Thị trường hàng hóa
Tổng cục Thống kê cho biết 15.001 doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 4, tăng gần 700 so với tháng trước. Doanh nghiệp thành lập mới biến động mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Tháng 4 cũng có hơn 7.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp đóng cửa xấp xỉ 10.400, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng mạnh so với hai tháng liền kề. Dù vậy, đây là tháng thứ ba liên tiếp lượng doanh nghiệp mới ra đời cao hơn đóng cửa.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập tháng 4 gấp đôi doanh nghiệp rút khỏi thị trường do hai yếu tố chính. Đầu tiên là cộng đồng doanh nghiệp rất hào hứng với trạng thái bình thường mới sau một năm sóng gió, đồng thời tự tin nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong các quý tới. Thứ hai là chính sách nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, mở cửa du lịch và minh bạch môi trường kinh doanh của Chính phủ.
Bốn tháng đầu năm, cả nước có gần 49.600 doanh nghiệp thành lập mới, cao nhất tính theo giai đoạn này từ trước đến nay. Kinh doanh bất động sản, y tế, vận tải kho bãi, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống là những ngành có lượng doanh nghiệp mới tăng mạnh nhất so với cùng kỳ.
Tổng vốn của các doanh nghiệp mới thành lập đạt trên 635.000 tỷ đồng. Hơn 89% đăng ký quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, còn tỷ lệ đăng ký vốn trên 10 tỷ đồng chưa đến 2%.
Trong khi đó, số lượng đóng cửa trong bốn tháng đầu năm là 61.500 doanh nghiệp. Hầu hết trong số này có quy mô vốn nhỏ, thời gian hoạt động ngắn và chọn hình thức rút lui ngắn hạn để chờ cơ hội quay lại. Các nhóm ngành có lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lớn nhất là bán lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy; xây dựng và công nghiệp chế biến.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm