Thị trường hàng hóa
Theo số liệu thống kê của EY – công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, hoạt động mua bán và sáp nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) trong nửa đầu năm 2022 diễn ra mạnh mẽ với 648 thương vụ, tổng giá trị 403 tỷ USD. Nhìn chung hoạt động mua bán và sáp nhập trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm so với thời điểm này năm ngoái, nhưng giá trị vẫn duy trì ở mức trung bình của chu kỳ M&A gần nhất (tăng lần lượt 6% và 3%). Khối lượng và giá trị thương vụ tăng trong khu vực APAC cho thấy các công ty APAC đang tận dụng M&A như một phương tiện để chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ.
Đối với Yew-Poh Mak, Trưởng nhóm Chiến lược và Giao dịch châu Á - Thái Bình Dương của EY, các công ty châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc chuyển đổi doanh nghiệp để bắt kịp với sở thích của người tiêu dùng, gián đoạn kỹ thuật số, và các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Ông nói thêm rằng bất chấp những khó khăn kinh tế, các CEO trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đều tập trung vào mục tiêu dài hạn.
Hiện giờ, Trung Quốc đứng đầu bảng về thị trường mua bán và có hoạt động sáp nhập sôi động nhất ở châu Á - Thái Bình Dương với giá trị 114 tỷ USD. Về phía Australia, xứ sở kangaroo đã có một khởi đầu năm mới cực kỳ khởi sắc với tổng giá trị của các giao dịch mua bán trong và ngoài nước tăng lên 48 tỷ USD, tăng 123% so với mức trung bình của chu kỳ giao dịch cuối cùng (2015–2019).
“Các công ty châu Á - Thái Bình Dương, bất kể lĩnh vực nào, họ đều đang đẩy mạnh sự phát triển tập trung vào công nghệ của họ để bắt kịp với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và sự tăng trưởng về khả năng kỹ thuật số trên toàn khu vực. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ trong thị trường M&A tại APAC. Các công ty châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng chuyển sang M&A với mục tiêu có được khả năng kỹ thuật số và quy mô cần thiết để hướng tới thành công”, Mak nói thêm.
Trong khi đó, Ben Kwan, thành viên trong Ban lãnh đạo EY-Parthenon, nhận định rằng phần mềm là thứ được quan tâm và tìm kiếm nhiều nhất trong lĩnh vực công nghệ. “Việc đầu tư phần mềm chủ yếu tập trung vào các dịch vụ doanh nghiệp, fintech, internet di động, AI, chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, carbon, năng lượng mới và tương lai của phần mềm liên quan đến di động. Chất bán dẫn cũng là trọng tâm hoạt động chính, chiếm một phần đáng kể trong tổng giá trị giao dịch”, Kwan nói.
Kwan cũng chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 đã buộc quá trình chuyển đổi kỹ thuật số phải đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Ông tin rằng các công ty đang ngày càng chuyển sang sáp nhập và mua lại công nghệ để thu hẹp khoảng cách kỹ năng công nghệ và kỹ thuật số, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh doanh.
Hơn nữa, Kwan nhấn mạnh đến Chỉ số đầu tư kỹ thuật số EY-Parthenon 2022. Theo đó 55% công ty đang lựa chọn đầu tư các dự án bên ngoài thay vì xây dựng khả năng nội bộ. Trong khi đó, Joongshik Wang, Lãnh đạo EY-Parthenon ASEAN đề cập rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thực hiện các bước thật cẩn trọng để thúc đẩy những thay đổi về quy mô, hình dạng và kỹ năng của lực lượng lao động trong tương lai.
“Các cách tiếp cận mới về phân tích con người đang tạo ra những hiểu biết sâu sắc hơn và cho phép lập kế hoạch lực lượng lao động chiến lược dựa trên năng lực thay vì vai trò. Những cách tiếp cận mới đòi hỏi kỹ năng mới. Đơn cử như bộ phận nhân sự tập trung vào việc tuyển dụng nhân tài có kỹ năng kỹ thuật số. Chúng tôi đang chứng kiến các công ty hàng đầu trên thế giới xây dựng công nghệ độc lập để thu hút tốt hơn các tài năng hàng đầu trên quy mô lớn và hình thành liên minh linh hoạt hơn với các đối tác trong hệ sinh thái”, Wang nói.
Ben Kwan đồng ý rằng tích hợp dữ liệu và công nghệ thông tin (CNTT) đang trở thành một trong những thách thức chính đối với M&A công nghệ, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới. Hầu hết các tổ chức đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc triển khai các nền tảng CNTT và khuôn khổ tích hợp dữ liệu nhất quán trên toàn cầu. “Ngoài ra, các khuôn khổ về quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng vẫn còn rất phân mảnh và có tính phức tạp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Kwan đề cập đến việc tuân thủ các quy định của địa phương như một trong những mối quan tâm hàng đầu để tích hợp dữ liệu trong M&A công nghệ.
Do đó, Kwan tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải hình thành một chiến lược quản lý và tích hợp dữ liệu toàn diện, bắt đầu từ thẩm định trước giao dịch cho đến tích hợp sau giao dịch. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tích hợp dữ liệu và CNTT thành công, đồng thời tuân thủ các quy định của địa phương.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm