Thị trường hàng hóa
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp gia nhập mới và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022 lần đầu tiên vượt mốc 100.000, đạt 116.900 doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số mang tính kỷ lục, là tín hiệu đáng mừng cho thấy sức khỏe khu vực doanh nghiệp bắt đầu hồi sinh sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19.
Con số kỷ lục này của 6 tháng đầu năm đã bao hàm sự tiếp nối đầy khởi sắc trong hoạt động gia nhập thị trường của các khu vực doanh nghiệp trong quý I năm nay, với 60.178 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, đồng thời ghi nhận mức đột phá số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong Quý I từ trước đến nay.
Phân tích về tình hình doanh nghiệp thành lập mới, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần so với mức trung bình 64.379 doanh nghiệp giai đoạn 2017-2022. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này.
Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 882.122 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn gấp 1,2 lần so với mức trung bình 749.019 tỷ đồng giai đoạn 2017-2021.
So với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp thành lập mới tại 2 đầu tàu kinh tế của cả nước đều có sự gia tăng, trong đó, Hà Nội có 14.628 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021; TPHCM có 22.469 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh 2 đầu tàu kinh tế, đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các khu vực đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021: Đồng bằng Sông Cửu Long (6.185 doanh nghiệp, tăng 20,6%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (10.727 doanh nghiệp, tăng 19,1%); Tây Nguyên (2.379 doanh nghiệp, tăng 16,7%); Trung du và miền núi phía Bắc (3.577 doanh nghiệp, tăng 15,5%); Đồng bằng Sông Hồng (22.812 doanh nghiệp, tăng 11,8%) và Đông Nam Bộ (30.553 doanh nghiệp, tăng 11,5%). Điều này cho thấy triển vọng phục hồi kinh tế khả quan, tạo thuận lợi cho hoạt động gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới.
Trong xu hướng gia tăng về số lượng, xét theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở 03/05 quy mô vốn so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng là 68.209 doanh nghiệp (chiếm 89,5%, tăng 15,5%); từ 20 - 50 tỷ đồng là 2.416 doanh nghiệp, chiếm 3,2%, tăng 9,1%) và ở quy mô từ 50 - 100 tỷ đồng là 1.118 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 7,8%). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng là 3.521 doanh nghiệp (chiếm 4,6%, giảm 5,4%) và trên 100 tỷ đồng là 969 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, giảm 10,0%). Điều này cho thấy số doanh nghiệp mới thành lập trong giai đoạn hậu phục hồi sau dịch chủ yếu ở quy mô vừa do các doanh nghiệp đang bắt đầu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và chuẩn bị đón bắt các cơ hội phát triển từ các chính sách hỗ trợ hồi phục của nhà nước.
Cùng với doanh nghiệp thành lập mới gia tăng khởi sắc, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng tăng mạnh với 40.667 doanh nghiệp, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần trung bình 20.949 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017-2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cả ở 17/17 lĩnh vực, trong đó, các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 là: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.381 doanh nghiệp, chiếm 37,8%); Xây dựng (5.015 doanh nghiệp, chiếm 12,3%); công nghiệp chế biến, chế tạo (4.493 doanh nghiệp, chiếm 11,0%); sản xuất phân phối, điện, nước, gas (652 doanh nghiệp, tăng 222,8%)...
Đánh giá về các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, có nhiều yếu tố thuận lợi tích cực đan xen các thách thức, tạo ra các ảnh hưởng mang tính tương tác đối với hoạt động khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong nước, tình hình kinh tế nước ta nửa đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc. Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế nước ta đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng, liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Dẫn đánh giá của trang DW (Đức) mới đây, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho hay, đây cũng là trang đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á không rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế mạnh trong đại dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, qua đó, trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Với những thuận lợi kể trên, đây là những thông tin tác động tích cực đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022.
Mặc dù vậy, bên cạnh những yếu tố tích cực, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho rằng, rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng gây áp lực lớn lên cộng đồng doanh nghiệp, có thể tác động đến quyết định duy trì hoạt động hay tạm thời rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn, tiếp nối sự gia tăng mạnh mẽ số doanh nghiệp gia nhập mới và tái gia nhập thị trường trong quý 1, sự trở lại đầy khởi sắc của các khu vực doanh trong quý 2, đã phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
“Có thể thấy rằng, doanh nghiệp của chúng ta đã lấy lại được trạng thái kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt và chủ động với tình hình mới, dựa trên khả năng sáng tạo, đổi mới và nhìn thấy những cơ hội đặt ra trước mắt. Nhìn vào các con số trên cho thấy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian qua đã bước đầu đem lại những tín hiệu tích cực, cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá các nhóm giải pháp đưa ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ khá toàn diện, có ý nghĩa tích cực, giúp doanh nghiệp phục hồi, cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cũng như thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để phục hồi và phát triển”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Kết quả tích cực trên đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc và phục hồi mạnh mẽ tinh thần khởi sự kinh doanh của các khu vực doanh nghiệp trong xu thế phục hồi chung của nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều diễn biến phức tạp, để tiếp tục duy trì và khơi dậy tinh thần khởi sự kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, việc duy trì và phát huy tinh thần khởi sự kinh doanh là rất cần thiết.
Theo đó, cần tập trung các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường và phục hồi hoạt động như tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội; rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử. Nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tiến cận các chính sách mới; Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Về phía các Bộ, ngành, địa phương, cần tiếp tục đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Các cơ quan quản lý cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ..../.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm