Thị trường hàng hóa
Theo giới chuyên gia, mặt bằng lãi suất như một quả bóng được bơm ngày càng to và sẵn sàng nổ tung nếu ngân hàng được nới mạnh room tín dụng. Từ đầu tháng 9 đến nay, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục tăng ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh cao nhất lên đến 1%/năm.
Trong tháng 8, nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Cuộc đua tăng lãi suất có sự xuất hiện của nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước để cạnh tranh nguồn tiền gửi huy động.
Đầu tháng 9, tiếp tục có thêm một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền VND. Đáng chú ý, đã có ngân hàng thuộc nhóm "Big 4" tăng mạnh lãi suất với tiền gửi trực tuyến.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố triển khai chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng trên ứng dụng VietinBank iPay. Lãi suất ở các kỳ hạn khi gửi online là 6%/năm.
Đây là mức lãi suất huy động cao nhất tại VietinBank kể từ tháng 7/2020 đến nay và cũng đang là mức lãi suất huy động cao nhất trong các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước. Trong khi các ngân hàng "Big 4" khác bao gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vẫn đang áp dụng mức lãi suất cao nhất từ 5,6-5,8%/năm với tiền gửi online và 5,6%/năm với tiền gửi tại quầy.
Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng gần 10%, trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4%. Bên cạnh đó, một lượng vốn không nhỏ của các ngân hàng đang nghẽn trong nợ xấu, kể cả nợ cơ cấu lại.
Nếu các khách hàng trả nợ đúng hạn, thì ngân hàng sẽ có thêm room để cho vay, nhưng một lượng lớn khách hàng (kể cả đã được cơ cấu nợ) vẫn chưa thể trả nợ, khiến một lượng tiền bị giữ trong đó.
Đồng thời, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng do áp lực lạm phát cũng như để thêm nguồn vốn nhằm đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR), tránh việc mất cân đối tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Ngân hàng tăng lãi suất huy động còn để kích thích người dân gửi tiền khi tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, từ ngày 1/10 tới đây, ngân hàng phải có vốn dự trữ nhiều hơn khi cho vay (phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34%). Trong cơn khát vốn, ngân hàng buộc tìm vốn qua cách tăng lãi suất tiết kiệm, hút người gửi.
Tỷ giá “căng” gần đây cũng khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bán ra ngoại tệ, đồng nghĩa hút tiền về, càng làm thanh khoản tiền đồng của hệ thống bớt dồi dào. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI Research, tính đến hết tháng 8/2022, NHNN đã hút ròng gần 115.000 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở và 70.000 tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ.
Sự chênh lệch giữa nhu cầu tín dụng và tăng trưởng tiền gửi đang là yếu tố tiếp tục thúc đẩy đà tăng hiện có của lãi suất huy động. Điều này song hành với việc siết room tín dụng có thể đẩy lãi suất cho vay tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.
Thời gian qua, lãi suất đã có biến động tăng nhẹ cả huy động và cho vay. Lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,25%, cho vay là 0,24%. Hiện lãi suất cho vay bình quân là 7,9-9,3%/năm kể cả dư nợ mới và dư nợ cũ.
Mặc dù lãi suất huy động tăng nhưng huy động vốn vẫn lệch pha khá xa so với tăng trưởng tín dụng. Chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset dự đoán mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm 2022 và Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
NHNN vừa nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, song NHNN vẫn chưa sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng 14% của năm nay. Do đó, ngành Ngân hàng dự báo sẽ có thêm đợt nới room tín dụng vào quý IV năm nay.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm