Thị trường hàng hóa
Thông tin trên được ông David Trần, Giáo sư ngành Khoa học Máy tính - Đại học Massachusetts (Mỹ) đưa ra tại sự kiện Webinar blockchain công bố "Báo cáo thị trường blockchain Việt Nam trên Social Media năm 2021" do Reputa và StocX thực hiện, được tổ chức gần đây.
Theo bà Hường Hoàng, Giám đốc sản phẩm Reputa, "Báo cáo thị trường blockchain Việt Nam trên Social Media năm 2021" do Reputa kết hợp với StocX thực hiện đã cho thấy, thị trường blockchain Việt Nam nói chung và tiền điện tử nói riêng đã có một năm đầy biến động. Với thành công của Axie Infinity vào giữa năm 2021, đã tạo tiền đề cho nhiều dự án GameFi của đội ngũ người Việt Nam ra mắt hàng loạt. Nhờ đó, "blockchain" đã trở thành từ khóa quen thuộc với cộng đồng đầu tư cũng như giới trẻ.
Không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực "tiền mã hóa" mà đã lan rộng ảnh hưởng sang nhiều lĩnh vực khác như ứng dụng vào lĩnh vực tài chính (Bitcoin, Altcoin, DeFi,...), giải trí (GameFi, Game NFT,…), nghệ thuật, giáo dục,…
Ngoài ra, thị trường cũng chịu tác động của các sự vụ Scam như Pi Network, Coolcat, Khoa Pug - Johnny Dang và ViruSs "lùa gà". Năm 2021, trong thời gian đại dịch bùng phát ở hầu hết các Quốc gia, nền kinh tế suy thoái dẫn đến xu hướng thảo luận về "tiền ảo", "làm giàu nhanh" ngày càng tăng.
Báo cáo được theo dõi từ các thảo luận trên mạng xã hội, diễn đàn, website và báo chí từ ngày 01/01/2021 - 31/12/2021, đã tho thấy "xu hướng thị trường" và "lừa đảo qua tiền ảo" là hai vấn đề dư luận quan tâm nhất.
Cụ thể, báo cáo cho thấy, trong số Top 5 nội dung dư luận quan tâm nhất, "xu hướng thị trường Bitcoin/Altcoin.."chiếm đến 73,6%, vượt trội hơn các nội dung khác như "cách thức đào Pi" (12,27%), "thông tin đầu tư về sàn Forex" (6,66%), Game NFT (4,48%) và "game Axie Infinity" (2,99%).
Mặt khác, blockchain cũng nhận về nhiều thảo luận phản ánh về độ rủi ro, khi các tin lừa đảo, đa cấp được nhắc đến nhiều (chiếm 63,93% tin bài), chủ yếu các sàn nổi lên từ đầu năm 2021 như Pi network lừa đảo (chiếm 15,3%), Sàn Forex đa cấp (chiếm 14,75%).
Bên cạnh đó, hàng loạt các nghệ sĩ đồng loạt đăng tin quảng cáo cho Coin rác (với 2,19% tin bài) cũng gây nhiều ảnh hưởng đến thông tin "lùa gà" của các sàn giao dịch tiền ảo. Song, vấn đề về việc điện năng để đào Coin ảnh hưởng đến môi trường cũng được phản ảnh với 3,83% tin bài.
Báo cáo cũng đánh giá, mạng xã hội (Facebook, Youtube, Instagram, Tiktok) vẫn là nguồn thảo luận chính về blockchain (37%) trong năm 2021.
Cũng theo báo cáo của Reputa và StocX, sắc thái tiêu cực chiếm 17,2% tin, bài về blockchain, với nội dung xoay quanh cảnh báo lừa đảo, và các thông tin lừa đảo (scam) liên quan đến "Thị trường blockchain" được dư luận quan tâm nhiều. Trong đó, dư luận bàn tán tiêu cực nhiều nhất với tỷ trọng 64,86% về các chủ đề "bắt, lừa đảo, hoặc bitcoin là nguyên nhân dẫn đến việc phạm pháp", cảnh báo thủ thuật lừa đảo" với nội dung cảnh báo nhà đầu tư và sự vụ về những vụ lừa đảo đã diễn ra.
Phần còn lại là các thảo luận bàn tán thông tin "Xu hướng thị trường và Nhà nước không cho giao dịch/không chấp nhận hình thức" với tỷ trọng là 35,14% trên tổng số thảo luận tiêu cực trên thị trường lại thường nhắc đến những rủi ro của dự án hoặc những mặt tồn đọng của ngành.
Lượng tin tích cực về blockchain chiếm tỷ trọng 14,18%, nội dung chủ yếu để cập đến biến động của các đồng tiền ảo (bitcoin/ETH/Dogecoin,...) và giới thiệu những lĩnh vực mới được ứng dụng blockchain. Trong đó, chủ đề "Giá tiền mã hóa" tăng/giảm chiếm nhiều nhất trong các thảo luận tích cực với 35.62% và tiếp theo sau đó là bàn luận về các thông tin "Xu hướng/Cập nhật thị trường", nhắc đến Nhà nước và các chính sách ảnh hưởng đến thị trường" với tỷ lệ 64.12%.
Các thảo luận về xu hướng đề cập chủ yếu đến tổng quan thị trường và nhắc đến các dự án tiềm năng hiện có, giới thiệu những lĩnh vực mới được ứng dụng blockchain cũng như thông tin về giá xoay quanh sự tăng giảm giá trị của các đồng coin.
"Báo cáo thị trường blockchain Việt Nam trên Social Media năm 2021" cho biết, trong số top 5 lĩnh vực được nhắc nhiều nhất trong thị trường, sàn giao dịch (Exchange) là lĩnh vực nhận nhiều thảo luận nhất từ dư luận (hơn 51% thảo luận), kế đến là GameFi - sự kết hợp trò chơi vào tài chính (19,42%) và Dapps & DeFi- ứng dụng phi tập trung vào tài chính, cho vay, giao dịch (trading) (16,06%).
Còn trong số top 10 các từ khóa nổi bật hầu hết là tên các đồng coin/crypto, tên game trong lĩnh vực, bên cạnh đó cũng có những từ khóa tiêu cực về ngành như "lừa đảo", "cảnh báo",…
Hiện nay, trong số top 10 coins/crypto thì BTC (bitcoin) là đồng coin đang được dư luận quan tâm nhất với 74.028 lượt thảo luận. Tiếp đến là đồng ETH (Ethereum) và ADA (Cardano). Các nội dung thảo luận chủ yếu đề cập đến tình hình biến động về giá và xu hướng phổ biến của các đồng coin/crypto.
Báo cáo của Reputa cũng chỉ ra trong số các sàn giao dịch tiền điện tử thì Binance là sàn được người Việt Nam quan tâm nhiều nhất năm 2021. Binance ra đời năm 2017 tại Trung Quốc và ra mắt thị trường Việt Nam 2020. Đây cũng là sàn tiền số lớn nhất thế giới theo thống kê từ Coinmarketcap, hơn 16 tỷ USD giao dịch tiền điện tử được Binance xử lý mỗi ngày. Kế đến là các sàn Remitano, Huobi, Kraken và OKX.
"Ưu điểm của các sàn này là sở hữu danh sách tiền điện tử đa dạng và có khối lượng giao dịch lớn, nhờ đó, độ tin cậy của các sàn giao dịch này đối với các nhà đầu tư cũng cao hơn", báo cáo của Reputa nhấn mạnh.
Năm 2021 là một năm khởi sắc của các dự án GameFi, trong số top 10 dự án thì nổi bật nhất là Axie Infinity do Sky Mavis phát triển và được rót vốn 7,5 triệu USD vào giữa năm 2021. Axie Infinity đang là bộ sưu tập NFT đắt giá nhất theo dữ liệu từ DappRadar (2021). Ngoài ra, các dự án GamFi thể loại nhập vai như Parallel, Elemon và Decentraland cũng rất hấp dẫn người chơi đồ họa đẹp mắt và tính minh bạch về việc "kiếm tiền" trong trò chơi.
Còn top 10 mô hình ứng dụng phi tập trung vào tài chính, cho vay, trading nổi bật nhất năm 2021 là coin 98. Theo thống kê của Coinmarketcap, coin 98 hiện đang thuộc top 200 các dự án tiền mã hóa có tổng giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Tháng 4/2021, Coin98 Labs đã hoàn thiện seed round (vòng hạt giống) với việc kêu gọi được 1,25 triệu USD từ các quỹ đầu tư ParaFi Capital, Multicoin Capital, Hashed và Spartan Group.
Trước câu hỏi về những ý kiến "đánh đồng" blockchain với Cryto (tiền ảo), ông David Trần, Giáo sư ngành khoa học máy tính - Đại học Massachusetts (Mỹ) khẳng định, blockchain là một công nghệ mới, trong khi Cryto chỉ là một ứng dụng của nó. Tuy nhiên, Cryto là ứng dụng đầu tiên và đem lại nhiều giá trị nhất cho cộng đồng.
"Tương tự như câu chuyện của thị trường dotcom cuối những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, khi đó việc lập website cũng chỉ là một ứng dụng phổ biến nhất của công nghệ web", ông David Trần nhấn mạnh.
Nếu như trước kia, mọi người đều cố gắng tạo ra một trang web để có thể "online" thì hiện nay với công nghệ blockchain, ai cũng đều tạo ra một đồng tiền ảo của riêng mình và bán nó cho cộng đồng. Để rồi không phải ai cũng thành công sau 2 - 3 năm dù có thể gọi được rất nhiều vốn.
Do đó, theo ông David Trần, để mọi người không "đánh đồng" blockchain với Cryto, các đơn vị như StocX cần "đào tạo" thị trường thông qua các kênh chính thống như các bản báo cáo, bản nghiên cứu dựa trên dữ liệu của các chuyên gia, nhân vật có hiểu biết về blockchain, Cryto…"Đồng thời, chúng ta cần đưa ra ngoài thị trường, nói nhiều hơn về những ứng dụng blockchain mang tính chất dài hạn hơn thay vì chỉ nhắc đến Cryto, GameFi…", ông David Trần khẳng định.
Cùng quan điểm, bà Hường Hoàng cho rằng, sở dĩ trong thời gian qua, Cryto được nhắc đến nhiều nhất vì nó là ứng dụng blockchain thiết thực và "ra tiền" nhất. Xu hướng tiếp theo sẽ là ứng dụng GameFi, bởi vì giống như xu hướng game PC hay mobile trước đây, nó sẽ là "đầu ra" hứa hẹn tiếp theo của công nghệ blockchain. "Về mặt lâu dài, các ứng dụng của công nghệ blockchain sẽ đi vào đời sống, giống như việc nhà nhà, người người đều có website để bán hàng như hiện nay", bà Hường chia sẻ thêm.
Thời gian tới, bà Hường hy vọng sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia thị trường blockchain để có thêm nhiều ứng dụng hữu ích hơn cho cộng đồng, bên cạnh các công ty đã xuất hiện trong báo cáo của Reputa.
Để một dự án blockchain thành công, ông David Trần cho rằng, đầu tiên người sáng lập cần phải có trách nhiệm với sản phẩm làm ra. Sau đó, sản phẩm có đang giải quyết một "nỗi đau" nào đó của thị trường hay đội ngũ có rõ ràng, đủ uy tín và chất lượng cũng như có đủ sức hút với cộng đồng hay không. Yếu tố tiếp theo là tính thời điểm, bởi vì sự quan tâm của người dùng với các dự án blockchain theo xu hướng.
"Còn với DN, để một ứng dụng thành công, chúng ta cần xác định được "nỗi đau" mà mình đang gặp phải có phải chỉ có thể xử lý được bằng công nghệ blockchain, thay vì một công nghệ khác như cloud, AI", ông David Trần nói.
Về vấn đề xây dựng mạng blockchain riêng của Việt Nam, ông David Trần khẳng định, đây là một điều cần thiết. Giống như việc xây dựng đường cao tốc, để làm cho hàng hoá lưu thông dễ dàng hơn, vượt qua những trở ngại về mặt địa lý hay sau đó là các mạng điện thoại viễn thông, mạng Internet, mọi người không thể sử dụng chung các mạng blockchain công khai (public) vì mỗi một quốc gia có một chủ quyền riêng, ràng buộc liên quan đến quản lý kinh tế, chính trị.
"Chúng ta nên coi blockchain là một hạ tầng quan trọng, giống như viễn thông, Internet… để có thể đảm bảo chủ quyền cũng như chi phí phù hợp hơn", ông David Trần nhấn mạnh.
Để xây dựng mạng blockchain, Việt Nam có thể tham khảo câu chuyện của Trung Quốc, họ đã xây dựng hệ thống này từ năm 2018 và ra mắt vào năm 2020. Trung Quốc xây dựng mạng dịch vụ dựa trên blockchain (Blockchain-based Service Network) thông qua sự kết hợp giữa DN tư nhân (sự sáng tạo, nhân sự giỏi) và nhà nước (cơ chế, chính sách).
"Mạng Blockchain của Việt Nam sẽ giúp các DN lớn có thể triển khai công nghệ này trong mạng nội bộ của họ cũng như cho phép mọi người có thể xây dựng các ứng dụng dựa trên hạ tầng này. Như vậy, nó sẽ giúp cho Việt Nam triển khai công nghệ này một cách rộng rãi, dễ dàng với chi phí thấp", ông David Trần nói.
Về xu hướng blockchain trong năm 2022, theo bà Hường, các dự án liên quan đến Crypto, NFT... đã phát triển rất nhanh trong 2 năm 2020-2021. Năm 2022, bà Hường cho rằng những dự án liên quan GameFi, Game NFT sẽ là xu hướng trong năm 2022, nhưng theo chiều sâu, giải quyết được nhu cầu thực sự của người dùng, thị trường.
Xu hướng tiếp theo sẽ là các ứng dụng phi tập trung trong các lĩnh vực như y tế, bất động sản, giáo dục… Đồng thời, thị trường blockchain sẽ có sự tham gia của những công ty lớn, thay vì chỉ có các startup như trước. Qua đó, thị trường sẽ có những sản phẩm chất lượng hơn.
Cùng quan điểm, ông David Trần khẳng định, không gian phát triển của GameFi còn rất lớn nên đang được các quỹ đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, thống kê cho thấy, 80% ứng dụng blockchain đang được sử dụng cho lĩnh vực bất động sản. Do đó, theo xu hướng dài hạn, các sản phẩm blockchain sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong đời sống thực như các tài sản, dịch vụ, trải nghiệm… , để có thể tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Do thế giới blockchain phân mảnh nên sẽ có xu hướng kết nối, tương tác các blockchain lại với nhau giống như mạng Internet hiện nay.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm