Thị trường hàng hóa
Mới đây, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm” tại Hà Nội. Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo 6 tháng cuối năm 2022 cho rằng thị trường giá cả ở Việt Nam có nhiều nhân tố làm tăng chỉ số tiêu dùng (CPI).
Giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón trên thị trường thế giới còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm. Điều này sẽ dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.
Trên thế giới, giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Hiện tại, lạm phát ở nhiều nước Châu Âu lập đỉnh trong khoảng 30-40 năm trở lại đây, điển hình như CPI của Mỹ tăng 8,6%, Anh tăng 9,1% vào tháng 5.
Trong nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI quý 2 tăng 2,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng có 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 9 nhóm hàng hóa tăng giá.
Đáng chú ý, giá xăng dầu được điều chỉnh 17 lần trong nửa đầu năm nay. So với mức điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng hiện nay đã tăng thêm khoảng 37%. Bên cạnh đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng nhanh do xi măng, sắt thép, cát... tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.
Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, những giải pháp này đã góp phần quan trọng giúp kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa; GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Bá Minh đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3% - 3,9%. Đồng thời, ông cho rằng tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn những diễn biến phức tạp. Dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng hay bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Cùng quan điểm đánh giá kinh tế 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng như TS Nguyễn Bá Minh, song TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) thẳng thắn chỉ rõ kinh tế nước ta còn nhiều thách thức. Đặc biệt, chỉ số CPI hiện nay khá thấp (2,44%), nhưng có lẽ chưa phản ánh đúng bởi thực tế là giá nhiều mặt hàng hóa đang tăng mạnh.
TS Lê Quốc Phương cũng đưa ra hai dự báo về kịch bản tăng CPI 6 tháng cuối năm. Cụ thể, theo kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa kiềm chế lạm phát, nguồn cung hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm dồi dào, không gây biến động lớn về giá thì dự báo CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh, CPI bình quân cả nước sẽ dưới 4%.
Với kịch bản 2, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và lương thực kéo giá thành sản phẩm trong nước tăng theo, kinh tế Việt Nam phục hồi kéo theo cầu nội địa tiếp tục tăng, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu vùng, tín dụng tăng cao do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đều tăng thì CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, khả năng CPI bình quân cả năm sẽ vượt 4%.
Đứng ở góc độ đơn vị quản lý, Cục Quản lý giá cho rằng, sẽ có nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát. Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta.
Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch… Chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục cùng với đó là chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao…
Ở chiều ngược lại, cũng có những yếu tố giảm áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát như các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung cầu nông sản như thịt lợn, lúa gạo, rau quả…những tháng cuối năm sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến.
Theo Cục Quản lý giá, trước mắt đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể. Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có các biện pháp bình ổn giá phù hợp, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm