Thị trường hàng hóa
Nhiều doanh nghiệp Đài Loan vẫn duy trì hợp tác cơ bản với Trung Quốc đại lục – nguồn doanh thu tốt trong thời điểm đại dịch Covid-19 chưa bùng phát mạnh, đồng thời bán các linh kiện công nghệ cao cho Mỹ thông qua các quốc gia thân thiện với Washington để tránh chi phí kinh doanh cao tại Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã vận động các công ty công nghệ Đài Loan đầu tư nhiều hơn vào quốc gia này sau tình trạng thiếu chip toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra. Bộ trưởng Kinh tế Wang Mei-hua của Đài Loan, người đã tham dự các buổi ký kết tại Washington, cho biết các thỏa thuận đã ký hồi đầu tháng trước cho thấy “mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc” giữa Đài Loan và đối tác thương mại số 2 là Mỹ.
Tuy nhiên, ngoại trừ những khoản đầu tư lớn mang tính bước ngoặt như việc xây dựng nhà máy của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) ở bang Arizona của Mỹ, các nhà phân tích cho biết các nhà sản xuất Đài Loan thường không lựa chọn thi trường Mỹ vì chi phí kinh doanh tương đối cao.
Trong khi đó, các khoản đầu tư đã được phê duyệt vào Trung Quốc đại lục đạt khoảng 18,9 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2022, giảm so với 29,5 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và 70,2 triệu USD được phê duyệt vào tháng 12/2021. Các nhà sản xuất Đài Loan đã đầu tư vào Trung Quốc đại lục từ những năm 1980 và khoảng 4.200 công ty hiên đang hoạt động tại đó. Nhưng ngày càng có nhiều công ty Đài Loan đang tìm kiếm các giải pháp thay thế do căng thẳng địa chính trị.
Căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington cũng là một thách thức đối với các công ty Đài Loan tại đại lục. Cuộc chiến thương mại do cựu tổng thống Donald Trump phát động vào năm 2018 đã áp thuế đối với hàng hóa trị giá 550 tỷ USD từ Trung Quốc, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ nền kinh tế số 2 thế giới. Trung Quốc đã mất nhiều sức hấp dẫn hơn kể từ khi họ bắt đầu áp đặt các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt, gây khó khăn cho hoạt động hậu cần.
Dữ liệu và ý kiến của các chuyên gia cho thấy rằng, các công ty đa quốc Đài Loan đang tìm đến những thị trường không liên quan tới căng thẳng địa chính trị, có chi phí rẻ và kết nối tốt như Việt Nam và Ấn Độ. Chuyên gia John Eastwood, một đối tác với công ty luật Eiger ở Đài Bắc, cho biết: “Trong vài năm gần đây, dường như các công ty Đài Loan không còn mặn mà với kế hoạch đưa tiền, công nghệ và chuyên môn quản lý sang Trung Quốc nữa. Ấn Độ có vẻ đang là kế hoạch B của họ”.
Estela Chen, một quan chức Đài Loan có trụ sở tại New Delhi, cho biết các công ty Đài Loan đang “háo hức” vận hành các nhà máy ở Ấn Độ khi chuỗi cung ứng của họ được cải thiện. Các doanh nghiệp Đài Loan và các startup Ấn Độ đã bắt đầu hợp tác với nhau trong các dự án chip và hàng không vũ trụ.
Các công ty từ Đài Loan đã được chấp thuận đầu tư tổng cộng 1,11 tỷ USD vào Ấn Độ kể từ năm 1952, trong đó có khoảng 920 triệu USD kể từ năm 2018, dữ liệu của Ủy ban Đầu tư cho thấy.
Foxconn, nhà lắp ráp hàng điện tử lớn nhất thế giới, hồi tháng 9 thông báo sẽ hợp tác với tập đoàn Ấn Độ Vedanta để thành lập một nhà máy bán dẫn ở Gujarat trị giá 118,7 triệu USD. Người phát ngôn của công ty cho biết đang thảo luận về địa điểm và các khoản đầu tư cho các nhà máy khác ở Ấn Độ.
Việt Nam, một trung tâm sản xuất được coi là sự thay thế đáng tin cậy, cũng đang được các nhà sản xuất Đài Loan quan tâm. Số liệu của chính phủ Đài Loan cho thấy khoảng 341,6 triệu USD đã được đầu tư vào nước ta trong năm 2021, nhiều nhất kể từ năm 2017.
Ma Tieying , nhà kinh tế của Ngân hàng DBS tại Singapore, cho biết: “Trong lĩnh vực tư nhân của Đài Loan, ngày càng có nhiều nhu cầu về đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch. Các công ty có thể thích đầu tư ở chính Đài Loan, Việt Nam, Ấn Độ hoặc các quốc gia châu Á khác. Chi phí lao động ở Mỹ cao hơn rất nhiều so với châu Á, đây là một yếu tố chính hạn chế động lực của các công ty Đài Loan chuyển tới Mỹ.”
Các công ty Đài Loan vẫn sản xuất một số sản phẩm trong nước để bảo vệ bí mật thương mại. TSMC cũng đang cố gắng tạo ra sự cân bằng bằng cách đầu tư vào Mỹ trong khi nâng cấp công nghệ của mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm