Thị trường hàng hóa
Đây là bài toán rộng lớn và phức tạp, song không phải thế mà con người buông xuôi. Nó có thể được hóa giải nếu có sự chung tay của mọi người và của các quốc gia trên thế giới!
Việc chống biến đổi khí hậu rõ ràng không phải nhiệm vụ một sớm một chiều. Ngay cả khi thế giới có thể đạt được những mục tiêu quan trọng là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào trước năm 2050 và ngăn được trái đất ấm hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì theo các chuyên gia những hậu quả vẫn sẽ tồn tại như cái giá mà con người đã phá hoại môi trường và thiêu đốt trái đất bằng nhiên liệu hóa thạch suốt nhiều thập kỷ qua.
Dẫu vậy, các tổ chức và các nhà khoa học đang không ngừng làm việc để tìm ra những giải pháp, mục tiêu để có thể giảm thiểu và ngăn được những tác động tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Một lộ trình cụ thể đã được Liên Hợp Quốc đưa ra dựa trên các nghiên cứu chính thức. Cụ thể, để ngăn trái đất không vượt qua mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và tránh thảm họa xảy ra, lượng phát thải mỗi năm phải giảm trung bình 7,6% từ năm 2020 đến năm 2030. Đó là nhiệm vụ trước mắt, dù đây cũng không phải mục tiêu dễ đạt được.
Cụ thể hơn, theo lộ trình nói trên, thế giới sẽ phải giảm lượng phát thải khí carbon dioxide (CO2) từ 12 đến 14 triệu tấn carbon vào năm 2030 so với hiện tại, gần như tương đương với lượng CO2 mà 6 quốc gia phát thải lớn nhất đang phát thải vào bầu khí quyển hiện nay. Một con số rất lớn!
Cụ thể hơn nữa, để đạt được mục tiêu này thế giới sẽ cần giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch ít nhất 6% mỗi năm từ giờ đến năm 2030. Dường như đây có vẻ như mục tiêu rất xa vời, khi mà người ta vẫn đang cảm nhận rằng thế giới chưa thôi hết cơn khát nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt những quốc gia đang xem việc phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, mọi thứ lại không quá bi quan. Để thấy những tia hy vọng, chúng ta cần phân tích thật cụ thể. Trước tiên, cần lưu ý, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho sản xuất và giao thông chính là 2 yếu tố phát thải hàng đầu, qua đó như đã nói sẽ khiến trái đất ấm lên và gây ra các hiện tượng biến đổi khí hậu. Tiếp đến, theo thống kê của LHQ, nhóm 20 quốc gia hàng đầu thế giới (G20) chiếm khoảng 76% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Đây là 2 chìa khóa quan trọng để giải quyết bài toán lớn, và thật may mọi thứ vẫn đang trong tay của chúng ta.
Dù thế giới vẫn đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng đây có thể sẽ sớm trở thành câu chuyện của quá khứ, khi mà những nguồn năng lượng tái tạo, cụ thể là những nguồn năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, gió, hydro…, đang ngày càng hiện hữu trong đời sống của từng quốc gia, từ các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, các nước EU… cho tới những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo thậm chí đang vượt trội so với năng lượng hóa thạch. Cụ thể vào năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19, công suất năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục 260 gigawatt, nhiều hơn mức kỷ lục trước đó tới gần 50%. Đà tăng này đã diễn ra liên tục trong một thời gian dài, tăng gần 5% mỗi năm từ năm 2009 đến 2019, vượt xa nhiên liệu hóa thạch ở mức 1,7%.
Và như đã nói, chính các nước công nghiệp phát triển là nguồn phát thải chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Có nghĩa những nước giàu có, phát triển nhất thế giới này cũng chính là những nước chịu trách nhiệm và cần phải hành động nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Và thật may, họ cũng đang là những nhà tiên phong trong việc sử dụng và phát triển năng lượng tái tạo.
Cụ thể, công suất năng lượng tái tạo bình quân đầu người ở các nước phát triển đang cao hơn khoảng 4 lần so với các nước đang phát triển vào năm 2019. Một thống kê đáng lạc quan hơn nữa là hơn 80% tổng công suất điện mới được bổ sung vào năm 2020 là năng lượng tái tạo với năng lượng mặt trời và gió chiếm 91%. Đầu tư vào năng lượng gió ngoài khơi đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 29,9 tỷ USD.
Như đã nói, G20 chiếm 76% lượng phát thải toàn cầu và tổ chức này nói chung, từng quốc gia trong đó nói riêng, đang đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về việc giảm phát thải. Hồi cuối năm 2021, G20 đã đưa ra một tuyên bố chung về việc kêu gọi hành động “có ý nghĩa và hiệu quả” để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Trong khi đó, như đã biết, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang rất quyết tâm dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ra khỏi đời sống của mình, đặc biệt sau cuộc chiến dầu và khí đốt với Nga gần đây. EU đã chính thức cấm bán xe ô tô cá nhân chạy xăng từ năm 2035, cũng như sẽ dừng phê duyệt các khoản viện trợ dự án nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Trong khi đó, Mỹ hồi đầu tháng 8 năm nay đã chính thức thông qua dự luật trị giá 430 tỷ USD nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer tuyên bố rằng đạo luật này bao gồm “gói năng lượng sạch táo bạo nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Ngay cả Trung Quốc cũng đang có những cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết tại Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2020 về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060, nơi các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 80% tổng năng lượng của quốc gia. Thực ra, Trung Quốc còn đang là nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, dù họ cũng đang là nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu.
Thế giới cũng đã chính thức đưa ra lộ trình cho việc đánh thuế phát thải carbon đối với các sản phẩm thương mại. Đây được xem như một đòn đánh quyết định để giúp chúng ta có thể đương đầu với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Kể từ năm 2019, thuế carbon đã được thực hiện hoặc theo lịch trình để thực hiện ở 25 quốc gia, trong khi 46 quốc gia khác cũng đã đưa ra một số hình thức định giá đối với carbon, thông qua thuế carbon hoặc các chương trình giảm thiểu khí thải khác. Có nghĩa, việc đẩy mạnh áp dụng thuế carbon cũng là một sứ mệnh quan trọng hàng đầu mà thế giới cần theo đuổi tới đây.
Như vậy, dù mới chỉ bắt đầu và còn đối mặt với nhiều chông gai, song thế giới dẫu sao đã biết phải làm gì trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mọi chuyện giờ sẽ phụ thuộc vào sự chung tay của các quốc gia. Song cũng cần lưu ý, những gì thế giới có thể làm được tới đây cũng chỉ là tránh sớm thất bại trong cuộc chiến. Để giành chiến thắng cuối cùng, nhân loại còn cần thêm nhiều thời gian, giải pháp công nghệ, sự đồng thuận và cả ý chí chính trị của các quốc gia.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm