Thị trường hàng hóa
Trước một hội chúng gồm khoảng 100 nhà lãnh đạo thế giới và hàng triệu khán giả truyền hình, Tổng Giám mục Canterbury, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Anh, đã từ từ đội Vương miện St Edward có tuổi đời 360 năm lên đầu Vua Charles khi ông ngồi trên một Ngai vàng có từ thế kỷ 14 ở Tu viện Westminster. Sự kiện lịch sử và long trọng này từng bắt đầu từ thời Vua William I vào năm 1066.
Người vợ của Vua Charles là bà Camilla cũng đã lên ngôi Hoàng hậu trong nghi lễ xa hoa này. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tự hào nói: “Không một quốc gia nào khác có thể tổ chức một màn trình diễn rực rỡ như vậy - các đám rước, các cuộc thi hoành tráng, các nghi lễ và các bữa tiệc đường phố”.
Tuy nhiên, nghi lễ đăng quang Vua Charles III có quy mô nhỏ hơn đôi chút so với sự kiện được tổ chức cho cố Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1953. Dẫu vậy, nó vẫn rất ngoạn mục, khi có sự xuất hiện một loạt các biểu tượng lịch sử từ quả cầu vàng và thanh kiếm nạm đá quý cho đến vương trượng nạm kim cương.
Vua Charles III vốn dĩ đã nghiễm nhiên sẽ kế vị mẹ mình, tức Nữ hoàng Elizabeth II, sau khi bà băng hà vào tháng 9 năm ngoái. Và thực tế lễ đăng quang này chỉ là một thủ tục, không phải điều cần thiết để hợp pháp hóa ngôi vị của một quân vương của Vương quốc Anh.
Sự kiện bắt đầu khi Nhà vua và Hoàng hậu rời Cung điện Buckingham để đến Tu viện Westminster trên chiếc xe Diamond State Jubilee hiện đại, màu đen, cùng với các kỵ binh mặc áo giáp sáng lấp lánh và đội mũ lông vũ.
Hàng trăm binh lính trong quân phục màu đỏ tươi và đội mũ da gấu đen xếp hàng dọc theo The Mall, đại lộ dẫn đến Cung điện Buckingham. Hàng chục nghìn người bất chấp cơn mưa nhẹ đã tập trung thành đám đông khổng lồ để xem thời khắc lịch sử mà không phải người Anh nào cũng có thể được chứng kiến này.
Bên trong Tu viện Westminster, được trang trí bằng hoa và cờ, các nhà lãnh đạo các nước và đại diện từ các quốc gia Khối thịnh vượng chung đã ngồi sẵn ở chỗ của mình, cùng với rất nhiều những người nổi tiếng khác.
Vua Charles trong giờ khắc đăng quang đã thề sẽ cai trị công bằng và ủng hộ Giáo hội Anh trong phần thiêng liêng nhất của buổi lễ, khi ông được Đức Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby xức dầu lên tay, đầu và ngực bằng dầu thánh được thánh hiến tại Jerusalem.
Sau khi Đức Tổng Giám mục Welby đặt Vương miện của St Edward lên đầu Vua Charles, hội chúng xung quanh đã hô vang "God save the King", tạm dịch "Chúa phù hộ Nhà vua". Sau nghi lễ, Vua Charles và Hoàng hậu Camilla khởi hành trên chiếc xe Gold State Coach nặng 4 tấn được chế tạo từ thời Vua George III để trở lại Cung điện Buckingham trong đoàn diễu hành dài một dặm gồm 4.000 quân nhân từ 39 quốc gia.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm