Thị trường hàng hóa
Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành công điện số 4436 chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Nội dung công điện nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù giá xăng dầu đã bước đầu giảm, nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh, hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Thực hiện theo công điện số 4436, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đang tích cực vào cuộc giám sát, quản lý theo địa bàn nhằm ổn định thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Sự vào cuộc kịp thời này của Bộ Công Thương đang được cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá cao. Theo ông Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (Long An), Bộ Công Thương đã rất tích cực khi chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hàng gian, hàng giả và tình trạng găm hàng thổi giá…. trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay.
Ông Hiển cho biết, qua công tác điều hành này, tại địa phương không xảy ra tình trạng thiếu hàng hay tăng giá đột biến. Chẳng hạn với mặt hàng xăng dầu, việc quyết liệt vào cuộc kiểm tra trong những đợt điều chỉnh tăng hoặc giảm giá xăng của lực lượng quản lý thị trường đã góp phần giúp thị trường ổn định hơn. Hay với mặt hàng thực phẩm, mặc dù giá so với hồi đầu năm nay có tăng nhưng đây là mức điều chỉnh theo tác động của các chi phí nguyên liệu đầu vào chứ không phải là tăng đột biến hay do cơ sở sản xuất hoặc doanh nghiệp tự ý điều chỉnh.
Đồng quan điểm, ông Đinh Công Phi - Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 29 TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho biết: Là đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, giám sát giá cả các loại hàng hóa nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng, trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tại Khánh Hòa đã thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh tại các đơn vị trên địa bàn, nếu phát hiện sai phạm sẽ lập biên bản và xử lý nghiêm.
“Có thể thấy rằng, trong thời gian qua rất nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh xăng dầu bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt. Điều này cho thấy sự vào cuộc nhanh chóng của lực lượng quản lý thị trường”- ông Phi nói.
Là doanh nghiệp sản xuất đang chịu tác động của tình hình giá cả biến động trên thị trường, ông Nguyễn Hữu Trí - Giám đốc Công ty TNHH nông sản Trí Việt đánh giá: Việc kiểm soát giá cả hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu của Bộ Công Thương đã phần nào giúp thị trường ổn định hơn.
Theo ông Trí, nhiều loại hàng hóa hiện mức giá vẫn còn cao, ảnh hưởng tới đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hạ giá được hàng hóa cần phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giao thông vận tải.
“Có thể lấy ví dụ từ mặt hàng thịt heo. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp chăn nuôi heo là doanh nghiệp FDI. Để được đầu tư chăn nuôi phải liên quan tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư; để vận chuyển con giống, vận chuyển hàng thương phẩm liên quan tới Bộ Giao thông vận tải; các chi phí xử lý về môi trường liên quan tới Bộ Tài nguyên và Môi trường; các vấn đề thuế, phí thuộc về Bộ Tài chính… Như vậy, một con heo chịu sự quản lý của rất nhiều bộ, ngành… Do đó, để hạ nhiệt giá hàng hóa thì các Bộ, ngành phải cùng chung tay mới có thể giải quyết được”- ông Trí nêu quan điểm.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và ứng dụng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Công Thương đã làm tốt vai trò điều hành khi chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hàng gian, hàng giả và tình trạng găm hàng thổi giá…Đây là sự vào cuộc khá tích cực trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có vai trò trong việc tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó điều tiết hoạt động sản xuất trong nước và xuất nhập khẩu. Ví dụ như giai đoạn năm 2019, khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, nguồn cung trong nước bị giảm sút khiến giá tăng cao. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã điều tiết giá cả thông qua việc việc nhập khẩu thịt heo để hạ giá bán trong nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tình hình lạm phát, giá cả hàng hóa tại các quốc gia đều tăng cao, trong khi đó, so với các nước trên thế giới, tình hình lạm phát tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp nên kể cả việc nhập khẩu giá cả cũng vẫn sẽ ở mức cao.
“Tôi cho rằng lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể xử lý phần “ngọn” - tức là giám sát giá cả chứ không thể làm giảm giá các mặt hàng. Chúng ta cũng không thể áp lực Bộ Công Thương trong việc lạm phát tăng cao, bởi trong giá cả hàng hóa thì chi phí xăng dầu là chi phí đẩy. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và các vấn đề địa chính trị đang khiến nguồn cung bị đứt gãy, chi phí nhân công, nguyên liệu, logistics… tất cả đều tăng lên đã khiến giá cả tăng cao. Chính vì vậy để giảm giá hàng hóa cũng cần phải có thời gian.”- TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận.
Cũng như TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá hàng loạt mặt hàng tăng mạnh thời gian vừa qua là quy luật cung cầu của thị trường. Theo đó, các mặt hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh như nhân công, xăng dầu, logistics đã tăng giá mạnh, kéo hàng hóa đắt đỏ lên là điều dễ hiểu. Hiện nay, giá xăng dầu đã giảm mạnh, tuy nhiên cần có độ trễ nhất định để hàng hóa điều chỉnh giá, theo chu trình sản xuất thì phải ít nhất một tháng. “So với các bộ ngành khác, tôi thấy Bộ Công Thương rất tích cực trong câu chuyện về điều hành giá cả. Trong thời gian tới, các bộ, ngành cần ngồi chung lại với nhau để bàn thảo và tìm ra giải pháp điều hành”, ông Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia và doanh nghiệp, không chỉ hiện tại mà trong nhiều năm nay, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều hoạt động để bình ổn thị trường, kết nối cung cầu… Tuy nhiên nếu chỉ một mình Bộ Công Thương thì cũng không thể làm giảm giá bán hàng hóa bởi chuỗi cung ứng hàng hóa liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác nhau. Do đó, thời gian tới các bộ, ngành cũng phải vào cuộc quyết liệt hơn để chung tay kéo giảm giá hàng hóa.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm