Thị trường hàng hóa
Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc đang phục hồi một cách mất cân bằng
Để hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, một trong những ưu tiên hàng đầu của giới chức Trung Quốc là thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Nhiều chính sách đã và đang được các cấp chính quyền từ Trung ương cho tới địa phương triển khai, để hỗ trợ hoạt động tiêu dùng trong nước.
Lei Xu, CEO đồng thời là giám đốc điều hành của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com nhận định chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc đang phục hồi một cách mất cân bằng, điều đó có nghĩa là có thể phải đến nửa cuối năm tốc độ phục hồi mới được cải thiện.
Ông cho biết sẽ cần thời gian để các biện pháp kích thích của Chính phủ thể hiện trong thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng.
Hôm 9/3, JD đã báo cáo doanh thu thuần trong quý IV tăng 7,1% lên 295,45 tỷ nhân dân tệ (42,8 tỷ USD). Theo Reuters, con số này thấp hơn kỳ vọng là 296,2 tỷ nhân dân tệ.
Đồng thời, cổ phiếu của JD đã giảm hơn 11% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/3) tại Hồng Kông. Cổ phiếu niêm yết tại Hoa Kỳ của công ty kết phiên với mức giảm hơn 11% chỉ sau một đêm.
Chia sẻ trên chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC, William Ma, giám đốc đầu tư của Grow Investment Group cho rằng nhiều nhà đầu tư đã thất vọng với tỷ suất lợi nhuận ròng 2,7% của JD.
Ông Ma dự kiến tỷ suất lợi nhuận có thể giảm xuống khoảng 1% do cạnh tranh trên thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng JD hôm thứ Năm không cho biết họ sẽ ngừng trợ cấp - sau khi tung ra chương trình trợ cấp 10 tỷ nhân dân tệ vào đầu năm 2023.
Trong tuần này, dữ liệu chính thức công bố giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 1% trong tháng 2 so với năm 2022.
Zhiwei Zhang, chủ tịch của Pinpoint Asset Management, cho biết trong một báo cáo: “Chỉ số giá tiêu dùng giảm nhẹ hơn dự kiến “làm dấy lên nghi ngờ về khả năng phục hồi nhu cầu nội địa trong lĩnh vực hộ gia đình”. “Tôi thấy khó hiểu vì nó mâu thuẫn với các điểm dữ liệu khác cho thấy sự phục hồi của nhu cầu nội địa khá mạnh.”
Năm 2022, đại dịch Covid-19, các biện pháp kiểm soát, sự sụt giảm bất động sản đã kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Bắc Kinh đã kết thúc các biện pháp kiểm soát Covid vào cuối năm ngoái. Nhiều người tiêu dùng đổ xô đi mua sắm, du lịch trong dịp Tết Nguyên đán.
JD không đơn độc trong việc thu doanh thu thấp hơn kỳ vọng. Nhận xét từ Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang vào tháng trước cũng chỉ ra sự phục hồi chậm chạp của thị trường tiêu dùng Trung Quốc.
Trong năm nay, doanh số bán hàng trực tuyến của gã khổng lồ thương mại vẫn yếu cho đến đầu tháng Hai, Zhang cho biết.
Tuy nhiên, ông nhận định một số hạng mục đã bắt đầu phục hồi vào tháng trước. Các doanh nghiệp muốn làm việc chăm chỉ để phục hồi sau những tổn thất trong ba năm qua, Zhang nói.
Cổ phiếu của Alibaba giao dịch thấp hơn 3% vào thứ Sáu tại Hồng Kông.
Triển vọng của doanh nghiệp ngoài Trung Quốc
Các công ty không phải của Trung Quốc như Adidas cũng thận trọng về triển vọng ngắn hạn đối với chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Chia sẻ với giới phân tích trong tuần này, Giám đốc điều hành Bjorn Gulden cho rằng ông không kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ quá khởi sắc trong năm nay và đóng góp rất lớn vào doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, trong trung hạn, ông kỳ vọng Trung Quốc sẽ lại là động lực tăng trưởng cho công ty.
Doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Adidas đã giảm 36% vào năm ngoái trên cơ sở trung lập tiền tệ xuống còn 3,18 tỷ euro (3,37 tỷ USD).
Vào Chủ nhật tuần trước, Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế tương đối thận trọng, khoảng 5% trong năm nay. Các quan chức sau đó cho biết thúc đẩy tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu và họ kỳ vọng đó sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng chung. Nhưng họ lưu ý rằng sự phục hồi trong lĩnh vực này tiếp tục phải đối mặt với những hạn chế.
Thương mại điện tử tiêu dùng Trung Quốc Meituan và Pinduoduo vẫn chưa cho biết khi nào họ sẽ công bố thu nhập cho quý gần nhất.
Trong những tuần gần đây, nhiều người nhận định rằng chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng, đặc biệt là du lịch và nhà hàng, tạo cú hích mới cho đà phục hồi của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào nhu cầu nội địa.
Những chỉ số về chi tiêu ở một số khu vực của nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các công ty du lịch và bán lẻ hàng đầu của nước này cũng báo cáo mức tăng doanh số ấn tượng tính từ đầu năm đến nay.
Dữ liệu mới cho thấy hoạt động đi ăn nhà hàng của người dân Trung Quốc đã tăng mạnh, đặc biệt ở những thành phố lớn như Bắc Kinh. Theo dữ liệu được BigOne Lab công bố, doanh thu trung bình trong 30 ngày của nhà hàng ở các thành phố lớn đã tăng 24% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm