Thị trường hàng hóa
Tỷ trọng lao động làm việc trong nhóm phi chính thức còn rất lớn
Cụ thể, vào năm 2010, tổng số hộ nghèo cùng cực cả nước là khoảng 16,8% dân số, tuy nhiên tới năm 2020, con số này đã giảm xuống còn 5%.
Tại cuộc Hội thảo “Các chính sách xã hội chủ chốt tại Việt Nam”, diễn ra vào sáng 30/9, bà Carolyn Turk, giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận xét: Bước cải thiện đáng kể này phần lớn là nhờ quá trình tăng trưởng kinh tế dựa trên lợi tức dân số và tỷ trọng việc làm chính thức tăng lên khi người lao động chuyển dần khỏi nền nông nghiệp năng suất thấp.
Tuy nhiên, bà Carolyn Turk lưu ý, kinh tế Việt Nam đang và sắp phải đối mặt với áp lực trong việc an sinh xã hội, do tỷ trọng người Việt Nam làm trong các nhóm ngành phi chính thức vẫn còn rất lớn.
Bà Carolyn Turk phân tích: Hiện có khoảng 76% tổng số lao động đang làm trong các nhóm ngành nghề phi chính thức. Các nhóm ngành nghề này không có bảo hiểm rủi ro như thất nghiệp và khuyết tật.
Phi chính thức cũng đồng nghĩa với doanh thu thuế thấp hơn và nguồn tài chính cho bảo hiểm xã hội kém bền vững hơn.
Ngoài ra, tình trạng phi chính thức còn liên quan đến năng suất thấp hơn do thiếu vốn, hạn chế khả năng tiếp cận tài chính, kỹ năng và thường nằm ngoài phạm vi của các chương trình thị trường lao động chủ động.
“Ba phần tư lực lượng lao động ở Việt Nam không được bảo vệ khỏi những cú sốc, nếu có những diễn biến bất ngờ xảy ra, đơn cử như 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19 vừa mới được kiểm soát”, lãnh đạo WB nói.
Cũng theo lãnh đạo WB, trước đây, Việt Nam thu hút được rất nhiều nhà đầu tư ngoại, vì lực lượng lao động trẻ. Tuy nhiên, ưu thế này đang biến thành bất lợi, khi đối mặt với tình trạng già hóa dân số.
Nguồn lao động trẻ dồi dào từng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong những thập kỷ qua đang dần cạn kiệt. Theo đó, tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) được ước tính sẽ tăng từ 7% lên 15% vào năm 2035.
Năm 2015, số người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tại Việt Nam cao gấp 10 lần số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Đến năm 2035, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn khoảng 4,6 lần.
Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội nếu hầu hết trong số họ không có bảo hiểm xã hội hoặc lương hưu xã hội. Ngoài ra, với lực lượng lao động lớn tuổi, năng suất lao động cao hơn có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
“Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng về nhân khẩu học khi là quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất trên thế giới”, bà Carolyn Turk nói.
Ngoài 2 tác động gây bất lợi cho kinh tế Việt Nam nêu trên, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến Việt Nam theo chiều hướng ngày càng tăng trong những thập kỷ tới, tăng thêm mối nguy trước các cú sốc cho hộ gia đình và nền kinh tế.Khoảng 60% diện tích đất và 70% dân số của Việt Nam phải hứng chịu nhiều thiên tai. Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống an sinh xã hội vẫn chưa đủ khả năng thích ứng để chuẩn bị và ứng phó với thảm họa ngoài các biện pháp cứu trợ truyền thống.
Đề nghị sửa Luật Bảo hiểm xã hội
Trước những tác động nêu trên, lãnh đạo WB đề nghị Việt Nam xem xét sửa Luật Bảo hiểm xã hội, điều này bao gồm các giải pháp tăng đáng kể các khoản hỗ trợ từ nhà nước cho chương trình hưu trí tự nguyện, giảm số năm đóng góp cần thiết để nhận lương hưu và mở rộng phạm vi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho một số ngành nghề nhất định.
Song song với đó là đề xuất mở rộng phạm vi bao phủ của chương trình lương hưu xã hội không đóng góp nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ vào năm 2030.
Ngoài việc mở rộng phạm vi bao phủ, Việt Nam cũng cần tăng cường phân bổ nguồn lực để đảm bảo các chương trình trợ giúp xã hội có thể đạt được tác động mong muốn.
Mặc dù Nghị định 20 đã có những bước đi tích cực nhằm nâng cao mức hưởng, hiện tại vẫn còn rất thấp, đối với cả người cao tuổi cũng như các nhóm dễ bị tổn thương khác.
Bà Carolyn Turk còn đề nghị Việt Nam cần tiếp tục phát triển dù cơ cấu dân số có thay đổi ra sao. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu nâng cao năng suất lao động.
“Người lao động Việt Nam không chỉ cần nâng cao hiệu quả làm việc trong các ngành nghề hiện có mà còn phải có khả năng chuyển sang các công việc có chất lượng tốt hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn”, bà Carolyn Turk nói.
Điều này không chỉ đòi hỏi tiếp tục cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo mà còn cần thông tin thị trường lao động và hỗ trợ việc làm tốt hơn để giúp người lao động, bao gồm cả những người làm việc trong khu vực phi chính thức, nâng cao khả năng làm việc và tìm được việc làm tốt hơn.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm