Thị trường hàng hóa
Ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang chia sẻ trên tờ Lao Động, tỉnh đã trồng thử nghiệm thành công một số cây vải thiều không hạt. Ông cho biết: "Vải cho quả to, màu sắc đẹp, cùi dày và có vị ngọt, giòn rất đặc trưng. Đặc biệt, quả không hạt khi trồng thuần, còn một số quả hạt lép rất nhỏ do giao phấn".
Trước đó, vào cuối năm 2019, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan, cùng người dân đưa giống vải thiều không hạt về sản xuất tại xã Tân Sơn (Lục Ngạn) với hơn 500 cây. Đến nay, sau hơn 2 năm chăm sóc và chờ đợi, cán bộ Sở và người dân đã được hưởng thành quả đầu tiên.
Được biết, người dân địa phương đang tiến hành lấy mắt ghép cải tạo giống vải không hạt này. Bước đầu vải không hạt cho kết quả khả quan, sinh trưởng, phát triển tương đồng với vải thiều bản địa.
"Sở sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu, nhân rộng giống vải này tại tỉnh góp phần đa dạng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng vải" - Ông Lê Bá Thành nhấn mạnh.
Theo ghi nhận, năm nay sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn, trong đó, vải thiều sớm khoảng 6.750ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 21.250ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn. Vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP tiếp tục mở rộng, chiếm hơn 80% sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngoài thị trường trong nước, tỉnh Bắc Giang cũng chú trọng tới các thị trường xuất khẩu. Tại các thị trường trên thế giới, ngay cả với những thị trường khó tính nhất, vải thiều Việt Nam vẫn được đánh giá cao về chất lượng.
Đối với thị trường Trung Quốc, tập trung chỉ đạo sản xuất đối với 149 mã số vùng trồng, diện tích 15.867ha, sản lượng khoảng 95.000 tấn.
Đối với thị trường Nhật Bản và thị trường khác, tổng số mã số vùng trồng năm nay lên 35 mã, diện tích 269,45ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn.
Đối với thị trường Mỹ, Australia, EU, duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng diện tích 218ha; sản lượng ước đạt khoảng 1.600 tấn.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm