Thị trường hàng hóa
Thời gian qua, MXH đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Và MXH đã cho phép người dùng tiếp nhận, chọn lọc và sử dụng thông tin một cách hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian, thời gian. Vì vậy, thông tin về tất cả các vấn đề của thế giới và con người thông qua MXH đã và đang tác động một cách đa chiều, đa hướng, thường xuyên, liên tục đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, thái độ, hành vi, lối sống của mọi người tham gia MXH.
Những hệ lụy từ MXH
Có thể nói, với khả năng kết nối, lan tỏa thông tin nhanh chóng, rộng khắp, mà các MXH và những tiện ích đi kèm đã và đang trở thành một trong những kênh giao tiếp thông dụng đối với nhiều người. Thế nhưng, bên cạnh những giá trị và lợi ích đáng ghi nhận, sự phát triển nhanh đến mức khó kiểm soát của MXH cũng mang tới không ít hệ lụy. Trong đó, đáng báo động chính là tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử, vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong giới trẻ. Chính việc đắm chìm trong thế giới ảo, đã khiến một bộ phận người trẻ sẵn sàng bất chấp, thách thức và bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa trong cuộc sống thực để đổi lấy lượt view (xem), like (yêu thích), share (chia sẻ) trên mạng, chỉ nhằm mục đích duy nhất là tăng thu nhập và sức ảnh hưởng.
Ngoài ra, vấn nạn tin giả (Fake News) trên MXH cũng là điều cần được nhắc tới. Có một thực tế rằng, đa số người dùng MXH chưa hiểu rõ về tác hại của "Fake News" và những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia MXH. Tin giả được lan truyền trên các trang MXH hiện nay hầu như mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, lừa đảo lôi kéo sự chú ý người đọc, người xem. Tin giả thì thường giật gân để lừa người đọc, người xem chia sẻ, bình luận, từ đó lan truyền một cách không tưởng.
Thực tế cho thấy, việc đăng tin không đúng sự thật chủ yếu được thực hiện phổ biến thông qua MXH. Các sự kiện, vụ việc được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: văn bản, hình ảnh, video clip… nhưng được chỉnh sửa, cắt ghép và đăng tải trên các trang thông tin không chính thống hoặc qua các nền tảng MXH: Facebook, YouTube, Twitter, Instagram, Zalo… Các đối tượng phát tán tin tức giả có nhiều mục đích khác nhau: tài chính, hạ uy tín cá nhân, tổ chức hay chỉ đơn giản là thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng để câu like, câu view…
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong những năm qua, Google đã tích cực hợp tác và gỡ bỏ hàng nghìn clip xấu độc theo yêu cầu. Tuy nhiên, hiện vẫn đang còn không ít video độc hại được phát hiện trên kênh YouTube đang tiếp tục được yêu cầu phía Google xử lý. Luật An ninh mạng ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 chính là cơ sở pháp lý để điều chỉnh hành vi của người tham gia MXH, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của Bộ Thông tin và Truyền thông, là những nhân tố giúp cho môi trường mạng từng bước được làm sạch, nhiều thông tin lệch lạc được ngăn chặn nhanh hơn, kịp thời hơn.
Nhưng mọi giải pháp của cơ quan hữu quan vẫn luôn là yếu tố khách quan và khó có thể triệt để nếu chúng ta không đề cập đến vai trò chủ quan của những người tham gia trực tiếp trên MXH. Họ là những người hàng ngày tiếp cận mọi thông tin từ khắp các ngả trong thế giới ảo, những người sẽ nhấn nút theo dõi vào các kênh thông tin, "like" hay không "like" các thông tin đó thông qua bộ lọc của chính mình.
Ý thức từ người sử dụng
Sử dụng MXH một cách lành mạnh, có ý thức, những người trẻ cần biết chọn lựa và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm, làm cho môi trường mạng trở thành nơi lan tỏa những giá trị sống tích cực, giúp ích cho giới trẻ và cả cộng đồng. Mỗi cá nhân khi sử dụng MXH cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để hình thành cho bản thân những kỹ năng nhận diện thông tin xấu độc trên mạng Internet. Có 6 phương pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, cần xem xét kỹ các tiêu đề: Những thông tin xấu độc thường có tiêu đề hấp dẫn, đặc biệt là những thông tin trong tiêu đề giật title, gây sốc.
Thứ hai, chú ý tới các đường dẫn liên kết: Đây là dấu hiệu cảnh báo về tin giả khi chúng ta phát hiện đường dẫn tới trang web giả mạo hoặc trông gần giống với đia chỉ/đường dẫn của một trang web chính thống. Đầu tiên, hãy kiểm tra lại địa chỉ web. Đây là phương pháp nhanh chóng nhất trong các cách nhận biết trang web lừa đảo. Cảnh giác trước các đường dẫn có dấu hiệu như: Lỗi chính tả, sai khác (lấy đường dẫn khác, nhưng tên website giống hệt), thiếu hoặc thừa một vài ký tự, hoặc thay thế một vài ký tự với ký tự khác gần giống (như “l” thay bằng “1”)...
Thứ ba, kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra. Đồng thời kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xấu độc là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”. Sử dụng các công cụ tìm kiếm để tìm các bài viết trên các trang mạng chính thống có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực. Các đuôi trang .com, .org, .gov (chính phủ), .edu (giáo dục đào tạo)… thường là những trang truy cập (top-level domain) có thể tin cậy được, tuy nhiên cũng cần phải cẩn trọng khi truy cập nếu bạn thấy có dấu hiệu khả nghi về việc lấy cắp hay thu thập thông tin dữ liệu cá nhân. Vì vậy nên xác nhận lại mọi thứ. Trong khi đó, các đuôi top-level domain (trang truy cập) ít phổ biến như .info, .asia, .vip, .tk, .xyz… thường có độ tin cậy khá là thấp. Tên miền có top-level domain (trang truy cập) có độ tin cậy thấp. Ví dụ: https://www.shoppe8.vip, top-level domain là .vip hoặc https://vngame.xyz có top-level domain là .xyz. Hơn nữa, các tên miền mới được đăng ký gần đây hoặc có độ tuổi thấp thì cũng thường có dấu hiệu khả nghi nên cẩn thận và không nên vội tin khi giao dịch hay chia sẻ thông tin. Có thể kiểm tra thông tin tên miền tại who.is.
Thứ tư, xác định đối tượng tán phát: Các thông tin bắt nguồn từ các đối tượng phản động chống đối, cá nhân thiếu hiểu biết.
Thứ năm, đánh giá về hình thức, nội dung: Tin tức xấu, độc hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin xấu, độc thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Nội dung chứa lỗi chính tả. Nguyên nhân là do các trang web giả mạo thường không kiểm duyệt kỹ nội dung. Hoặc, các trang này được tạo bởi kẻ xấu ở nước ngoài mà họ không thành thạo ngôn ngữ được sử dụng để lừa đảo.
Thứ sáu, kiểm tra hình ảnh: Những thông tin xấu độc thường chứa hình ảnh hoặc video bị chỉnh sửa. Đôi khi bức ảnh được các đối tượng cố tình đưa ra khỏi bối cảnh gốc gây nhầm lẫn, lầm tưởng cho người xem. Do vậy, chúng ta cần sử dụng tính năng tìm kiếm ảnh, đối chiếu với nguồn ảnh gốc (nếu có), xác định thời gian khởi tạo, dung lượng, kích thước.. để đối chiếu với các thông tin đối tượng đưa ra. Một trong những cách dễ nhất để làm điều này là sử dụng 'tìm kiếm hình ảnh ngược'. Google: Tới trang tìm kiếm hình ảnh của họ tại http://images.google.com/ và bấm vào nút camera. Tải lên hình ảnh và xem kết quả tìm kiếm cho hình ảnh của bạn. Bạn có thể cần duyệt qua các kết quả tìm kiếm tùy thuộc vào số lượng kết quả được trả về và mức độ giống với hình ảnh bạn đã tải lên. Việc sử dụng các tùy chọn tìm kiếm cũng có thể cần thiết.
Có thể nói, trong bối cảnh công nghệ phát triển, MXH ngày càng được giới trẻ coi như "điều không thể thiếu" thì muốn chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn đạo đức đòi hỏi cả sự răn đe nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng đến những người trẻ, giúp họ hiểu các điều cấm liên quan văn hóa ứng xử trên môi trường mạng còn cần có sự vào cuộc rốt ráo, thường xuyên và liên tục của lực lượng chức năng để phát hiện trường hợp vi phạm và xử lý sai phạm.
Bên cạnh đó, dù đã có một số cá nhân vi phạm bị xử phạt nhưng xem ra, mức phạt còn nhẹ và không đáng kể so với nguồn lợi kinh tế mà họ thu được, dẫn đến tình trạng "nhờn luật". Do đó, mức độ, hình thức xử phạt cần mạnh và nghiêm khắc hơn nữa, đủ để cảnh tỉnh, có tính răn đe các đối tượng có ý định vi phạm.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 (Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ MXH) Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực… sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. (Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP thì mức phạt này được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức). Như vậy, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng; tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật mà mình đã đăng tải. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm