Thị trường hàng hóa
Việc tăng lãi suất của FED đã kích hoạt động thái tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương khác, để tránh tình trạng tỷ giá biến động quá lớn.
Do đó, vào chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành và tăng trần lãi suất huy động. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên, sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN cho biết: Thời gian qua, NHNN đã rất cố gắng để ổn định lãi suất, ổn định giá trị của đồng tiền. “Rõ ràng trong nguyên lý kinh tế, chúng ta không thể cùng một lúc, đồng thời ổn định được lãi suất và tỷ giá”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, trong Nghị quyết 11 và Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chính phủ đã có chỉ đạo ổn định lãi suất, nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Tuy nhiên, trong thời điểm ban hành 2 Nghị quyết cho tới hiện nay, thế giới và cả Việt Nam đã có rất nhiều biến động, nhất là lạm phát đã và đang ảnh hưởng trên toàn cầu. Vì vậy, NHNN cần phải có sự điều chỉnh, nhằm cân bằng lãi suất và tỷ giá.
Ông Quang chia sẻ: Trong năm 2021, Thống đốc FED, ông Jerome Powell đã nhận định, lạm phát của Mỹ chỉ mang tính cục bộ. Tuy nhiên, đầu năm 2022, Thống đốc FED đã phải thừa nhận định rằng, quan điểm lạm phát chỉ mang tính cục bộ hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, lạm phát đang tăng rất cao trên toàn cầu.
Đặc biệt, sau sự xung đột giữa Nga - Ukraine, khiến giá dầu leo thang, tiếp tục là giọt nước tràn ly, khiến lạm phát không ngừng “bành trướng”.
“Trước những biến động quá lớn của thế giới, và áp lực lạm phát khác xa so với dự báo, NHNN đã điều chỉnh lại lãi suất, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Quang nói.
Nhấn mạnh về điều này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN khẳng định: “Việc điều chỉnh lãi suất huy động không ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô”
Tuy nhiên, một số quan ngại cho rằng, trong bối cảnh NHNN điều chỉnh tăng trần lãi suất thêm 2% sẽ khiến lãi suất cho vay tăng theo và điều này sẽ gây ra áp lực rất lớn tới quá trình phục hồi nền kinh tế. Các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để hồi phục sản xuất cũng phải đối mặt thêm khó khăn khác.
Về điều này, ông Phạm Chí Quang cho rằng, năm 2021, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thì NHNN đã khuyến khích các tổ chức chính dụng giảm lãi suất thêm 0,5% - 1% trong giai đoạn 2022 - 2023, để hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, NHNN chưa có quyết định điều chỉnh tăng lãi suất cho vay.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN đã đề nghị các ngân hàng chia sẻ lãi suất, chia sẻ lợi nhuận.
Đặc biệt, để đảm bảo lợi nhuận trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất cho vay không tăng, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động không cần thiết và có thể tính toán giảm lãi suất cho vay, mà không ảnh hưởng tới ngân hàng. Đây chính là định hướng kiên định của khối ngân hàng trong thời gian tới.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm