Thị trường hàng hóa
Chuyên gia nhận định, cảm xúc là bản năng của con người. Tuy nhiên, nó có thể được kiểm soát bởi lý trí. Khi xuất hiện cảm xúc, người ta có thể chọn hành vi cư xử. Người thiếu tự tin sẽ dễ bị rơi vào tiêu cực dẫn đến bi quan, tức giận vô cớ. Ngược lại, người tự tin có khả năng đương đầu khó khăn nên sẽ kiểm soát được cảm xúc của bản thân.
Có được sự tự tin trong giao tiếp, người ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những đánh giá, phán xét của người khác; Từ đó trở nên lạc quan và đầy năng lượng trong cảm xúc.
Cô Nguyễn Thị Trường, giáo viên Trường THCS Bình Bộ (Phù Ninh, Phú Thọ) cho biết, trong giao tiếp, việc bất đồng quan điểm, to tiếng có thể dẫn đến những kết quả không đáng có. Nó không chỉ khiến mối quan hệ trở nên xấu đi mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Kỹ năng điều khiển cảm xúc là những cách người ta có thể sử dụng để làm chủ cảm xúc của bản thân trong mọi tình huống, hoàn cảnh giao tiếp nào. Điều này không có nghĩa là bạn phải tìm mọi cách để loại bỏ, khống chế hay kìm hãm cảm xúc.
“Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn phải đối mặt với nhiều tình huống, nhiều cảm xúc khác nhau. Khi không quản lý được cảm xúc của mình, sẽ rất dễ tạo nên những thói quen tiêu cực”, cô Trường nói.
Cũng theo cô giáo này, kiểm soát cảm xúc của bản thân là điều chưa bao giờ dễ dàng. Tuy nhiên, nếu hiểu được sự quan trọng và dành thời gian giúp trẻ luyện tập thì chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tích cực.
Bản chất của việc mất kiểm soát là việc không còn đủ tỉnh táo để có thể làm chủ các hành động mà mình cho là đúng. Với con trẻ, khi gặp các tình huống khiến cảm xúc trở nên tiêu cực thì người lớn cần phải cố gắng đưa trở lại trạng thái cân bằng.
Theo đó, cha mẹ có thể giúp trẻ điều chỉnh cơ thể bằng cách hành động như thả lỏng người, hít thở sâu, thay đổi tư thế ngồi hoặc đứng để cảm thấy thoải mái hơn
Bên cạnh đó, con người có khả năng điều chỉnh cảm xúc của mình bằng trí tuệ. Trí tuệ cảm xúc là sự suy nghĩ chín chắn trước một tình huống. Từ đó điều chỉnh cảm xúc một cách có hiệu quả.
“Hãy rèn luyện cho trẻ nhìn người khác bằng thái độ tích cực và nhân ái. Hãy cố gắng hạn chế các cảm xúc tiêu cực nảy sinh bên trong con người trẻ, tránh để chúng điều khiển. Cần giúp trẻ tìm những điểm tốt, điều đáng để học tập từ những người xung quanh mình”, cô Trường gợi ý.
Đối với trẻ, khi có các cảm xúc tiêu cực, hay phàn nàn về những điều xung quanh mình thì việc mất kiểm soát rất dễ xảy ra. Cha mẹ và thầy cô hãy thường xuyên sử dụng các từ ngữ mang tính khích lệ, động viên tinh thần. Đây là một trong những cách không chỉ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc hữu ích mà còn là cách để con có thể xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp từ hoạt động giao tiếp.
Trên thực tế, cha mẹ thường dạy trẻ dùng lý trí để lựa chọn xem mình có nên tức giận, buồn bã hay vui vẻ,… Thế nên nếu không đủ tự tin, trẻ sẽ có sự hoài nghi với sự lựa chọn của bản thân mình.
Việc thiếu tự tin sẽ khiến nhiều người rơi vào những cảm xúc tiêu cực. Khi cảm thấy lép vế, bạn sẽ dễ nảy sinh các cảm giác ghen tị, tức giận vô cớ. Vì thế, việc có được sự tự tin trong các tình huống chính là cách để có kỹ năng kiểm soát bản thân tốt nhất dành cho trẻ.
Thậm chí, việc loại bỏ các cảm xúc tiêu cực chắc chắn sẽ mang đến cho trẻ nhiều lợi ích. Cảm xúc tiêu cực chính là kẻ thù số 1 của việc kiểm soát cảm xúc của mỗi người. Để làm được điều này, trẻ cần áp dụng một số điều như loại bỏ văn hóa đổ lỗi, không bào chữa, hãy tự tin và nhận lỗi, không so đo thiệt hơn. Thậm chí, loại bỏ những lời phàn nàn, dành nhiều lời khen hơn cho những người xung quanh.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, con trẻ dễ gặp khủng hoảng tâm lý hơn người lớn bởi các em chưa đủ tư duy để suy nghĩ chín chắn, chưa biết cách để tự giải tỏa những cảm xúc của bản thân. Bên cạnh đó, trẻ cũng chưa có kỹ năng để điều khiển và kiểm soát những cảm giác tiêu cực như buồn phiền, chán nản...
TS Nguyễn Thị Huyền, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho biết, nguyên nhân đầu tiên từ chính bản thân các em. Trẻ nào có hệ thần kinh yếu thì khi có áp lực từ bên ngoài hoặc khi có căng thẳng từ môi trường sẽ trở nên lo lắng và mất bình tĩnh.
Nguyên nhân thứ hai đến từ môi trường. Môi trường gần nhất là các mối quan hệ gia đình, sau đó là mối quan hệ nhà trường bao gồm thầy cô, bạn bè và cộng đồng. Xét ở nhiều góc độ khác nhau, trong các vấn đề về tâm lý sẽ bao gồm cả những sang chấn tác động đến các em như áp lực về mặt thi cử, học tập, bệnh dịch, sự mất mát của người thân hoặc mất mát đồ vật mà các em yêu quý…
Theo TS Nguyễn Thị Huyền, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, niềm tin mà cha mẹ mang đến cho con có sức mạnh rất lớn giúp con vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt trong giai đoạn tuổi dậy thì và giai đoạn tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy, cha mẹ cần cố gắng đặt mình vào vị trí của con để có thể đồng cảm, thấu hiểu con và giữ đúng lời hứa, đem lại lời khen đối với con. Với những lời phê phán thì làm sao để con không cảm thấy suy sụp, thất vọng. Cha mẹ phải trở thành người bạn của con mới có thể biết được con của mình có vấn đề gì và nhanh chóng hỗ trợ các con vượt ra khỏi vấn đề mà các con gặp phải, giúp con đủ tự tin để có những bước đi vững chắc trong cuộc đời sau này. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm