Thị trường hàng hóa
Trong phiên giao dịch tuần qua, có thể thấy giá gas không có biến động lớn, Nếu như ở ngày đầu tuần (3/10), giá gas giao dịch quanh mức 6,75 USD/mmBTU, đến ngày cuối tuần (8/10) dao động ở mức 6,6 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2022 vào lúc 11h00 (giờ Việt Nam).
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã tác động lớn tới tình hình năng lượng tại châu Âu, qua đó cũng đóng góp trực tiếp vào khó khăn kinh tế. Năm 2021, Nga nhận 155 tỷ mét khối khí đốt từ Nga, chiếm 40% tổng nhập khẩu khí đốt của khối. Tỷ trọng khí đốt Nga trong nhập khẩu khí đốt của châu Âu đã giảm xuống mức 9% trong những tuần gần đây, khi lượng khí đốt mà Nga bơm cho Liên minh châu Âu (EU) giảm xuống mức gần như tối thiểu.
Để chống lại ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ, EU đã triển khai một loạt kế hoạch gồm giảm tiêu thụ khí đốt và hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng khỏi áp lực từ giá điện tăng vọt. Các nhà máy điện ở châu Âu chủ yếu chạy bằng khí đốt, nên sự leo thang của giá khí đốt cũng đẩy giá điện tăng theo.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo rằng các chính phủ ở châu Âu cần phải khôn ngoan, để không chỉ chống lạm phát - vốn đang tăng vọt trong khu vực vì giá năng lượng leo thang, mà còn kiềm chế nguy cơ bất ổn xã hội.
Châu Âu có thể phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của hoạt động sản xuất công nghiệp và gia tăng bất ổn xã hội nếu không hành động nhanh chóng để kéo giá năng lượng xuống khi mùa đông đến gần. "Nếu không can thiệp vào thị trường khí đốt, “chúng ta có nguy cơ rơi vào một cuộc phi công nghiệp hoá khổng lồ trên đại lục châu Âu và những hậu quả lâu dài của việc đó có thể sẽ rất nghiêm trọng” - Thủ tướng Bỉ nói.
Mới đây (ngày 7/10), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đến dự hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU và hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu tại lâu đài Prague ở Prague, Czech. Một trong những vấn đề cụ thể được lãnh đạo EU bàn thảo trong cuộc họp lần này là đề xuất áp trần giá khí đốt.
Chủ trương áp trần khí đốt trước mắt sẽ chỉ được áp dụng đối với khí đốt nhập khẩu được sử dụng để sản xuất điện. Lý do để Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu chấp nhận thảo luận về vấn đề này xuất phát từ việc hai thành viên EU là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp dụng biện pháp trên kể từ tháng 5/2022, giúp giá năng lượng chỉ tăng khoảng 10% so với mức tăng trên dưới 30% tại nhiều quốc gia châu Âu.
Nguyên nhân quan trọng nữa là khí đốt được sử dụng để sản xuất điện hiện chiếm 20% lượng khí đốt tiêu thụ tại châu Âu. Điều này sẽ cho phép tập đoàn công nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí năng lượng.
Ngoài vấn đề áp trần giá khí đốt, lãnh đạo EU đã thống nhất ủng hộ việc thiết lập “hành lang giá năng lượng” với hai nhà cung cấp khí đốt chính hiện này là Na Uy và Mỹ với lần lượt là 26% và 15% thị phần châu Âu.
Theo ông De Croo, một phương pháp tiếp cận theo từng lớp đối với giá khí đốt cần phải được áp dụng. Việc này bao gồm trần giá cứng đối với khí đốt Nga; đàm phán song phương với những nhà cung cấp “thân thiện” như Na Uy và Algeria; và linh hoạt hạn chế giá khí đốt hoá lỏng (LNG) ở mức đủ cao so với giá ở thị trường Mỹ và châu Á nhằm đảm bảo dòng chảy năng lượng này tới châu Âu.
Trong một lá thư gửi các nhà lãnh đạo châu Âu, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã phát tín hiệu rằng sự ủng hộ từ nhiều nước thành viên EU hơn đồng nghĩa với việc EC sẵn sàng triển khai áp trần giá khí đốt.
Tuy nhiên, bà von der Leyen cũng nói rằng việc áp trần giá khí đốt cần phải đi kèm với quy định bắt buộc cắt giảm tiêu thụ khí đốt, thay vì mức cắt giảm tự nguyện 15% mà các bộ trưởng EU đạt nhất trí hồi tháng 7. “Cần phải chuẩn bị thêm các quy định về nghĩa vụ cắt giảm nhu cầu khí đốt thật nghiêm ngặt” - Chủ tịch EC viết.
Về mặt kinh tế, giảm giá khí đốt vô tình là động tác "kích cầu", tức lại khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu nhiều hơn, và đây không thể là kịch bản hợp lý trong bối cảnh thiếu nguồn cung. Chính vì vậy, trong các thảo luận lần này còn là các biện pháp đồng bộ như giảm nhu cầu tiêu thụ điện, thu và tái phân phối thặng dư của ngành năng lượng...
Một vấn đề khác cần cân nhắc là hỗ trợ các công ty và người tiêu dùng để tranh thủ sự ủng hộ và cả thông cảm cho những quyết định về đối ngoại của chính phủ các nước EU, cụ thể là chính sách cắt nhập khẩu năng lượng để khiến Nga kiệt quệ về kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị ngày 7/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, châu Âu đang phải mua khí đốt với giá đắt hơn 4 lần so với giá bán tại Mỹ. Theo đó, người đứng đầu nước Pháp kêu gọi sự đoàn kết trong châu Âu để đạt sự đồng thuận: “Chúng ta đang phải trả cái giá đắt cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Nếu để mọi thứ tự diễn ra, khó khăn có thể là tăng gấp đôi cả về tài chính và ngân sách. Thông qua một loạt các biện pháp áp giá trần khác nhau cũng như các cơ chế mua chung mà chúng ta đang hướng tới, hy vọng giá khí đốt và giá điện có thể sớm hạ nhiệt”.
Tổng thống Pháp Macron cho hay, EU sẽ công bố những cải cách đối với thị trường điện châu Âu trong nửa đầu năm 2023. Ngoài ra, Pháp ủng hộ thiết lập một cơ chế hỗ trợ tài chính chung để bảo trợ các khoản vay cho các thành viên khó khăn hơn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo dự kiến, Bộ trưởng năng lượng các nước EU sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận cụ thể các chủ trương trên trước khi những vấn đề này chính thức được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra vào ngày 20 - 21/10 tới.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm