Thị trường hàng hóa
Cuộc chiến tranh giành quyền lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà lập pháp của Mỹ vô cùng lo ngại về an ninh, nền kinh tế và sự thịnh vượng của quốc gia. Tuy nhiên, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đổ nguồn lực vào cuộc đua giành vị trí thống trị trong lĩnh vực này thì cũng có sự hợp tác diễn ra.
Thậm chí một số chuyên gia về AI còn nói rằng hợp tác xuyên biên giới chính là chìa khóa để tận dụng tối đa những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thông qua một dự án có tên KubeRa, kỹ sư của Microsoft và ByteDance đang nỗ lực hết sức để thực hiện hóa quan điểm trên. Một phần mềm giúp hai công ty chạy các ứng dụng AI hiệu quả hơn được cho là thứ mà gã khổng lồ phần mềm Mỹ và kỳ lân công nghệ Trung Quốc đang xây dựng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Ray tuần này ở San Francisco, kỹ sư phần mềm Jiaxin Shan của ByteDance và kỹ sư phần mềm chính của Microsoft Ali Kanso đã thảo luận về công việc của họ với các nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia máy học và các nhà phát triển khác quan tâm đến việc xây dựng các ứng dụng lớn bằng phần mềm nguồn mở có tên Ray. Shan và Kanso đã giải thích các chi tiết kỹ thuật đằng sau KubeRay và cho rằng phần mềm này rất hữu ích trong việc cung cấp năng lượng cho các ứng dụng AI chạy trên nhiều máy tính hoặc máy tính phân tán.
“Jiaxin và tôi đã làm việc trong hơn một năm cho một dự án mã nguồn mở”, Kanso cho biết. “Chúng tôi không ở cùng một công ty, nhưng chúng tôi gặp nhau hàng tuần, cộng tác hàng tuần".
Ray Summit được tổ chức bởi công ty khởi nghiệp phần mềm Anyscale, với công nghệ được xây dựng dựa trên Ray. Công ty Anyscale, cũng đóng góp cho KubeRay, được đồng sáng lập vào năm 2019 bởi một nhóm kỹ sư trong đó có ông Ion Stoica - giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California ở Berkeley. Ông Stoica là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phần mềm nguồn mở và đồng sáng lập Databricks, một công ty phân tích dữ liệu được định giá 38 tỷ USD trong vòng tài trợ năm ngoái.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh gay gắt về AI và sở hữu trí tuệ, sự hợp tác giữa Microsoft và ByteDance được coi như một nước đi đầy tính táo bạo. Từ mối quan hệ này, hai bên có thể sẽ cho ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ đầy tính sáng tạo và tiên tiến trong thời gian tới. Tuy vậy, còn đó những lo ngại xoay quanh vấn đề lạm dụng công nghệ để giám sát và vi phạm quyền riêng tư.
Microsoft đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào AI cùng với các đối thủ cạnh tranh như Amazon, Alphabet - công ty mẹ của Google, Meta - công ty mẹ của Facebook, hay Apple. Giống như Google đã từng làm, Microsoft duy trì một phòng thí nghiệm nghiên cứu AI ở Trung Quốc, giúp họ khai thác tài năng học thuật của đất nước tỷ dân.
Trong khi đó, khi việc sử dụng TikTok đã bùng nổ trong những năm gần đây, ByteDance đã tham gia vào các dự án mã nguồn mở AI khác nhau. Ví dụ, vào năm 2020, ByteDance đã ra mắt bộ công cụ phần mềm NeurST để dịch giọng nói được hỗ trợ bởi AI. Năm ngoái, công ty đã ra mắt phần mềm mã nguồn mở CloudWeGo dành cho doanh nghiệp.
Đây không phải là lần đầu tiên Microsoft có quan hệ hợp tác với công ty mẹ của TikTok. Mối quan hệ giữa Microsoft và ByteDance đã được xây dựng từ vài năm trước nhưng bất thành. Vào năm 2020, Microsoft đã tìm cách mua lại TikTok từ ByteDance, thời điểm mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này vì lý do bảo mật không xác định. Một năm sau đó, trong một lần chia sẻ với cánh báo giới, Satya Nadella - Giám đốc điều hành Microsof - đã gọi thương vụ này là “chuyện kỳ lạ nhất” mà ông từng có ý định làm.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm