Thị trường hàng hóa
Theo nhận định của hơn 1.200 chuyên gia, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là rủi ro ngắn hạn lớn nhất tính đến năm 2025. Đây được xem là một nhận định thực tế khi nhiều người dân đang phải chật vật ứng phó với gánh nặng chi tiêu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Trong bối cảnh giá cả tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, tờ Conversation đã chơi chữ bằng cụm từ “UK not OK” (Nước Anh không ổn) để miêu tả về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại quốc gia này. Lạm phát tăng cao khiến ngày càng nhiều người dân tìm đến các ngân hàng thực phẩm và các ngân hàng thực phẩm đã trở thành một nét đặc trưng trong cuộc sống hiện đại của người dân Anh. Nước Anh đang ở giữa đợt tăng giá mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, từ nhiên liệu đến chi phí thực phẩm và nhà ở. Đối mặt với một cuộc khủng hoảng không ngừng gia tăng, nước Anh hiện có hơn 2.500 ngân hàng thực phẩm. Nhiều dự án mới cũng đang được triển khai để hỗ trợ người dân. “Người tìm đường” là một trong những dự án như vậy. Dự án này mang đến cho mọi người cơ hội mua thực phẩm trị giá 25 bảng Anh, giúp họ thanh toán với chi phí vừa phải mà không bị mặc cảm, đồng thời có thể tiếp cận các khoản trợ cấp và thanh toán phúc lợi không có người nhận.
Chị Beautine Wester-Okiya, sinh sống tại miền Đông nước Anh đã nhặt lại những món đồ trong những chiếc hộp đựng quần áo trẻ em, đồ chơi và các loại đồ dùng khác được quyên tặng dành cho người dân địa phương đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng giá cả chi phí sinh hoạt tăng cao. Đó là điều mà chị không bao giờ nghĩ tới trước đây.
Tổ chức từ thiện Food Foundation cho biết, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh ngày càng sâu sắc, gần 1/5 gia đình có thu nhập thấp ở nước này đã phải hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực. Mức độ đói ăn đã tăng gấp hơn 2 lần với gần 10 triệu người lớn và 4 triệu trẻ em không thể được ăn các bữa ăn bình thường. Hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương đang được thúc đẩy, bao gồm yêu cầu cung cấp bữa ăn miễn phí tại trường học cho thêm 800.000 học sinh, khi thực trạng nhiều trẻ em đang đi học bị đói, bỏ bữa trưa vì gia đình không đủ tiền mua đồ ăn hoặc mang theo bữa trưa ít ỏi.
Tây Ban Nha cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khi lạm phát tăng cao, nhiều gia đình Tây Ban Nha phải trông chờ vào “ngân hàng thực phẩm” và các tổ chức này cũng đang phải căng mình để xoay sở cho đủ nguồn cung. Thứ 7 hằng tuần, từ sáng sớm, người người đã xếp hàng dài bên ngoài một ngân hàng thực phẩm tại khu dân cư thu nhập thấp Aluche ở thủ đô Madrid. Những hàng người như thế xuất hiện ngày càng nhiều trước các ngân hàng thực phẩm, chị Cruz María Castillo cũng nằm trong số đó, chị hiện thất nghiệp và phải nuôi con nhỏ cho biết: “Tình hình không mấy sáng sủa và chưa thể cải thiện”.
Quỹ từ thiện RAMA, Tổ chức phân phát thực phẩm ở Aluche đã chứng kiến số lượng người đăng ký tăng mạnh do giá thực phẩm vẫn ngoài tầm với của nhiều người. Với lạm phát tăng ở mức cao kỷ lục, nhiều gia đình phải dành gần phân nửa thu nhập cho các nhu yếu phẩm và thực phẩm hằng ngày. Với những người thu nhập thấp, tình hình lại càng khó khăn hơn. Ông Rogelio Poveda, Quỹ từ thiện RAMA cho biết: “Lạm phát tăng cao khiến một số gia đình thậm chí không thể sưởi ấm ở nhà, họ phải lựa chọn giữa việc sưởi ấm hoặc ăn. Và tất nhiên họ phải chọn ăn”.
Còn đối với những người dân nghèo Afghanistan, họ đang trải qua một mùa Đông giá lạnh và được đánh giá là lạnh nhất trong 15 năm qua, với nhiệt độ có nơi xuống tới -34 độ C. Ít nhất 171 người đã tử vong do giá rét. Các gia đình buộc phải lựa chọn mua thực phẩm để ăn, hay mua củi hoặc than để sưởi ấm, mà thiếu thứ nào cũng đều không ổn. Còn nếu không lựa chọn, thì đơn giản là họ không đủ tiền để mua cả hai thứ. Ông Ashour Ali cùng 5 con nhỏ cư ngụ tại một căn hầm xi măng trong những ngày nhiệt độ tại Afghanistan xuống dưới mức âm độ C cho biết: “Người lớn còn không chịu nổi cái lạnh này thì huống hồ trẻ con. Lạnh quá các con tôi không ngủ được, chúng cứ khóc cho tới sáng, đứa nào cũng ốm” .
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm