Thị trường hàng hóa
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ: "Câu hỏi đúng thì quan trọng hơn câu trả lời, bài toán tường minh thì quan trọng hơn lời giải. Việc khó với mình thì có thể là không khó với một ai đấy ngoài kia. Bởi vậy mà cách tốt nhất để phát triển là công khai bài toán của mình, công khai vấn đề của mình".
Tại lễ phát động cuộc thi Viet Solutions 2022 mới đây, trao đổi rõ hơn về thế nào là bài toán CĐS với đông đảo những người tham dự, trong đó có nhiều bạn trẻ là sinh viên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: "Bất cứ vấn đề gì của tổ chức, địa phương và cá nhân chia sẻ với cuộc thi đều có thể coi đây là bài toán".
Để một bài toán được Ban tổ chức công bố và chấp nhận trên website của cuộc thi thì người dự thi phải cung cấp các nhóm thông tin tối thiểu như: vấn đề nhức nhối bài toán đặt ra là gì; quy mô thị trường cho giải pháp là gì? trong các văn bản quốc gia đã đề cập đến bài toán chưa và đề cập như thế nào?.
Thứ trưởng nêu bài toán cửa khẩu số của các địa phương biên giới là một ví dụ điển hình về bài toán đã được lựa chọn. Việt Nam có biên giới đất liền với ba nước và có 32 cửa khẩu biên giới. Nếu triển khai cửa khẩu số tại 1 cửa khẩu thành công thì thị trường của bài toán này là 32 cửa khẩu và cần có 1 nền tảng CĐS để phục vụ công tác cửa khẩu.
Theo Thứ trưởng, bài toán thì không phân biệt bài toán lớn, bài toán nhỏ mà hầu hết các bài toán lớn đều xuất phát từ bài toán nhỏ. Người tham dự cuộc thi đừng ngại đưa ra bài toán, nhất là các bạn trẻ. "Đừng để tuổi tác giới hạn ước mơ vì hầu hết các bài toán lớn đều được nghĩ ra bởi những người khi còn rất trẻ. Nhiều nền tảng số mà hàng tỷ người trên thế giới đang sử dụng đều xuất phát từ các sinh viên đang trên ghế nhà trường và khi còn trẻ bắt đầu một việc đừng quá cân nhắc đến việc tiếp theo như thế nào. Hãy nhanh chóng bắt đầu. Nếu khó khăn về nguồn lực, Ban tổ chức cuộc thi sẽ hỗ trợ cho bài toán".
Trước câu hỏi thông thường các bài toán lớn nhiều tiền dễ được đánh giá là bài toán hay. Vậy những bài toán ít tiền nhưng mang lại giá trị cho xã hội thì được đánh giá như thế nào? Thứ trưởng cho biết: "Bài toán thì không phụ thuộc vào nhiều tiền hay là ít tiền vì tất cả các bài toán nhiều tiền thì đều đã được ai đó giải quyết rồi nhưng những bài toán ít tiền là những bài toán mới, khó, là cơ hội cho tất cả chúng ta, cho các DN nhỏ. Vì vậy, tôi luôn tin rằng nhiều hay ít tiền thì không phải là mức độ quan trọng của bài toán mà ta nên bắt đầu".
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, giải pháp hay lời giải cho bài toán phải phụ thuộc vào bối cảnh, đặc thù. Lời giải đối với người này nhưng chưa chắc là lời giải đối với người khác; lời giải đối với địa phương này chưa chắc là lời giải đối với địa phương khác. Vì vậy, cuộc thi Viet Solutions được tiếp cận bằng cách: tập hợp các bài toán, những lời giải, những câu chuyện thành công của các địa phương trên cổng t63.vn. Cuộc thi cũng vận động các địa phương chia sẻ câu chuyện thành công của mình và mong các phóng viên, nhà báo lấy tư liệu phát triển phổ biến về CĐS. Năm 2021 có 21 câu chuyện CĐS đã được đưa lên cổng t63.vn.
Thứ trưởng cũng chia sẻ: câu chuyện thành công ở địa phương này có khả năng nhân rộng sang địa phương khác hay không là câu chuyện mà cuộc thi đang mong muốn tìm kiếm, thử nghiệm và mong mỗi sáng kiến triển khai tại địa phương có thể nhân rộng trên toàn quốc. Ví dụ như sáng kiến ATM mềm đã triển khai tại Lạng Sơn, có thể tiếp tục triển khai ở Sóc Trăng, Kon Tum... "Một trong những tiêu chí để trao giải cho cuộc thi năm nay là sáng kiến được triển khai ở một địa phương nhưng có khả năng triển khai trên toàn quốc và cuộc thi mong muốn kiểm chứng điều đó".
Cuộc thi Viet Solutions 2022 cũng nhận được sự hưởng ứng đồng hành của rất nhiều cơ sở đào tạo đại học (ĐH), gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Học viện Nông nghiệp, các trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Bách khoa Đà Nẵng, Duy Tân Đà Nẵng và Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết công nghệ số là lĩnh vực mới, là lĩnh vực trẻ, bên cạnh sự tham gia của các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT… Ban tổ chức cuộc thi mong muốn là huy động lực lượng trẻ để các bạn phát hiện ra bài toán, vấn đề mới, tham gia đóng góp vào CĐS quốc gia.
Trong cơ cấu giải thưởng của cuộc thi năm nay, Thứ trưởng cho biết người đặt ra bài toán có phần thưởng tương đương với phần thưởng của người giải được bài toán. Người đưa ra bài toán và được lựa chọn sẽ nhận được 200 triệu đồng. Đặt ra bài toán xuất sắc rồi nhưng cộng đồng công nghệ số "bó tay", chưa giải quyết được cũng nhận được 200 triệu đồng. Theo đó, cuộc thi mong muốn huy động lực lượng trẻ, sáng tạo để nghĩ mới, tìm mới.
"Cuộc thi cũng muốn thắp sáng lên tinh thần cho giới trẻ là sắn tay vào các bài toán và trưởng thành qua các suy nghĩ giải các bài toán", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2022, Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu thúc đẩy người dân lên môi trường số, theo đó, cần những DN công nghệ số Việt Nam đưa ra những lời giải, giải pháp công nghệ để phục vụ người dân Việt Nam lên môi trường số. Ví dụ, cây ATM mềm của Lạng Sơn là giải pháp kết nối ngân hàng và bưu điện để đưa ra giải pháp giúp phủ cây ATM trên địa bàn tỉnh miền núi mà các ngân hàng chưa thể vươn tới. CĐS lại mang lại giải pháp 1+1 là ngân hàng + mạng lưới của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) với hy vọng sẽ giải quyết được bài toán cho việc phục vụ của ngân hàng ở vùng sâu, xa.
Tại lễ phát động, đại diện Viettel cho biết xã hội có nhiều bài toán nên cần xã hội hóa. Các công ty khởi nghiệp (startup) với nhiều ý tưởng có thể giải quyết để giải quyết các bài toán.
Ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng giám đốc VNPT-IT cho biết VNPT là tập đoàn công nghệ thường phải giải hai bài toán lớn như bài toán của các bộ, ngành đặt ra, ví dụ việc tham gia xây dựng 35 nền tảng CĐS quốc gia. VNPT cũng phải đáp ứng nhu cầu của thị trường nên VNPT tập trung cho các hệ sinh thái trên nhiều lĩnh vực về chính quyền số, y tế, giáo dục, các bài toán nông nghiệp, giao thông vận tải… VNPT cũng mong muốn nhiều startup, DN nhỏ và vừa, sinh viên thì có thể giải quyết được các bài toán của nhà nước và thị trường.
Chia sẻ thêm, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT cho biết không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới như Hàn Quốc, các DN lớn có doanh thu lớn đi tìm những giải pháp công nghệ cũng tìm đến các startup. Tập đoàn Viễn thông Hàn Quốc (KT) đã lập ra các trung tâm đổi mới sáng tạp (innovation hub) để mời các startup có ý tưởng lớn hợp tác và KT sẽ hỗ trợ nguồn tài chính./.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm