Thị trường hàng hóa
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu với dự báo tăng trưởng GDP thế giới sẽ đạt 2,9% trong năm nay. Con số này cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo được tổ chức này đưa ra hồi tháng 10/2022. Đây cũng là lần đầu tiên IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vòng một năm trở lại đây.
IMF cho biết triển vọng toàn cầu đang trở nên tích cực hơn khi một số nền kinh tế, như Hoa Kỳ, có sự cải thiện. Ông Pierre-Olivier Gourinchas – Giám đốc Nghiên cứu tại IMF cho biết “Tăng trưởng kinh tế lạc quan hơn một cách đáng ngạc nhiên trong quý 3/2022, với thị trường lao động mạnh, tiêu dùng hộ gia đình và môi trường kinh doanh tốt. Thế giới cũng thích nghi tốt hơn dự báo với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu".
Đặc biệt, ông Pierre-Olivier Gourinchas nhận định nền kinh tế toàn cầu đang “ở cách xa bất kỳ chỉ dấu suy thoái nào”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tái mở cửa sau 3 năm áp dụng chính sách chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong quá khứ, Trung Quốc từng đóng góp đến 40% tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, việc đồng USD suy yếu cũng làm tăng khả năng trả nợ nước ngoài của các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, mức tăng 2,9% vẫn thấp hơn so với mức tăng 3,4% ghi nhận trong năm ngoái. IMF cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 về mức 3,1%. Theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn yếu do cuộc chiến chống lạm phát cũng như sức ép từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine lên các hoạt động kinh tế.
Khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi giữa tháng, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định nền kinh tế toàn cầu không diễn biến quá tiêu cực như cảnh báo ban đầu nhưng “điều đó không có nghĩa là mọi việc tốt đẹp”.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của IMF cũng cảnh báo về một số yếu tố có thể làm xấu đi triển vọng trong những tháng tới. Các yếu tố này gồm thực tế là việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc có thể sẽ không mang nhiều tác động như kỳ vọng; lạm phát có khả năng vẫn ở mức cao còn giá năng lượng và thực phẩm sẽ chưa tìm thấy điểm dừng; thị trường tài chính có thể phản ứng tiêu cực hơn nếu như dữ liệu lạm phát thực tế cao hơn dự báo.
IMF nhận định khoảng 84% quốc gia sẽ ghi nhận lạm phát năm nay thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, mức lạm phát trung bình toàn cầu vẫn sẽ vào khoảng 6,6% năm 2023 và 4,3% năm tới.
Tổ chức này cho rằng một trong các ưu tiên chính sách với các ngân hàng trung ương hiện là ghìm giá cả. "Truyền thông tốt và phản ứng chính sách phù hợp với sự chuyển biến của dữ liệu sẽ hạ nhiệt được lạm phát kỳ vọng, từ đó giảm sức ép lương và giá cả", IMF cho biết trong báo cáo.
Đối với nhóm 5 nước ASEAN gồm Singapore, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Philippines, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ mức 4,5% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái xuống 4,3%. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế của nhóm ASEAN 5 trong năm 2024 dự kiến ở mức 4,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm