Thị trường hàng hóa
Năm 2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước thiết lập một hiệp ước về đại dương. Cho đến ngày 18/4 vừa qua, Đại hội đồng đã ra nghị quyết ấn định thời gian chính thức thông qua Hiệp dương Đại dương vào tháng 6 tới.
Mặc dù biển khơi chiếm hơn 60% tổng diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái đất, song rất ít được chú ý tới. Hiện chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ.
Văn bản hiệp ước đã được các bên thống nhất vào tháng 3 vừa qua, sau 15 năm thảo luận và 4 năm đàm phán chính thức. Hiệp ước sẽ là cơ sở pháp lý cho việc mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế trên toàn thế giới.
Hiệp ước trước tiên cần được các chuyên gia pháp lý xem xét và chuyển ngữ sang 6 thứ tiếng chính thức của Liên hợp quốc. Cuộc họp thông qua hiệp ước dự định diễn ra trong các ngày 19-20/6. Sau đó, từng nước thành viên sẽ tiến hành phê chuẩn. Hiệp ước cần được tối thiểu 60 nước phê chuẩn để có hiệu lực áp dụng.
Hiện tại, hầu hết các khu vực biển được bảo vệ đều nằm trong lãnh hải của các nước thành viên Liên hợp quốc. Hiệp ước sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia, vốn mở rộng 200 hải lý (370km) tính từ đường cơ sở. Như đã nói, có hơn 60% đại dương nằm bên ngoài vùng EEZ.
Theo các nhà khoa học, việc bảo vệ biển khơi cũng là bảo vệ sự đa dạng sinh học biển, vốn đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra oxy cũng như hấp thụ carbon dioxide, góp phần bảo vệ môi trường.
Hiệp ước cũng yêu cầu nghiên cứu tác động đối với môi trường từ các hoạt động như thăm dò, khai thác vùng biển sâu. Thực tế hiện nay cho thấy biển và đại dương đang đối mặt các nguy cơ từ ô nhiễm môi trường và hiện tượng Trái đất ấm lên. Rất ít các vùng biển khơi được bảo vệ, trong khi vấn nạn ô nhiễm, axit hóa và đánh bắt thủy hải sản quá mức đang là mối đe dọa ngày một lớn.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm