Thị trường hàng hóa
Máy tính lượng tử của Fujitsu dự kiến hướng đến thị trường các công ty trong lĩnh vực dược phẩm, vật liệu và dự báo tài chính. Điện toán lượng tử được kỳ vọng có thể mang đến tác động tích cực lớn cho một loạt các lĩnh vực, bao gồm hóa chất, dược phẩm, ô tô và tài chính.
Máy tính lượng tử có thể thúc đẩy sự phát triển của những đột phá trong khoa học, nghiên cứu thuốc để cứu người, phương pháp học máy để chẩn đoán bệnh sớm hơn, làm ra vật liệu để tạo ra các thiết bị và cấu trúc hiệu quả hơn. Những tiến bộ xung quanh công nghệ lượng tử như máy tính lượng tử, vốn có hiệu suất vượt trội hơn nhiều so với siêu máy tính, đã trở nên thịnh hành trong nhiều năm trở lại đây. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã cải tiến chiến lược công nghệ lượng tử của mình để bắt kịp Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ mang tính đột phá cao này.
Giờ đây, Nhật Bản đã sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với những công ty áp dụng mô hình công nghệ lượng tử như IBM hay Google. IBM và Google là hai trong số những công ty đi đầu trong cuộc đua điện toán lượng tử và thậm chí đã tuyên bố “ưu thế lượng tử” thông qua các cột mốc quan trọng. Nhìn lại vào năm 2019, Google cho biết họ đã đạt được “ưu thế lượng tử” sau khi máy tính lượng tử của hãng rút ngắn thời gian giải một bài toán từ 10.000 năm xuống còn 200 giây.
IBM, công ty đã trình làng máy tính lượng tử đầu tiên của Nhật Bản dành cho các ứng dụng thương mại, sẽ cung cấp máy tính lượng tử cho mục đích thương mại bắt đầu từ tháng 4 năm 2023. Theo thông tin từ Nikkei, Fujitsu đã “bắt tay” với Riken từ hồi năm ngoái, thông qua việc thành lập một trung tâm nghiên cứu mới có tên Riken RQC-Fujitsu Collaboration Center, đặt tại thành phố Wako, tỉnh Saitama. Một nhóm gồm 20 nhà nghiên cứu đã làm việc ở đó, kết hợp công nghệ máy tính lượng tử của Riken sử dụng mạch siêu dẫn cùng với công nghệ tính toán lượng tử và kiến thức về các ứng dụng công nghệ lượng tử của Fujitsu.
Thông qua Viện Riken, Chính phủ dự định bổ sung thêm hai địa điểm nghiên cứu mới để khám phá các ứng dụng công nghiệp, nâng tổng số địa điểm lên 10. Một trong hai địa điểm sẽ được đặt tại Đại học Tohoku ở Sendai, tỉnh Miyagi, trên bờ biển đông bắc Nhật Bản. Địa điểm tại Sendai sẽ đào tạo nhân sự và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Trong khi địa điểm khác tại Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa sẽ đóng vai trò là trung tâm thúc đẩy nghiên cứu chung của các nhà khoa học toàn cầu.
Nhật Bản dự kiến sẽ hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ lượng tử thông qua một quỹ nhà nước. Không chỉ dựa trên mỗi sự hỗ trợ của nhà nước, những nỗ lực của khu vực tư nhân và đầu tư tích cực sẽ thúc đẩy sự lan tỏa của công nghệ mới này. Đặc biệt, Liên minh Công nghiệp Chiến lược Lượng tử cho Cách mạng (Q-STAR), với sự góp mặt của 24 công ty bao gồm một số tên tuổi gia đình như Toyota Motor, Hitachi và NTT, cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Q-STAR sẽ hợp tác với các ngành công nghiệp, học viện và Chính phủ trong việc thúc đẩy các sáng kiến áp dụng công nghệ mới và thiết lập các nền tảng công nghệ liên quan”, theo thông cáo báo chí của NTT trong năm 2021.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm