Thị trường hàng hóa
Cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Fed đã kết thúc với kết quả đúng như dự báo trước đó của thị trường. Tất cả các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã đồng ý với mức tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, nhằm ứng phó với đà tăng mạnh của lạm phát.
Trước đó, các nhà kinh tế và nhà đầu tư đã hy vọng Fed sẽ có thể chuyển hướng sang các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn sau đợt tăng lớn trong tháng Chín. Nhưng cho đến hiện tại Fed có rất ít khả năng “hạ nhiệt” lạm phát.
Tuy nhiên, nếu không tính đến kịch bản lạm phát hạ nhiệt thì các chuyên gia đã đưa ra một số thước đo tiềm năng khác có thể khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed bớt “diều hâu” hơn. Những yếu tố này bao gồm: tình trạng mất cân bằng tín dụng lan rộng, rủi ro vỡ nợ gia tăng, thanh khoản thị trường trái phiếu sụt giảm và thị trường tiền tệ hỗn loạn.
Tại Mỹ, chênh lệch giữa lợi suất trung bình của trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư và trái phiếu Kho bạc phi rủi ro hay chênh lệch tín dụng đã tăng khoảng 70% trong năm qua. Điều này đã kéo chi phí đi vay của các doanh nghiệp lên cao hơn.
Mức tăng bắt nguồn từ việc dữ liệu lạm phát hàng năm của Mỹ tăng vượt dự báo. Dù chênh lệch tín dụng đã giảm so với mức 160 điểm cơ bản hồi tháng 7, nhưng đà tăng của thước đo này cho thấy sự căng thẳng ngày càng lớn trên thị trường tín dụng trong bối cảnh Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Cho đến nay, chênh lệch tín dụng là thước đo quan trọng nhất cần theo dõi do tỷ trọng trái phiếu hạng đầu tư ở Mỹ là rất lớn. Nếu chênh lệch tín dụng nới rộng đến hơn 250 điểm cơ bản, gần với mức đỉnh thời đại dịch, Fed có thể phải đưa ra lập trường chính sách mềm mỏng hơn.
Một số liệu khác có thể khiến Fed thận trọng là chi phí phòng vệ mà doanh nghiệp sử dụng để chống lại rủi ro vỡ nợ đang tăng mạnh. Chỉ số đo lường các giao dịch hoán đổi rủi ro tín dụng của một rổ trái phiếu hạng đầu tư (Markit CDX North America Investment Grade Index) đã tăng gấp đôi trong năm nay lên 98 điểm cơ bản.
Vào tháng 6, chỉ số này đã vọt lên 102 điểm, mức cao nhất trong năm nay. Nguy cơ vỡ nợ của doanh nghiệp thường có mối tương quan chặt chẽ với việc đồng USD tăng giá. Trong vài tháng qua, đồng bạc xanh quả thực đã được hưởng lợi khi Fed nâng lãi suất một cách nhanh chóng.
Hiện, thanh khoản trên thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ đang thu hẹp dần. Điều này có thể khiến Fed buộc phải giảm tốc độ tăng lãi suất.
Chỉ số thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đang ở gần mức tồi tệ nhất kể từ khi giao dịch gần như bị đình trệ hoàn toàn do Covid -19 bùng phát vào năm 2020. Tương tự, trái phiếu kỳ hạn 10 năm do JPMorgan Chase phân tích cũng đã tụt xuống mức được thấy lần cuối vào tháng 3/2020.
Các nhà đầu tư đang phải chật vật để định giá cho ngay cả nhóm trái phiếu chính phủ có tính thanh khoản cao nhất này. Thanh khoản của thị trường trái phiếu Kho bạc trở nên mỏng manh sẽ tạo thêm áp lực lên kế hoạch giảm bớt tài sản của Fed.
Thước đo thứ 4 có thể buộc các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ lại là sự hỗn loạn ngày càng gia tăng trên thị trường tiền tệ. Thời gian qua, đồng USD tăng đột biến, thiết lập mức cao nhất trong hàng chục năm so với đồng tiền của hầu hết các đối tác thương mại chính của Mỹ.
Lần đầu tiên trong gần 20 năm trở lại đây, euro mất giá xuống mức ngang USD. Sự sụt giảm quá mức của đồng euro có thể làm dấy lên lo ngại về tính ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.
Đồng euro đã chững lại đà giảm vào đầu tháng 9 này, nhưng chỉ số sức mạnh tương đối của nó thì không. Điều đó cho thấy sự mất giá của euro có thể đang chậm lại nhưng các nhà đầu tư cần phải kéo giá euro trở lại đường xu hướng giảm dài hạn để trấn an thị trường.
Ông John Vail, Chiến lược gia trưởng tại Nikko Asset Management, nhận định, nếu đồng euro đã rớt giá, thì Fed có thể sẽ không muốn mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến ổn định tài chính toàn cầu chứ không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ kép của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm