Thị trường hàng hóa
Trong một chương trình truyền hình mới đây, Cathie Wood, Nhà quản lý Quỹ Đầu tư Công nghệ Ark Innovation ETF dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đảo ngược chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2023 với việc hạ lãi suất cơ bản khi các hoạt động của nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy giảm. Bà cho biết, dù nhiều nhà kinh tế đang phản đối quan điểm cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2023, thì bà vẫn cho rằng suy thoái đã xảy ra và sẽ chấm dứt vào năm sau.
Nhận định của bà Wood dựa trên báo cáo thị trường việc làm Mỹ đang khỏe mạnh bất ngờ. Trong tháng 7, nền kinh tế Mỹ đã trải qua 2 quý giảm liên tiếp nhưng vẫn tạo ra 528.000 công việc mới, vượt xa con số 250.000 được các nhà phân tích dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7 là 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1969.
Kể từ đầu năm, Fed đã có 4 lần tăng lãi suất, đưa lãi suất quỹ liên bang (Fed Funds Rate) lên khoảng 2,25-2,5% để khống chế lạm phát leo thang và hiện ở mức cao nhất trong hơn 40 năm. Trong đó, đây là lần duy nhất Fed tăng lãi suất 0,75% trong hai tháng liên tiếp. Lãi suất chuẩn đã tăng tổng cộng 1,5 điểm phần trăm kể từ tháng 6, mạnh nhất kể từ đầu thập niên 1980.
Theo quan điểm của Fed, một tác dụng của việc tăng lãi suất được là sẽ giải tỏa bớt sự thắt chặt của thị trường lao động và hãm đà tăng của tiền lương, thông qua đó giảm bớt sức ép lạm phát. Tuy nhiên, người phụ nữ được mệnh danh “bà hoàng" cổ phiếu Wood chỉ ra rằng, nếu nhìn vào việc làm hộ gia đình - một khảo sát về việc làm, có thể thấy con số này không tăng trong 4 tháng qua.
Bên cạnh đó, chưa bao giờ thị trường Mỹ lại chứng kiến số lượng xin trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh như hiện nay. Báo cáo cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng từ con số 6.000 lên 260.000 trong tuần cuối cùng của tháng 7, tương đương tăng gần 50% từ mức đáy.
Nhà quản lý quỹ này cũng cho biết, lượng nhân sự bị sa thải theo số liệu ghi nhận từ Công ty dịch vụ việc làm Challenger, Gray & Christmas đang có xu hướng gia tăng. Lượng nhân sự bị cắt giảm việc làm trong tháng 6 tăng 57% so với tháng 5 và đạt mức tổng cả quý cao nhất kể từ tháng 1/2021. Báo cáo tháng 7 cho thấy con số này đã giảm 21% so với tháng 6, nhưng vẫn tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo GDP quý 2 cho thấy nền kinh tế của Mỹ suy giảm 0,9%, sau khi giảm 1,6% trong quý 1. Về mặt kỹ thuật, với hai quý suy giảm liên tiếp, kinh tế Mỹ được cho là đã rơi vào suy thoái. Bà Wood nhận định, dữ liệu CPI tháng 7 có thể không đổi, hoặc tăng/giảm nhẹ, nhưng bà cho rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới.
Theo kinh nghiệm trong sự nghiệp đầu tư của bà, hợp đồng vàng Gold Continuous Contract (GC00) là một chỉ số tuyệt vời phản ánh lạm phát. Nhiều người bất ngờ nhận ra rằng giá kim loại này đã đạt đỉnh vào tháng 8/2020.
Giá đồng và giá năng lượng cũng đều giảm và lượng hàng tồn kho khổng lồ có thể sẽ khiến các công ty phải hạ giá trong vài tháng tới. Theo nhà quản lý quỹ nổi tiếng này, đây là những yếu tố sẽ làm hạ nhiệt lạm phát Mỹ thời gian tới và là cơ sở để Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tác động tới kinh tế thế giới trên nhiều phương diện. Mặt bằng lãi suất toàn cầu sẽ tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác làm cho đồng nội tệ của các nước yếu đi so với USD.
Cùng với đó, lãi suất USD tăng, các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Điều này tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tiếp đến, tăng lãi suất USD sẽ tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nước thuộc thị trường mới nổi vì các tổ chức cho vay sẽ đòi trả lãi cao hơn lãi suất khi họ đầu tư an toàn hơn tại Mỹ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm