Thị trường hàng hóa
Bất chấp những suy đoán ban đầu về độ tụt dốc không phanh ở mức 2 con số vào năm 2022 của GDP, nền kinh tế Nga đã cố gắng chống đỡ, giữ ổn định tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên sự thịnh vượng năm xưa của quốc gia này được cho là khó quay trở lại khi Chính phủ chi tiêu nhiều hơn cho quân sự.
Nền kinh tế Nga giảm 2,1% vào năm 2022. Trước khi Moscow bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, Chính phủ nước này đã kỳ vọng mức tăng trưởng 3%.
Trong tuần này, quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Nga, tuy nhiên nhận định ngân sách của Moscow có thể sụt giảm và thặng dư tài khoản vãng lai nhỏ hơn.
Đồng thời, IMF cho biết sự cô lập toàn cầu của Nga và doanh thu năng lượng thấp hơn có thể gây hại cho tiềm năng tăng trưởng của nước này trong nhiều năm.
Dựa vào việc phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng, Bộ Kinh tế Nga đã nâng dự báo về doanh số bán lẻ, tiền lương thực tế và thu nhập khả dụng thực tế vào năm 2023, nhưng hạ thấp chúng một chút vào năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp được thiết lập để duy trì ở mức thấp kỷ lục 3,5% cho đến năm 2026.
Bộ trưởng Kinh tế Maxim Reshetnikov cho biết: “Nhu cầu sẽ phục hồi khi xu hướng tiết kiệm của người dân được bình thường hóa và khi cho vay tiêu dùng tăng lên”.
Ngược lại, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là tổ chức có dự báo bi quan nhất. Mùa thu năm ngoái, họ dự báo kinh tế Nga co lại 5,6% năm nay. Hiện tại, con số này được điều chỉnh còn - 2,5%.
OECD giải thích rằng: "Tác động từ các biện pháp cấm vận nhằm vào xuất khẩu năng lượng của Nga nhỏ hơn dự báo ban đầu. Nga vẫn duy trì được mức xuất khẩu nhờ tăng bán cho các thị trường khác, dù với giá rẻ hơn".
Trong năm 2024, Bộ kinh tế Nga dự báo tăng trưởng GDP là 2%, giảm từ mức 2,6% khi đưa ra dự báo kinh tế vĩ mô lần cuối vào mùa thu năm ngoái.
Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đang giảm mạnh, ở mức khoảng 73% trong quý đầu tiên của năm 2023. Trong năm 2022, xuất khẩu dầu và khí đốt mạnh mẽ kết hợp với nhập khẩu sụt giảm đã đẩy thặng dư lên mức cao kỷ lục,
Năm 2023, Bộ Kinh tế Nga gần như đã giảm một nửa dự báo về thặng dư tài khoản vãng lai, xuống còn 86,6 tỷ USD từ 157,6 tỷ USD trước đó và cắt giảm dự báo cán cân thương mại khoảng 1/3 xuống còn 152,1 tỷ USD.
Các nhà kinh tế từ Viện Tài chính Quốc tế cho biết Nga có thặng dư tài khoản vãng lai "thừa" lớn vào năm 2022, với mức thặng dư cao hơn và vượt quá con đường thời vụ thông thường vào năm 2021 và 2022.
IIF cho biết trong một báo cáo được công bố hôm thứ Năm: “Số tiền này chiếm khoảng 13% GDP, góp phần làm tăng tính thanh khoản trong hệ thống tài chính của Nga, từ đó - hỗ trợ tăng trưởng”.
"Mức vận may trời cho này đã kết thúc vào năm 2023, với thặng dư tài khoản vãng lai của Nga dưới mức 'bình thường', có thể là một lý do khiến đồng rúp suy yếu từ đầu năm đến nay", báo cáo cho biết thêm.
Đồng rúp giảm khoảng 10% từ đầu năm đến nay, đồng tiền "xấu" thứ ba trong số các loại tiền tệ toàn cầu từ đầu năm đến nay, đang phải vật lộn dưới sức nặng của giá dầu phương Tây và doanh thu xuất khẩu bị thu hẹp.
Bộ kinh tế đã hạ dự báo tỷ giá đồng rúp xuống 76,5 so với đồng đôla vào năm 2023, từ 68,3 đôla trong dự báo trước đó và xuống 76,8 đôla từ 70,9 đôla vào năm 2024.
Theo ước tính của Bộ Kinh tế Nga về giá dầu Brent, thay vì giá dầu Urals của Nga như thường lệ, dự kiến sẽ đạt 80,7 USD/thùng trong năm nay và 75,7 USD/thùng vào năm 2024.
Hãng thông tấn Interfax trích dẫn một nguồn tin nói rằng nguyên nhân khiến động thái trên xảy ra là do dầu Urals hiện "không có tính đại diện". Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã buộc Nga phải bán dầu giảm giá, làm lệch giá Urals.
Bộ Kinh tế Nga không cung cấp ước tính sản xuất và xuất khẩu dầu, sản phẩm dầu và khí đốt. Một nguồn tin nói với Reuters đây là một nỗ lực nhằm chống lại lệnh trừng phạt.
Cảnh báo về tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã đẩy giá xăng dầu leo dốc. Giá dầu Brent tăng vượt mức 86 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 14/4, giá dầu đã tăng nhẹ sau khi cơ quan giám sát năng lượng của phương Tây cho biết nhu cầu toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay do tiêu dùng của Trung Quốc phục hồi.
IEA cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm sản lượng sâu theo công bố của OPEC+ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu và gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 22 cent, tương đương 0,3%, lên mức 86,31 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 36 cent, tương đương 0,4%, lên mức 82,52 USD/thùng.
Tuần này, giá dầu Brent tăng 1,5%, dầu WTI tăng 2,4%. Với 4 tuần tăng liên tiếp, đây là chuỗi tăng dài nhất của giá dầu kể từ tháng 6 năm ngoái.
Các lệnh trừng phạt đối với Nga dường như đang phát huy tác dụng như dự kiến. Cụ thể, trong tháng 3, xuất khẩu dầu thô của Nga đạt mức cao nhất kể từ Covid-19 xảy ra nhưng doanh thu giảm gần một nửa so với một năm trước đó, dữ liệu từ IEA cho thấy.
Hôm 14/4, IEA cho biết trong báo cáo thị trường hàng tháng rằng xuất khẩu dầu hàng ngày của Nga đạt trung bình 8,1 triệu thùng/ngày vào tháng trước, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, “do giá giảm sâu thu hút các thương nhân sẵn sàng mạo hiểm tiếp cận các thùng dầu”.
Cơ quan này cho hay doanh thu xuất khẩu phục hồi nhẹ từ mức thấp trong tháng 2, đạt 12,7 tỷ USD, nhưng vẫn giảm 43% so với một năm trước đó.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm