Thị trường hàng hóa
Thống kê của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch ngày 13/02 – 19/02, sắc đỏ phủ kín bảng giá năng lượng khi các sức ép từ yếu tố vĩ mô đồng loạt thúc đẩy lực bán, trong đó, giá dầu WTI lao dốc và đánh mất 4,22% giá trị xuống còn 76,55 USD/thùng, và dầu Brent cũng giảm 3,86% xuống 82,67 USD/thùng. Bên cạnh áp lực vĩ mô, các tín hiệu nguồn cung được đảm bảo, trong khi nhu cầu vẫn chưa có sự khởi sắc đáng kể đã kéo giá dầu suy yếu trong tuần qua.
Đến ngày 21/2, giá dầu lấy lại sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tuần, nhờ sự lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc, cùng với việc các nhà sản xuất lớn tiếp tục hạn chế sản lượng và kế hoạch kiềm chế nguồn cung của Nga. Kết thúc phiên 20/02, giá dầu thô WTI tăng 1,12% lên 77,41 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,99% lên 83,49 USD/thùng.
Bước sang ngày 22/2, giá dầu suy yếu khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi thông tin từ Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào đêm nay, nhằm tìm kiếm thêm thông tin về lộ trình tăng lãi suất khi bài toán lạm phát đang là “điểm nóng” trở lại. Lo ngại về chi phí vay tăng cao gây áp lực tới nền kinh tế đã làm suy yếu giá dầu bất chấp một vài tín hiệu tích cực về nhu cầu tại các thị trường châu Á. Giá dầu WTI giảm nhẹ 0,25% xuống 76,36 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 1,21% xuống mức 82,77 USD/thùng.
Giá dầu thô tiếp tục suy yếu về mức thấp nhất trong vòng hai tuần vào ngày 23/2, khi những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Kết thúc phiên 22/02, giá dầu thô WTI giảm 3,16% về 73,95 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,80% về 80,45 USD/thùng.
Thị trường dầu chấm dứt chuỗi giảm dài nhất kể từ đầu năm tới nay, khi giá dầu WTI tăng 1,95% lên 75,39 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 2,14% lên 82,17 USD/thùng.
Bất chấp những tin tức cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng trưởng tích cực, sức mua vẫn áp đảo trên thị trường dầu. Trong phiên sáng, giá ít nhiều gặp sức ép từ việc số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô và các sản phẩm lọc dầu tăng mạnh hơn dự báo. Giá dầu bắt đầu hồi phục từ chiều, khi tâm lý của các nhà đầu tư được cải thiện. Dòng tiền phân bổ vào các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán, và cả thị trường dầu được tăng lên.
Bước sang phiên tối, giá vẫn duy trì được đà tăng sau khi Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo tuần. Cụ thể, EIA cho biết tồn kho dầu thô thương mại và tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng lần lượt 7,6 triệu thùng và 2,7 triệu thùng, đều cao hơn so với mức dự báo. Trái lại, tồn kho xăng lại giảm 1,9 triệu thùng, mạnh hơn so với các ước tính trước đó.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam cho biết: “Mặc dù nguồn cung dầu ở Mỹ đang tăng và ổn định, tuy nhiên, các số liệu khác của báo cáo EIA cho thấy bức tranh tiêu thụ khá tích cực, và mang lại sự hỗ trợ đối với giá dầu trong phiên hôm qua”.
Cà phê Arabica là điểm sáng trong tuần trước khi tiếp tục nối dài đà tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp với mức tăng hơn 6% trong bối cảnh hạn chế bán hàng vẫn tiếp diễn tại Brazil. MXV dẫn thông tin từ công ty tư vấn Safras & Mercado, doanh số bán hàng cà phê niên vụ 23/24 của Brazil hiện mới chỉ đạt 17% tổng sản lượng ước tính cho niên vụ này, thấp hơn nhiều so với mức 27% cùng kỳ niên vụ 22/23 khi nông dân nước này từ chối các đề nghị bán hàng do mức giá thấp hơn so với kỳ vọng.
Nhờ sự hỗ trợ từ Arabica, Robusta ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp với mức tăng gần 3%, đưa giá hiện tại lên 2.098 USD/tấn, cao nhất trong 4 tháng. Sau khi chạm mức thấp nhất trong hơn 6 năm, tồn kho Robusta trên Sở ICE London đã đảo chiều tăng trong 2 phiên gần nhất, tổng mức tồn kho hiện tại đạt 61.200 tấn.
Đến ngày 21/2, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý, cà phê Arabica ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng mạnh 2,21% trước bối cảnh giá tăng vọt trên thị trường vật chất khi các nước cung ứng chính chế bán hàng. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), trong 20 ngày đầu tháng 02 nước này chỉ đẩy ra thị trường 1,3 triệu bao Arabica, giảm mạnh 30,48% so với mức 1,87 triệu bao của cùng kỳ tháng trước. Điều này làm gia tăng lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá tăng mạnh trong phiên hôm qua.
Nhờ hỗ trợ từ Arabica, Robusta tăng 0,76 % khi kết thúc phiên 21/2. Số liệu xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 02 tại Việt Nam suy yếu gần 2% so với cùng kỳ tháng trước đã hỗ trợ giá duy trì được sự khởi sắc. Tuy vậy, tồn kho Robusta trên Sở ICE London nối tiếp đà tăng lên mức 63.540 tấn, đã phần nào gây sức ép khiến mức tăng bị điều chỉnh nhẹ lại.
Sau phiên ngày 22/2, hai mặt hàng cà phê tiếp tục nối dài đà tăng, đặc biệt Robusta đã chạm mức cao nhất trong gần 5 tháng.
Arabica nối dài đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp khi thị trường tiếp tục hấp thụ thông tin cơ bản trên thị trường. Giá hàng thực tăng mạnh tại các nước cung ứng chính như Brazil và Colombia khi nông dân hạn chế bán hàng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Điều này cũng góp phần khiến tồn kho Arabica trên Sở ICE New York tiếp tục giảm thêm 17.106 bao loại 60kg, về mức 814.966 bao, thấp nhất trong 7 tuần và hỗ trợ giá tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng.
Robusta cũng ghi nhận mức tăng mạnh 3,38%, giúp giá đạt mức cao nhất kể từ tháng 09/2022. Tuy vậy, tồn kho Robusta trên Sở ICE London tiếp tục nối dài đà tăng lên mức 64.710 tấn, cao nhất trong 1 tháng.
Trên thị trường nội địa, theo sát diễn biến giá thế giới, ghi nhận trong sáng 22/2, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng mạnh từ 400 -600 đồng/kg. Theo đó, cà phê đang được thu mua trong khoảng giá 45.600 – 46.500 đồng/kg. Như vậy, so với hồi đầu tháng 02, giá cà phê trong nước đã tăng rất mạnh đến 3.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính trong 15 ngày đầu tháng 02, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 90,3 nghìn tấn cà phê, thu về kim ngạch 197 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khâủ cà phê giai đoạn 01/02 – 15/02 đã tăng mạnh 56% về lượng và 51% về giá trị.
Giá dầu có thể sẽ bước vào xu hướng tăng mạnh trong nửa cuối năm
Cũng theo ông Phạm Quang Anh, đà phục hồi của giá dầu trong giai đoạn tới vẫn còn nhiều thách thức khi áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất gây ra rủi ro suy thoái có thể hạn chế năng lực tiêu thụ dầu. Trong khi đó, tồn kho dầu tại Mỹ liên tục tăng cao kể từ đầu năm nay, phản ánh nhu cầu còn yếu. Tuy nhiên, giá dầu nhiều khả năng sẽ bước vào xu hướng tăng mạnh đáng kể trong nửa cuối năm trước kỳ vọng tích cực vào nền kinh tế Trung Quốc, cùng rủi ro nguồn cung từ phía Nga có thể đẩy cán cân cung cầu rơi vào thâm hụt nhẹ.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu được áp dụng theo phiên điều hành ngày 21/2 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 không quá 22.542 đồng/lít, xăng RON 95 23.443 đồng/lít, dầu diesel 20.806 đồng/lít, dầu hỏa 20.846 đồng/lít, dầu mazut 14.251 đồng/kg.
MXV nhận định, giá các kim loại cơ bản đang dần nhận được tín hiệu khởi sắc hơn sau một giai đoạn chịu các sức ép từ cả yếu tố vĩ mô và nhu cầu tiêu thụ trên thực tế. Nhiều khả năng xu hướng tích cực này sẽ được duy trì trong thời gian tới, nhất là với nhu cầu lấp đầy các kho dự trữ nhằm phục vụ cho các triển vọng tích cực về nhu cầu trên thị trường Trung Quốc. Bất động sản tại Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu ổn định trở lại, sẽ là điểm sáng cho việc tiêu thụ các kim loại trong lĩnh vực xây dựng, từ đó hỗ trợ cho giá đồng hay sắt thép.
Trên thị trường nội địa, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính trong 15 ngày đầu tháng 02 vừa qua, nước ta đã xuất khẩu hơn 303 nghìn tấn sắt thép các loại, thu về kim ngạch 227,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sắt thép từ 01/02 – 15/02 năm nay đã tăng vọt gấp đôi. Giá trị xuất khẩu cũng đã tăng mạnh hơn 63,5%. Tín hiệu xuất khẩu khởi sắc mang đến kỳ vọng tích cực hơn đối với ngành sản xuất trong nước
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm