Thị trường hàng hóa
Trong suốt một nghìn năm qua, các vị vua và nữ hoàng của Vương quốc Anh đã đăng quang tại Tu viện Westminster ở London. Đã có 38 vị vua được trao vương miện tại tu viện này.
Tuy nhiên, cũng từng có 2 vị vua không kịp được trao vương miện là Edward V, một trong hai hoàng tử trẻ được cho là đã bị sát hại trong Tháp London vào thế kỷ 15, và Edward VIII, người đã thoái vị để kết hôn với một người Mỹ.
Lễ đăng quang thực sự chỉ là một thủ tục và không có chế độ quân chủ nào khác trên thế giới tổ chức một sự kiện tương tự. Nhưng nhà sử học hoàng gia Alice Hunt cho biết nó vẫn tồn tại như một cách để hợp pháp hóa Quốc vương một cách công khai.
“Đó là một loại khoảnh khắc biến đổi mang ý nghĩa tôn giáo", bà nói. "Mặc dù Quốc vương đã lên ngôi kể từ thời điểm người tiền nhiệm qua đời, nhưng lễ đăng quang vẫn được duy trì kể từ thế kỷ 14 tới nay".
Lễ đăng quang sẽ bắt đầu lúc 10h00 thứ Bảy giờ GMT (17h00 thứ Bảy giờ Việt nam) sau lễ rước từ Cung điện Buckingham. Dự kiến buổi lễ sẽ kéo dài khoảng hai giờ.
Một đám rước lớn hơn nhiều sẽ rời Tu viện Westminster, bao gồm các lực lượng vũ trang từ Anh và khắp Khối thịnh vượng chung. Nhà vua và Hoàng hậu sẽ đi trên chiếc xe ngựa vàng đã được sử dụng kể từ năm 1760.
Vua Charles III sẽ tuyên thệ tuân thủ Luật pháp và Giáo hội Anh. Ngồi trên Chiếc ghế Đăng quang lịch sử, được gọi là chiếc ghế của Thánh Edward và có đính Hòn đá Định mệnh, ông sẽ được xức dầu thánh bởi Đức Tổng Giám mục Canterbury.
Đây là điểm nhấn của buổi lễ và báo hiệu Chúa ban ân sủng cho vị vua.
Vua Charles cũng sẽ được tặng nhiều quả cầu vàng, vương trượng, kiếm và nhẫn được trang trí công phu, tất cả đều tạo thành một phần của Vương miện Ngọc và tượng trưng cho sức mạnh, quyền hạn và nghĩa vụ của Quốc vương cũng như sức mạnh của Chúa.
Sau đó, Tổng giám mục sẽ đặt Vương miện của St Edward, được sử dụng trong các lễ đăng quang trong 350 năm qua, lên đầu ông. Vua Charles sẽ rời Tu viện Westminster với một chiếc vương miện khác, Vương miện của Nhà nước Hoàng gia.
Công chúng sẽ được mời tuyên thệ trung thành với Quốc vương cũng như những người thừa kế và kế vị của ông.
Vua Charles sẽ mặc áo choàng nhung lụa màu đỏ thẫm và tím trong lễ đăng quang, chiếc áo từng được ông nội của ông là Vua George VI mặc trong lễ đăng quang của chính mình vào năm 1937.
Người vợ thứ hai của Vua Charles, Camilla, người mà ông kết hôn năm 2005, cũng sẽ được trao vương miện riêng trong buổi lễ, và cũng sẽ được Đức Tổng Giám mục Canterbury xức dầu thánh. Bà sẽ được trao vương miện của Vương hậu Mary, được đặt làm cho lễ đăng quang năm 1911.
Sẽ có 2.200 khách mời bên trong Tu viện Westminster, ít hơn nhiều so với 8.000 người tham dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth năm 1953.
Trong số những người đó sẽ có các thành viên Hoàng gia Anh, bao gồm cả Hoàng tử Harry nhưng sẽ không có vợ của anh là Meghan.
Ngoài ra còn có sự tham gia của các gia đình hoàng gia, các quan chức và các nguyên thủ quốc gia khác, bao gồm đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden và Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính.
Thêm vào đó sẽ là những người bạn của Vua Charles, những tổ chức từ thiện và những người nổi tiếng như Lionel Richie.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm