Thị trường hàng hóa
Theo ghi nhận từ báo Rural Voice, tiểu ban do Hội đồng Thẩm định Kỹ thuật Di truyền (Genetic Engineering Appraisal Committee (GEAC) chỉ định đã được yêu cầu nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng bất lợi nếu có của giống bông mang gen HTBt, từ đó đưa ra đề xuất.
Vì không tìm thấy bất kỳ bằng chứng bất lợi nào về bông HTBt, nên tiểu ban này đã đưa ra báo cáo tích cực cho việc phê duyệt. Một trong các thành viên của tiểu ban nói rằng việc trồng bông HTBt đã được tiến hành bất hợp pháp từ lâu tại Ấn Độ, chiếm khoảng 30% tổng diện tích canh tác.
Tương tự như vậy, hạt giống loại này cũng đang được đưa ra thị trường một cách bất hợp pháp. Do đó, việc chính thức phê duyệt giống cây này sẽ có lợi nhiều hơn trong việc hỗ trợ nông dân có thể tiếp cận nguồn hạt giống hợp pháp đúng chất lượng và đơn vị cung cấp hạt giống sẽ phải có trách nhiệm nếu xảy ra bất kỳ trường hợp sai sót nào.
Một loại cây trồng khác có khả năng cao được GEAC chấp thuận là cải mù tạt biến đổi gen. Cải mù tạt đóng vai trò quan trọng như một nguyên liệu để chế biến dầu ăn tại Ấn Độ. Tuy vậy, quốc gia này đã liên tục thất bại trong việc thúc đẩy năng suất cải mù tạt. Các nhà khoa học cho rằng giải pháp nằm ở việc cho phép trồng cải mù tạt biến đổi gen.
Tiến sĩ Deepak Pental, cựu Phó hiệu trưởng trường Đại học Delhi đã phát triển giống cải mù tạt Dhara Hybrid-11, hay còn gọi là DMH-11, một giống cải mù tạt lai biến đổi gen. Hiện tại, việc canh tác giống cây này vẫn chưa được chấp thuận, tuy nhiên, tiểu ban đã đưa ra khuyến nghị ủng hộ việc thương mại hoá giống cây này.
Một trong những thành viên của tiểu ban trả lời với báo Rural Voice rằng tạo ra các giống lai với chất lượng tốt hơn đóng vai trò cần thiết trong việc gia tăng sản lượng cải mù tạt tại Ấn Độ.
Hiện tại, các công ty tư nhân vẫn đang bán một số giống lai trên thị trường, tuy nhiên năng suất thực sự chỉ có thể đạt được khi giống biến đổi gen được chấp thuận. Ấn Độ cũng không thể thoát ra khỏi vòng xoay phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu dầu ăn trong nước. Trong tình hình như vậy, việc phê duyệt cải mù tạt biến đổi gen có thể tạo nên một cú hích để tăng trưởng sản lượng dầu tại quốc gia này.
Nếu việc phát hành thương mại bông HTBt và cải mù tạt biến đổi gen được “bật đèn xanh”, thì đây sẽ là lần đầu tiên sau 20 năm cây trồng biến đổi gen được chấp thuận để canh tác đại trà tại Ấn Độ.
Trước đó, vào năm 2002, bông Bt - một giống bông biến đổi gen, lần đầu được phê duyệt canh tác thương mại tại Ấn Độ. Kể từ thời điểm đó, quốc gia này không cấp phép thêm loại cây trồng biến đổi gen nào khác. Các giống bông Bt được phát triển bởi Tập đoàn Monsanto của Hoa Kỳ thời điểm đó và Công ty Mahyco của Ấn Độ, trong đó công nghệ là thuộc quyền sở hữu Monsanto.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm