Thị trường hàng hóa
Theo Công ty kinh tế vận tải MDS Transmodal, Trung Quốc đang dần mất vị thế trong các ngành hàng tiêu dùng chính, bao gồm quần áo và phụ kiện, giày dép, đồ nội thất và hàng du lịch, đồng thời ghi nhận sự sụt giảm về tỷ trọng xuất khẩu trong các lĩnh vực khoáng sản đến công nghệ văn phòng. Sự ảnh hưởng của Covid-19 cùng các chính sách ngăn chặn dịch bệnh đang tác động đến sản xuất và buộc các nhà sản xuất đang tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Ngày 30/10, số ca nhiễm trên toàn Trung Quốc đã tăng cao nhất trong vòng 80 ngày. Nhiều công nhân tại các công ty e ngại nguy cơ bị kẹt lại trong nhà máy và có mong muốn được rời khỏi công ty sớm.
Tại tỉnh Hồ Nam, hàng loạt công nhân đi bộ thành hàng dài trên đường cao tốc, cầm theo những túi đồ đựng đầy hành lý. Đây là những người công nhân đang rời khỏi nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu do lo sợ nhiễm Covid và phải cách ly.
Theo chính sách chống dịch, công nhân Foxconn không được ăn uống ở canteen trung tâm để tránh lây nhiễm. Vận tải trong nước và quốc tế bị ảnh hưởng, đồng thời đợt hạn hán kỷ lục đã dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng. Do đó, các doanh nghiệp toàn cầu như Foxconn hay Apple đã nhận thức được sự cần thiết phải giảm bớt phụ thuộc vào một nước như Trung Quốc.
Trong thời gian ngắn, Trung Quốc vẫn sẽ là trung tâm công nghiệp của Foxconn, cũng như Apple. Tuy vậy, Foxconn cũng đang tìm cách chuyển nguồn lực sang nơi khác.
Trong khi vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất đang giảm dần thì một số nước khác đang dần nổi lên trong danh sách nhà cung ứng lý tưởng của các doanh nghiệp lớn. MDS Transmodal cho biết Trung Quốc đang tiếp tục mất thị phần với các nhóm hàng hóa riêng lẻ xuất khẩu, còn Ấn Độ, Brazil, Việt Nam, Indonesia và Cộng hòa Séc đang là những quốc gia có vai trò ngày càng tăng cao trên trường quốc tế.
Vị trí địa lý gần Trung Quốc và nhân công giá rẻ là những yếu tố khiến nhiều nhà sản xuất xem Việt Nam là một trong những lựa chọn thay thế phù hợp. Vào tháng 7, hãng tàu container lớn thứ hai thế giới MSC đã công bố về việc thành lập dự án siêu cảng container trung chuyển mới gần Thành phố Hồ Chí Minh.
Các hãng tàu cũng đang tìm kiếm thị trường và đầu tư, mở rộng thị trường mới. Cả Công ty vận tải container quốc tế Maersk (Trực thuộc tập đoàn Maersk Group, Đan Mạch) và một công ty vận chuyển của Pháp CMA CGM cũng đang đầu tư vào việc mở rộng cơ sở của họ ở Việt Nam.
Kể từ khi Mỹ áp thuế thương mại vào năm 2018, một cuộc săn lùng các địa điểm tìm nguồn cung ứng thay thế cho Trung Quốc đã diễn ra, ban đầu chỉ giới hạn trong lĩnh vực thời trang và giày dép. Đến hiện tại, tác động kép của các biện pháp đóng cửa do Covid ở Trung Quốc và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã dẫn đến một sự gia tăng nhanh chóng trong, thúc đẩy các doanh nghiệp tìm nguồn cung ứng khác cho mình.
Tương tự, Malaysia và Bangladesh cũng đã lấy thị phần từ ngành sản xuất hàng may mặc của Trung Quốc. Trong 30 năm qua, lý do chính để các nhà sản xuất gắn bó với Trung Quốc là nguồn lao động dồi dào, mức lương thấp và môi trường ổn định.
Nhưng hai lợi thế đầu tiên đã mất đi vào thập kỷ trước khi người dân Trung Quốc cho rằng làm việc trong nhà máy không phải là một lựa chọn hấp dẫn. Mức lương đã tăng tương xứng với nền kinh tế đang chuyển từ sản xuất sơ cấp và thứ cấp sang các ngành công nghiệp như phần mềm và dịch vụ.
Song, vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu của Trung Quốc sẽ không nhanh chóng mất đi. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng dịch của Trung Quốc đã thúc đẩy các thương hiệu cân nhắc chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài. Khi công suất tăng lên ở nước ngoài, các nhà cung cấp sẽ có nhiều lựa chọn hơn để giảm bớt rủi ro và sự phụ thuộc.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm