Thị trường hàng hóa
Giá dầu liên tục giảm
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thô kết thúc tuần giao dịch ngày 30/01 – 05/02, toàn bộ 5 trên tổng số 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Khí tự nhiên dẫn đầu đà suy yếu với mức giảm hơn 15% xuống còn 2,41 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. Nguồn cung dồi dào có thể sẽ được tiếp tục bổ sung khi Freeport LNG ở Texas, một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã đóng cửa do một vụ nổ vào năm ngoái của Mỹ, đang chuẩn bị hoạt động trở lại. Động thái này báo hiệu sẽ có nhiều lô hàng nhiên liệu hơn vào cuối quý này, trong khi nhu cầu chưa có sự gia tăng đáng kể và từ đó, gây sức ép tới giá khí.
Tương tự, giá dầu thô cũng đã ghi nhận một tuần lao dốc trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu vẫn còn yếu, trong khi các lo ngại vĩ mô xoay quanh tiến trình thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tạo ra áp lực bán mạnh. Dầu WTI đã đánh mất 7,89% giá trị trong tuần qua, xuống mức 73,39 USD/thùng. Dầu Brent cũng giảm mạnh 7,48%, đánh mất mốc 80 USD/thùng.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vào giữa tuần cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ đã tăng vào tuần kết thúc ngày 27/1, lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Điều này phản ánh bức tranh tiêu thụ vẫn đang còn mờ nhạt và kéo giá dầu lao dốc mạnh ngay sau đó.
Sang ngày 7/2, giá dầu thô WTI tăng 0,98% lên 74,11 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,31% lên 80,99 USD/thùng.
Đà tăng xuất phát từ việc các nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản thêm ít nhất hai lần nữa, thay vì một đợt như dự báo trước đó, vào hai cuộc họp trong tháng 2 và 3 sắp tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/02, dầu thô đã ghi nhận một phiên tăng mạnh, với dầu WTI tăng 4,09% lên 77,14 USD/thùng và dầu Brent tăng 3,83% lên 84,09 USD/thùng. Các nhà cung cấp dầu lớn và báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 2 từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều cho thấy góc nhìn tích cực hơn đối với nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc, đã hỗ trợ cho giá.
Bước sang ngày 9/2, giá dầu thô tăng lần 3, dầu WTI tăng 1,72% lên 78,47 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,10% lên 85,02 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu chấm dứt vào phiên 10/2 khi dầu WTI giảm 0,52% xuống 78,06 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,69% xuống 84,5 USD/thùng.
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Ấn Độ trong tháng 01/2023 đã giảm sau khi chạm mức đỉnh trong tháng 12/2022 do ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh giá và hoạt động công nghiệp có xu hướng chậm lại. Theo dữ liệu từ Trung tâm Phân tích và Lập kế hoạch Dầu khí (PPAC) của Bộ Dầu khí Ấn Độ, mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ trong tháng Giêng đạt 18,7 triệu tấn, giảm 4,6% so với tháng trước đó. Trong khi đó, nguồn cung dầu từ Nga vẫn đang được đảm bảo, bất chấp các lệnh cấm vận từ các nước phương Tây, cùng đã gây sức ép lên giá dầu.
PetroChina Co. và CNOOC Ltd. Của Trung Quốc gần đây đã nối lại nhập khẩu dầu trong nước với Nga, khi ít nhất ba siêu tàu chở dầu thô cấp Urals báo hiệu Trung Quốc là điểm đến. Nhập khẩu dầu hàng ngày của Trung Quốc từ Nga có thể tăng tới 500.000 thùng trong năm nay lên khoảng 2,2 triệu thùng. Con số này có thể tăng lên 2,5 triệu thùng nếu Bắc Kinh quyết định nhập thêm dầu Urals để nạp đầy trữ lượng dầu mỏ thương mại hoặc chiến lược của mình.
Mặc dù vậy, lực mua có xu hướng dần quay trở lại thị trường dầu vào cuối tuần, khi xuất khẩu dầu của Azerbaijan từ Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể được nối lại trong tuần này vì một phòng kiểm soát tại cảng Ceyhan bị ảnh hưởng thiệt hại do động đất, gây gián đoạn tới nguồn cung ngắn hạn. Ceyhan thường xử lý khoảng 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, gần 60% trong số đó từ Azerbaijan và phần còn lại từ Iraq.
Cà phê Robusta tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/02, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi hai mặt hàng cà phê tiếp tục đà tăng dù có sự rung lắc mạnh ở đầu phiên giao dịch.
Sau khi bật tăng ngay từ mở đầu phiên giao dịch, giá Arabica chứng kiến sự rung lắc mạnh, đóng cửa giá tăng 0,77% trước những diễn biến trái chiều về nguồn cung tại các nước cung ứng chính. Xuất khẩu chậm lại tại các nước Nam Mỹ như Brazil và Colombia, đặc biệt là Colombia với xuất khẩu trong 01/2023 sụt giảm hơn 19% trong khi sản lượng gần như không đổi, khiến thị trường lo ngại về thiếu hụt nguồn cung ở thời điểm hiện tại và hỗ trợ giá. Trong khi đó, triển vọng nguồn cung tích cực hơn trong niên vụ 2023/24 với dự báo sản lượng tăng hơn 9% lên 67,1 triệu bao đã gây áp lực khiến giá không giữ được mức tăng ban đầu.
Dù cũng chứng kiến sự giằng co mạnh trong phiên hôm qua, đóng cửa giá Robusta vẫn tăng hơn 2% khi tồn kho tiếp tục suy yếu. Theo báo cáo tồn kho Robusta hàng ngày trên Sở ICE London, mức tồn kho hiện tại đã giảm về 59.650 nghìn bao, thấp nhất kể từ năm 2016. Và với những ước tính về nguồn cung cà phê không mấy tích cực tại Việt Nam và Indonesia trong niên vụ hiện tại khả năng cao sẽ khiến lượng tồn kho tiếp tục thu hẹp và hỗ trợ giá.
Robusta cũng có phiên giao dịch khá giằng co, đóng cửa giá tăng nhẹ 0,34% khi nguồn cung tích cực hơn tại Việt Nam. Cụ thể, theo khảo sát, sản lượng cà phê trong niên vụ 2023/24 có thể đạt được 31 triệu bao, tăng so với mức 30 triệu bao của niên vụ hiện tại. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ được dự đoán sẽ tiếp tục giảm khi giá ở mức cao và lo ngại suy thoái kinh tế gây sức ép khiến giá mặt hàng này suy yếu. Tuy nhiên, tồn kho trên ICE UK tiếp tục giảm, đã nhanh chóng giúp giá lấy lại sự khởi sắc và kết phiên với mức tăng nhẹ.
Giá cà phê trong nước tăng mạnh hơn 10% kể từ đầu năm nay
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, cùng chung xu hướng giá thế giới, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh 700 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua trong khoảng 43.400 – 44.000 đồng/kg. Như vậy, so với ngày đầu năm nay, giá cà phê nội địa đã tăng rất mạnh hơn 10%. Mức tăng chủ yếu bắt đầu trong tháng 01 và tiếp tục được duy trì trong đầu tháng 02.
Theo số liệu của MXV, giá cà phê robusta được niêm yết trên Sở ICE EU cũng đã tăng mạnh khoảng 10% so với cuối năm 2022 và đạt mức cao nhất trong 3 tháng. Là nước sản xuất robusta số một toàn cầu, giá cà phê tại Việt Nam có sức ảnh hưởng lớn đến giá robusta thế giới.
Giá nông sản thế giới ở mức cao kéo giá nguyên liệu nhập khẩu ngành thức ăn chăn nuôi
Theo MXV, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm nay vẫn đang ở mức cao, mặc dù đà tăng trong 2 tuần gần đây không quá mạnh. Bức tranh nguồn cung toàn cầu đang kém khả quan, đặc biệt là ở Argentina. Do đó, giá nông sản thế giới hiện tại vẫn còn động lực tăng, ít nhất là cho tới khi thị trường đón nhận yếu tố mới vào quý II, giai đoạn Mỹ bước vào gieo trồng cho vụ mới.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 9/2, giá chào bán nông sản nhập khẩu tại cảng Cái Lân điều chỉnh tăng so với ngày trước đó. Giá chào ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao quý I năm nay trong khoảng 8.600 – 8.650 đồng/kg, tăng 100 -150 đồng/kg. Giá chào khô đậu tương dao động trong khoảng 15.550 đồng/kg đối với kỳ hạn giao quý I và 15.300 – 14.4500 đối với kỳ hạn giao quý II năm nay.
Cùng với đó, cũng trong sáng 9/2, giá thịt lợn hơi nội địa biến động trong khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Hiện tại, giá khảo sát ở các tỉnh thành dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg.
Giá thép nội địa tăng 4 lần liên tiếp trong vòng 1 tháng
Theo MXV, thị trường kim loại trong giai đoạn tới nhiều khả năng sẽ có những diễn biến tương đối phân hoá. Yếu tố vĩ mô xoay quanh bài toán thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang là mối lo ngại của thị trường, có thể khiến đồng USD phục hồi trở lại và gây sức ép tới giá kim loại quý. Trong khi đó, các mặt hàng kim loại cơ bản như đồng, sắt thép sẽ chịu tác động nhiều hơn bởi yếu tố cung cầu. Đà phục hồi của thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc, vẫn sẽ là động lực giữ cho giá ở mức cao hơn đáng kể so với giai đoạn nửa cuối năm ngoái.
Trên thị trường nội địa, từ ngày 7/2 vừa qua, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đồng loạt thông báo tăng giá bán thép các loại. Đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 tháng, với mức tăng thêm từ 300.000 - 380.000 đồng/tấn tùy doanh nghiệp. Như vậy, giá thép xây dựng trong nước đã tăng lên khoảng 15,5 – 16,5 triệu đồng/tấn.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm