Thị trường hàng hóa
Tổng hợp tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết, thị trường tiếp tục chứng kiến sự giằng co giữa bên mua và bên bán với phiên giảm mạnh đầu tuần, sau đấy hồi phục và tích lũy trong vùng cân bằng.
Cụ thể, tâm lý thận trọng trước thềm công bố lạm phát Mỹ đã khiến chỉ số VN-Index giảm 1,9% ngay trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, ngay sau đó, tâm lý tích cực đã trở lại khi Mỹ công bố chỉ số lạm phát giảm mạnh hơn so với dự báo và những động thái hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước như: Bộ Tài Chính công bố dự thảo sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, với nhiều điều khoản hỗ trợ thị trường hơn; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Điều này giúp chỉ số VN-Index hồi phục và giao dịch quanh mốc 1.050 điểm trong 3 phiên cuối cùng của tuần.
Bên cạnh đó, việc Fed và ECB quyết định tăng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản trong tuần qua đã được dự báo từ trước và không có tác động nhiều tới diễn biến thị trường chứng khoán trong nước. Kết tuần, VN-Index tiếp tục đi ngang với mức tăng nhẹ 0,7 điểm so với tuần trước lên mức 1.052,5 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 1,9% so với tuần trước về mức 213 điểm và UPCoM-Index tăng 0,8% lên mức 72,2 điểm.
Thanh khoản thị giảm mạnh với giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn giảm 18,6% so với tuần trước về 16.156 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HOSE với giá trị đạt 1.854 tỷ đồng (-55,8% so với tuần trước). Đồng thời, khối ngoại cũng giảm giá trị mua ròng trên sàn HNX-với giá trị đạt 40 tỷ đồng (-73,9% so với tuần trước) và bán ròng 4 tỷ đồng trên sàn UPCoM (-75,1% so với tuần trước).
Theo VNDirect, điểm sáng giữ nhịp thị trường tuần qua chính là nhóm Ngân hàng với việc hầu hết các cổ phiếu của nhóm này đều tăng như: VCB (+3,1%), VPB (+9,5%), TCB (+3,2%) và MBB (+3,3%). Ngành Hàng không chứng kiến tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp nhờ thông tin Trung Quốc mở cửa với các mã như: HNV (+28,5%), VJC (+1,4%).
Mặc dù mới chỉ là dự thảo, nhưng Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã phần nào giúp một số mã bất động sản kéo dài đà hồi phục như: NVL (+9,3%), DXG (+5,2%) và NLG (+2,1%). Tuy nhiên, ngành này vẫn chứng kiến sự phân hóa mạnh khi: KDH (-8,5%) và PDR (-12,1%) đều giảm mạnh. Với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, ngành Xây dựng tiếp tục chứng kiến một tuần giao dịch hiệu quả với HBC (+3,3%), VCG (+4,2%) và CTD (+6,8%).
Theo VNDirect, diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua khá sát với kỳ vọng của VNDirect là tích lũy trong vùng 1.030-1.070 điểm.
“Bước sang tuần giao dịch này (19-23/12), chúng tôi kỳ vọng diễn biến thị trường có thể cải thiện tích cực hơn khi những thông tin vĩ mô hỗ trợ đã được hé lộ. Đó là NHNN nới room tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua thị trường mở (OMO) và động thái niêm yết giá mua vào USD; Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP theo hướng hỗ trợ thị trường hơn; tâm lý thận trọng được dỡ bỏ sau thông tin lạm phát của Mỹ và quyết định nâng 50 điểm lãi suất điều hành của Fed. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng VN-Index có thể hướng tới vùng kháng cự quanh 1.070 điểm trong tuần này. Nếu vượt qua vùng này, VN-Index sẽ hướng tới vùng kháng cự tiếp theo là quanh mức 1.100 điểm”, chuyên gia VNDirect nhận định.
Trên cơ sở đó, VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong tuần giao dịch này, ưu tiên các nhóm ngành có có câu chuyện tăng trưởng tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như: Vật liệu xây dựng và hạ tầng giao thông (tăng tốc giải ngân đầu tư công), ngân hàng (nới room tín dụng, NHNN có động thái hỗ trợ thanh khoản), chứng khoán (điểm số và thanh khoản thị trường phục hồi), bảo hiểm (hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng, điện (dòng tiền và cổ tức ổn định)./.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm