Thị trường hàng hóa
Trong thời đại khan hiếm nhân tài này, các lãnh đạo và công ty đang yêu cầu quá nhiều về nghiệp vụ chuyên môn. Họ chỉ tạo ra một môi trường áp lực, muốn nhân viên hoàn thành công việc được giao trong thời hạn sớm nhất. Điều này làm cho nhân viên cảm thấy tiêu cực về môi trường làm việc và luôn cảm thấy lo lắng,
Tuy nhiên, nếu các lãnh đạo đòi hỏi quá ít mà bỏ qua các kỹ năng và kinh nghiệm không cần thiết cho công việc chính, họ cũng sẽ vô tình bỏ qua những nhân viên nhiệt tình và tài năng. Những người này luôn muốn chia sẻ và đóng góp, nhưng chỉ khi họ được hỏi đến. Vì vậy, một trong những cách tiếp thêm động lực để tổ chức hoạt động hiệu quả hơn và thành công hơn, là mời nhiều người đóng góp hơn vào mục tiêu của công ty.
Tác giả Bill Taylor của tạp chí HBR chỉ ra hai ví dụ: “Guarding the Art” của Bảo tàng Baltimore và chiến lược “Thiết kế Giày theo khách hàng” của John Fluevog.
Hãy xem một thử nghiệm thú vị đã thu hút sự chú ý từ các phương tiện truyền thông như sau: Bảo tàng nghệ thuật Baltimore đã chọn 17 nhân viên bảo vệ không chỉ để làm những việc truyền thống như canh chừng những bức tranh quý, hay hướng dẫn khách thăm quan tới nơi trưng bày, mà còn cho họ tự tổ chức một cuộc triển lãm của riêng mình. Kết quả là cuộc triển lãm có tên “Guarding the Art” (Bảo vệ Nghệ thuật) đã ra đời.
Buổi triển lãm có tất cả mọi thứ từ bức tranh của Winslow Homer đến một chiếc ghế làm hoàn toàn bằng bút chì. Các tác phẩm được lựa chọn kỹ càng bởi các nhân viên bảo vệ, họ cũng chú thích và quyết định cách chúng sẽ được trưng bày. Những tác phẩm được chọn là “những tác phẩm nghệ thuật chưa từng được chiêm ngưỡng trong nhiều thập kỷ”, một người được ủy thác ở bảo tàng cho biết. Đó là một phần khiến toàn bộ nơi này trở nên hấp dẫn.
Rất dễ dàng để hiểu sức hấp dẫn của sự sáng kiến nghệ thuật này. Nó cũng mang lại bài học cho các tổ chức văn hóa đang tìm cách thay đổi cách thức hoạt động đã cũ kỹ và ngột ngạt của họ. Đây là bài học quan trọng về những tài năng đang bị bỏ qua, và giá trị của việc khai thác những tài năng này cho cả trong và ngoài công ty.
Xét cho cùng, hầu hết các công ty đều có nhân viên, và xung quanh họ là đồng nghiệp, khách hàng, nhà cung cấp, và những người hâm mộ say mê những gì công ty làm. Họ có nhiều ý tưởng và mong muốn được thể hiện tài năng nhiều hơn. Tại sao không cho họ không gian thể hiện sự sáng tạo của họ, dù họ có ở cấp bậc nào hay ở đâu đi nữa thì nó cũng là một ý hay khi mời họ đóng góp sự sáng tạo của mình để giải quyết vấn đề và góp phần cho sự đổi mới của tổ chức.
Thật vậy, nhiều nhà phê bình nghệ thuật và nhà bình luận về văn hóa biên niên sử đã rất chú ý đến các tác phẩm bị bỏ qua của các nghệ sĩ tài năng trong buổi triển lãm của các nhân viên bảo vệ. 17 người này, với danh tính công việc được xác định bằng đồng phục và phù hiệu của họ, có kỹ năng, niềm đam mê, kinh nghiệm. Đó là những tài năng liên quan trực tiếp tới sứ mệnh của bảo tàng, nhưng phần lớn chưa được khai thác. Một người bảo vệ nói: “Chúng tôi biết nhiều thông tin về những tác phẩm nghệ thuật hơn là những gì mọi người nghĩ.”
Một trường hợp điển hình: Kellen Johnson, một nhân viên bảo vệ tình cờ được đào tạo để hát sáu thứ tiếng. Ông ấy thường tận dụng âm thanh trong bảo tàng để nghêu nga các bài hát cổ điển trong lúc lang thang qua các phòng trưng bày.
Khi ông ấy tìm một tác phẩm để trưng bày cho cuộc triển lãm, ông ấy thường tự hỏi “nếu bức tranh này biết hát, âm thanh của nó sẽ hay tới mức nào?”. Hoặc xét đến Ron Kempton, một người bảo vệ khác, là một nhà thơ có tác phẩm xuất bản. Ông chọn những bức tranh mà ông cảm thấy có liên quan đến thơ của Frank O’Hara, người sinh ra ở Baltimore năm 1926 và từng là người phụ trách Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của New York. Điều ngạc nhiên ở đây là bảo tàng đã mất quá nhiều thời gian để tìm cách tận dụng tài năng của họ ngoài phạm vi công việc chính.
Những cơ hội này cũng có thể được áp dụng cho khách hàng. Điển hình như nhà thiết kế giày John Fluevog, người có công ty và thương hiệu nổi tiếng được các ngôi sao lớn nhất thế giới ưa chuộng.
Ông ấy không bao giờ nói về những sáng tạo của mình. Thay vào đó, ông hay nói về việc những ý tưởng của ông ấy đến từ việc ông ấy nhờ những khách hàng nhiệt tình nhất của mình gửi bản thảo về chiếc giày riêng mà họ muốn về giày cao gót, bốt da, thậm chí cả giày thể thao thời trang. Những bản phác thảo đó sẽ được một hội đồng chuyên gia đánh giá, và những bản vẽ được duyệt sẽ được công ty sẽ sản xuất và bày bán. Fluevog cũng hứa sẽ đặt tên cho đôi giày theo tên của khách hàng đã tạo ra chúng.
Chiến lược của Fluevog nhắm đến việc phát huy tài năng của khách hàng, kết quả là ông thu hút được hàng nghìn bản phác thảo từ khắp nơi trên thế giới, và công ty bắt tay vào sản xuất và bán những sản phẩm mẫu dựa trên thiết kế này.
Một khách hàng tên là Samantha Zaza, là một nghệ sĩ tốt nghiệp trường thiết kế Rhode Island (RISD), sinh sống tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và làm việc chủ yếu bằng bút chì màu và mực vẽ. Nhưng cô ấy “luôn muốn thử thiết kế một chiếc giày”, nên khi cô ấy bắt gặp kế hoạch này, cô ấy “vẽ nguệch ngoạc bản phác thảo đầu tiên vào cuốn sổ tay hướng dẫn sử dụng thiết bị”, tinh chỉnh lại, và rồi gửi nó tới công ty. Đôi giày mà cô thiết kế được đặt tên là Zaza, đã được bán với giá 339 đô la.
Một khách hàng khác, Jessica Masarek, là một nhà hóa sinh trẻ tuổi trong ngành dược phẩm. Nhưng nhà khoa học não trái này cũng có tài năng lớn ở bên phía não phải, và cô ấy đã áp dụng chúng vào một thiết kế giày, sau đó nó trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất.
Thật vậy, sau khi thiết kế của cô, được đặt tên là Mini Masarek, được ra mắt bởi thương hiệu của Fluevog, Jessica đã tham gia các lớp học tại Học viện Công Nghệ Thời trang của thành phố New York và học cách làm giày của riêng mình. “Mọi người từng nói với Kurt Vonnegut rằng anh ta không thể trở thành một nhà văn vì anh ta được đào tạo để làm một kỹ sư cơ khí,” cô ấy nói. “Tôi luôn ghi nhớ điều đó khi theo đuổi sở thích của mình ngoài công việc.”
Các nhà lãnh đạo ở khắp mọi nơi đều khao khát những hiểu biết mới, những sản phẩm mới, những nguồn lực và sự sáng tạo mới. Một cách để tạo ra những điều đó là nắm bắt những ý tưởng mới của các nguồn lực từ bên trong hay ngoài công ty. Tài năng và niềm đam mê của đồng nghiệp và khách hàng của bạn là quá giá trị để lãng phí.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm