Thị trường hàng hóa
Nhưng mấy ai nhớ đến ngày 18.10 hằng năm được coi là Ngày thế giới về cravat và hiểu về lịch sử ra đời chiếc cravat cũng như quá trình trở thành một biểu tượng văn hóa và sức mạnh mềm của quốc gia.
Thời cổ đại, những người lính chiến ở Ai cập đã quàng khăn quanh cổ. Những người lính đất ở vùng lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng của Trung Quốc cũng quàng khăn quanh cổ. Khăn quàng ngang trong khi cravat lại quàng cổ rồi được thả dọc. Sự khác biệt giữa khăn và cravat chính ở đấy. Khăn có nhiều tên gọi nhưng cravat lại chỉ có một bởi tên này hình thành từ nơi xuất xứ của nó là đất nước Croatia ở châu Âu. Vào thời trung cổ, những người lính Croatia luôn quàng khăn lụa hoặc vải quanh cổ. Họ được đánh giá rất cao về năng lực thiện chiến. Vì thế, lính Croatia được nhiều vương triều phong kiến ở châu Âu tuyển mộ trong thế kỷ 19. Từ năm 1863 đã có nhiều binh lính Croatia trong quân đội Pháp. Năm 1867, Pháp thành lập hẳn Trung đoàn Croatia bao gồm hầu hết là binh lính Croatia. Những người lính bình thường quàng khăn bằng vải gai, sĩ quan chỉ huy cấp càng cao thì khăn quàng có chất lượng vải hoặc lụa càng cao.
Chính vì thế mà Croatia được coi là đất nước phát minh ra chiếc cravat. Cũng từ lịch sử ra đời của chiếc cravat như thế mà Croatia coi đấy là một giá trị văn hóa đặc sắc và lâu đời của đất nước, một hình ảnh biểu tượng cho văn hóa dân tộc trên thế giới. Vua Pháp Ludwig XIV nhiều lần tìm cách xâm chiếm Croatia và tiêu diệt dòng tộc vua Zrinski và Frankopan ở Croatia nhưng không thành công. Thật thú vị sao khi chính vị quân chủ này lại biến chiếc khăn quàng cổ của người lính Croatia thành chiếc cravat như có thể thấy hiện tại. Sau Pháp đến Bỉ và Hà Lan phát hiện giá trị thời thượng của chiếc cravat. Nhưng phải đến khi người Anh để ý đến chiếc cravat thì nó mới thực sự gây dựng được vị trí xứng đáng của nó trên thế giới. Người Anh nghĩ ra các loại nút thắt cravat khác nhau, thiết kế nó như thiết kế thời trang, tiến hành sản xuất công nghiệp cravat, đa dạng hóa loại cravat cho phù hợp với dịp sử dụng khác nhau. Cravat tạo đẳng cấp và phong cách, gây cảm nhận lịch lãm và ấn tượng đáng tin cậy, thể hiện sự tôn trọng và ứng xử văn hóa tinh tế. Tuy nhiên, trên thế giới có mấy ai sử dụng cravat mà nghĩ ngay đến đất nước Croatia.
Marijan Busic và Zlatko Penavic là hai doanh nhân người Croatia. Năm 1990, họ thành lập công ty thời trang Potomac D.O.O chuyên về sản xuất cravat cao cấp. Họ nhìn nhận ở trong chiếc cravat giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của Croatia mà nếu phát huy và tiếp tục phát triển thì có thể giúp quảng bá hình ảnh quốc gia với thế giới bên ngoài, đồng thời còn đóng góp vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, năm 1997 họ thành lập tổ chức Academica Cravatia phục vụ cho mục tiêu trên. Ngày 18.10.2003, hai người ngày tổ chức sự kiện “thắt cravat” cho di tích Arena ở thành phố Tula của Croatia. Đấy là nhà hát ngoài trời được xây dựng khoảng từ năm 63 đến năm 27 trước Công nguyên thời Đế chế La mã với sức chứa cho 23.000 khán giả. Sự kiện này tạo tiếng vang lớn ở Croatia và châu Âu. Năm 2008, quốc hội Croatia quyết định coi ngày 18.10 hằng năm là Ngày Cravat. Sau khi nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt ở Pháp, Bỉ và Anh hằng năm cũng tưng bừng tổ chức Ngày Cravat thì ngày 18.10 được coi theo cách không chính thức là Ngày thế giới về Cravat.
Một khúc vải tạo nên sản phẩm có lịch sử và giá trị văn hóa như thế đã được tận dụng để làm nên sức mạnh mềm cho quốc gia từ văn hóa quốc gia. Câu chuyện về chiếc cravat rất đặc trưng cho quá trình hình thành bản sắc và giá trị văn hóa đặc thù cho quốc gia cũng như cho việc văn hóa đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với sự hình thành sức mạnh mềm của quốc gia.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm