Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo vĩ mô chuyên đề tháng 9 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lạm phát bình quân cả năm nay có thể sẽ chỉ tiệm cận mà không vượt quá mức mục tiêu 4% mà Chính phủ đã đề ra. Trong tháng 8, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng xấp xỉ 0,5% lên 23.451 (ngày 31/8), cao hơn một chút so với mức đỉnh thiết lập vào ngày 20/7.
Diễn biến này gắn liền với việc chỉ số đồng USD tiếp tục tăng thêm 2,6% và đồng Nhân dân tệ mất giá ghi nhận mức giá mạnh 2,2% trong tháng. Cũng trong tháng 8/2022, hoạt động điều tiết cung tiền qua thị trường mở tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Hiện, lãi suất cho vay qua đêm đối với tiền đồng đã được kéo lên trên 4% và chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức 2 điểm %, đổi lại chi phí ổn định tỷ giá cũng gia tăng, lãi suất phát hành tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày tăng từ mức 2,6%/năm vào đầu tháng lên 4,0%/năm. Đồng thời, NHNN cũng đã bán một lượng ngoại tệ tương đối lớn trong tháng 8, cho thấy nhu cầu USD trong hệ thống vẫn cao dù xuất siêu tăng.
Nhóm chuyên gia của VDSC cho rằng, tín hiệu tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tháng 9 tại Hội nghị Jackson Hole để kiềm chế lạm phát là một trong những áp lực lớn nhất đối với tỷ giá USD/VND trong thời gian tới. Lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Một số nhà kinh tế dự báo xác suất nâng lãi suất 75 điểm cơ bản tăng từ 64% trước khi Hội nghị Jackson Hole diễn ra lên 75% sau đó. Tuy nhiên, sau khi dữ liệu việc làm tháng 8 của Mỹ được công bố với tỷ lệ thất nghiệp tăng, số việc làm mới giảm dù lạm phát tiền lương vẫn duy trì ở mức cao thì xác suất nâng lãi suất 75 điểm cơ bản giảm chỉ còn 58%.
Nhóm phân tích Công ty Chứng khoán SSI cho biết mặc dù VND đã có một số thông tin tích cực liên quan đến nguồn cung ngoại tệ (cán cân thương mại tháng 8 ước tính thặng dư tới 2,4 tỷ USD), tuy nhiên diễn biến tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực. Điểm tích cực trong tháng 8 vừa qua là diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định và chênh lệch với thị trường niêm yết không quá cao.
Các yếu tố gây sức ép lên tỷ giá USD/VND trong những tháng đầu năm gồm diễn biến tăng cao của đồng USD và kỳ vọng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh của FED đã phần nào hạ nhiệt. Nhưng bộ đệm dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang suy giảm và triển vọng cán cân thanh toán đã không còn tích cực như trước trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi.
Từ nay đến ngày 21/9, số liệu lạm phát tháng 8 tại Mỹ được công bố sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nâng lãi suất của Fed. Lạm phát tháng 8 nhiều khả năng sẽ diễn biến phù hợp với kỳ vọng, tức giảm nhẹ so với mức tăng 8,5% của tháng 7.
Trong ngắn hạn, chuyên gia VDSC dự báo kịch bản nâng lãi suất từ nay đến cuối năm khoảng 125 điểm cơ bản là phù hợp, biến động nằm ở trong tốc độ các bước tăng, hoặc là (75-25-25) điểm cơ bản hoặc là (50-50-25) điểm cơ bản. Do đó, VDSC kỳ vọng áp lực lên tỷ giá sẽ giảm bớt sau kỳ họp tháng 9 nếu không có yếu tố bất ngờ từ lạm phát.
Nhóm chuyên gia tại đây đánh giá, đà mất giá của đồng VND sẽ chững lại trong thời gian còn lại của năm 2022 nhưng áp lực có thể trở lại trong đầu năm 2023. Trước đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) duy trì dự báo với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, đồng VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.
Sang đầu tháng 9, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường bất ngờ tăng vọt. Điển hình trong ngày 7/9, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ghi nhận vượt mốc 23.600 VND/USD.
Ngay sau đó, NHNN đã quyết định tăng mạnh giá bán ra USD, từ 23.400 VND/USD lên tới 23.700 VND/USD và bỏ trống giá mua vào. Cùng với động thái mở rộng quy mô bơm tiền qua thị trường mở (OMO), tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đều đã hạ nhiệt rõ rệt.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm