Mỹ nói rằng sẽ rất khó (18%) hoặc hơi khó (35%) để họ từ bỏ mạng xã hội.

Thậm chí, đối với những thanh thiếu niên sử dụng ít nhất một trong các nền tảng MXH “gần như liên tục”, thì đa số đã nói rằng sẽ rất khó để từ bỏ thói quen này, trong đó có tới 32% nói rằng sẽ rất khó từ bỏ. Điều đó có nghĩa, giới trẻ đang quá phụ thuộc vào MXH, cũng như một tỷ lệ lớn người dùng ở các lứa tuổi khác trên toàn cầu.

Vấn nạn tin giả đáng báo động

Vấn nạn tin tức sai lệch, thậm chí tin giả, không mới trong những năm trước đây, nhưng thực sự đã bùng nổ trong năm 2022 do được thúc đẩy bởi một loạt các cuộc khủng hoảng toàn cầu, như COVID, cuộc chiến Nga - Ukraine, lạm phát, khủng hoảng năng lượng, tài chính… và cả địa chính trị.

Thống kê năm 2022 của Pew cho thấy, mối lo ngại toàn cầu về thông tin sai lệch và gây hiểu lầm vẫn đang rất cao, từ mức cao nhất 72% ở Kenya và Nigeria cho đến 32% ở Đức và 31% ở Áo. Tất nhiên, MXH - nơi đang là nguồn tiếp cận thông tin của một bộ phận đông đảo người dân toàn thế giới là mảnh đất màu mỡ nhất để thông tin sai lệch tồn tại, lan truyền và phát triển.

 

MXH cần sớm lấy lại những giá trị tốt đẹp, thay vì đang có nguy cơ trở thành một công cụ gây nghiện và phát triển thông tin gây sai lệch, độc hại. Ảnh: AdobeStock

Theo cuộc khảo sát của Pew trên khắp các quốc gia, có tới hơn một nửa (54%) nói rằng họ lo lắng về việc xác định sự khác biệt giữa đâu là thật và đâu là giả trên internet khi nói đến tin tức, song những người nói rằng họ chủ yếu sử dụng mạng xã hội như một nguồn tin tức thì lo lắng hơn ( 61%) so với những người không sử dụng nó (48%).

Mức độ nhận thức sai thông tin về biến đổi khí hậu và môi trường còn cao hơn khoảng ba lần ở Mỹ (34%) so với Đan Mạch (13%). Theo nghiên cứu gần đây, bất chấp những cam kết ngăn chặn, các bài đăng và video trên mạng xã hội phủ nhận biến đổi khí hậu hoặc phản bác nguyên nhân của nó vẫn phổ biến trên Twitter, Facebook, YouTube và TikTok.

Các thông tin sai lệch, gây tranh cãi và sự thiếu kiểm soát thông tin, cũng như các bình luận, trên MXH thậm chí còn gây ra sự phân cực, tranh cãi và cả sự thù hận đối với mọi vấn đề trên thế giới, từ cuộc chiến ở Ukraine, vấn nạn súng đạn ở Mỹ, đại dịch COVID-19… cho đến cả biến đổi khí hậu.

Đã đến lúc MXH lấy lại những giá trị tốt đẹp

Cuộc chiến chống lại các mặt trái của MXH rõ ràng không còn chỉ là câu chuyện của cơ quan truyền thông và các hãng tin trên thế giới, mà còn thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách và thậm chí của toàn xã hội.

 

Facebook của tỷ phú Mark Zuckerberg cũng như nhiều MXH lớn khác vừa phải trải qua một năm thua lỗ. Ảnh: AFP

Thực ra, cũng chưa khi nào mà các công ty sở hữu MXH lại chịu nhiều sức ép và khó khăn như năm 2022. Meta hay Twitter liên tục đối mặt với các vụ kiện pháp lý, đối mặt với các lời đe dọa rút quảng cáo từ các đối tác do không kiểm soát được nội dung sai phạm; cuối cùng đã phải báo lỗ và sa thải nhân viên. Meta, công ty mẹ của Facebook, từng có lúc sở hữu tổng giá trị vốn hóa lên tới 1.000 tỷ USD, thì chỉ còn lại 235 tỷ USD vào cuối năm 2022, sau khi cổ phiếu của công ty này đã sụt giảm từ mức khoảng gần 350 USD hồi đầu năm nay xuống chỉ còn gần 100 USD vào cuối tháng 11 vừa rồi.

Ngoài ra, ông chủ Mark Zuckerberg của Meta đã bốc hơn tới 100 tỷ USD tài sản trong năm vừa rồi, chỉ còn nằm trong top 20 người giàu nhất thế giới và phải đưa ra quyết định sa thải tới 11.000 nhân viên cũng vào tháng 11/2022. Trong khi đó, Twitter thậm chí còn phải bán lại công ty cho tỷ phú Elon Musk, người sau đó cũng liên tục kêu thua lỗ và phải sa thải 7.500 nhân viên để trang trải chi phí và nợ nần.

Tất nhiên, sự thua lỗ của Facebook và Twitter còn bởi sự suy thoái toàn cầu nói chung, cũng như sự cạnh tranh từ các MXH khác, đặc biệt TikTok. Tuy nhiên, sự thua lỗ, bao gồm cả YouTube của Google, cũng đến từ các biện pháp siết chặt nội dung và kiểm soát thông tin, dữ liệu người dùng từ các quốc gia trên thế giới. Có nghĩa, họ không còn thả nổi thông tin và tự ý thu thập dữ liệu người dùng như trước; phải đầu tư lớn vào trang thiết bị, công nghệ và nguồn nhân sự để kiểm duyệt thông tin, nếu không sẽ ngay lập tức chịu các án phạt khổng lồ, thậm chí bị cấm hoạt động.

Có thể thấy rằng, thế giới đã chiến đấu rất mạnh mẽ để đẩy lùi các mặt trái của các nền tảng truyền thông xã hội trong năm 2022. Đây là điều cần thiết để truyền thông xã hội trở lại với giá trị tốt đẹp và ý nghĩa ban đầu của nó là kết nối mọi người, phát huy được sự lan tỏa tin tức chính thống và đặc biệt là truyền bá mạnh mẽ kiến thức, thông tin của nhân loại đến với mọi người.

 

Bối cảnh truyền thông xã hội đã thay đổi

Theo khảo sát của Pew, tỷ lệ thanh thiếu niên Mỹ sử dụng Facebook đã giảm mạnh trong thập kỷ qua. Ngày nay, chỉ còn 32% thanh thiếu niên cho biết đang sử dụng Facebook, giảm mạnh so với mức 71% trong khoảng năm 2014-2015. YouTube đang là nền tảng trực tuyến phổ biến nhất mà thanh thiếu niên sử dụng trong số các nền tảng được đo lường, với 95% nói rằng họ đã từng sử dụng trang web hoặc ứng dụng này. Ða số cũng cho biết họ sử dụng TikTok (67%), Instagram (62%) và Snapchat (59%).

 

Xem nhiều

Đọc thêm

Xem thêm