Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI cho biết sau động thái tăng một số lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hầu hết ngân hàng thương mại trong hệ thống đều đã điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất huy động, với mức tăng 0,3-1 điểm % tùy kỳ hạn.
Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chính thức tăng 0,5 điểm % cho tất cả các kỳ hạn, và các ngân hàng thương mại khác như MB, ACB, Techcombank, VPBank, Sacombank, SHB, Nam A Bank, SCB, VIB, ABBank cũn ghi nhận mức tăng 0,3 - 1 điểm %.
Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại đã quay về giai đoạn trước Covid-19 và áp lực vẫn còn tương đối lớn, khi chênh lệch huy động – tín dụng chưa được cải thiện nhiều.
Trong đó, tại ABBank, biểu lãi suất tiết kiệm xuất hiện mức lãi suất cao nhất là 8,8%/năm. Đây cũng chính là lãi suất tham chiếu khoản vay của nhà băng này ở thời điểm hiện tại. So với trước điều chỉnh, lãi suất cao nhất này đã tăng 50 điểm cơ bản.
Tương tự, tại DongABank mức lãi suất cao nhất lên tới 8,1%/năm nếu khách hàng cá nhân gửi từ 500 tỷ đồng trở lên trong thời hạn 13 tháng. Với giá trị gửi nhỏ hơn, mức lãi suất khách nhận được cũng là 7,73 - 7,79%/năm.
Trong biểu lãi suất mới nhất vừa áp dụng, Ngân hàng số Cake by VPBank đã tăng lãi suất bậc thang lên mức cao nhất là 8,2%/năm đối với các khoản tiền gửi của khách hàng trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi 36 tháng.
Mức lãi suất 8%/năm cũng xuất hiện nhiều hơn khi khách hàng chọn các kỳ hạn gửi dài trên 18 tháng với khoản tiền gửi từ 50 triệu đồng tại Cake by VPBank.
Ở các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất huy động cũng tăng đáng kể. Chẳng hạn, lãi suất cố định kỳ hạn 6 tháng là 7,1%/năm; 12 tháng là 7,7%/năm tại ngân hàng số này.
Một ngân hàng khác có mức lãi suất cao lên tới 8%/năm là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB). Tuy nhiên, đây là lãi suất khi khác hàng tham gia gửi tiết kiệm online kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Nhiều ngân hàng hiện đang niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7%/năm hiện nay như Bắc Á Bank, Saigonbank, SCB, Kienlongbank, Ngân hàng Bản Việt, SeAbank, HDBank…
Theo số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tương đối yếu trong 9 tháng đầu năm, khi chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động – tín dụng duy trì ở vùng âm kể từ tháng 7 năm nay.
Giới chuyên gia kỳ vọng việc tăng lãi suất huy động ở thời điểm này sẽ hút về lượng lớn tiền gửi nhàn rỗi, giảm áp lực lên thanh khoản của các ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao cho nền kinh tế những tháng cuối năm. Các chuyên gia dự báo, lãi suất huy động sẽ tăng thêm từ 1 - 1,5%/năm từ cuối năm nay và đầu năm tới 2023.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm