Thị trường hàng hóa
Đây là nhận định được nhiều chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo “Kinh tế số: nhận diện, định vị các tiềm năng và thách thức” do Khoa Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Viện Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) và Viện Nghiên cứu châu Phi - Trung Đông tổ chức mới đây.
72 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet. Bình quân mỗi năm, mỗi người đang dùng 288 USD mua sắm trực tuyến. Với lợi thế đó, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế số, nhưng song song với đó là nhiều thách thức cần được nhận diện, giải quyết sớm.
Theo ông Phùng Danh Thắng - Chủ nhiệm khoa Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của công nghệ số với định hướng tất yếu là quá trình CĐS. Nền kinh tế chịu những tác động sâu sắc của quá trình này và kinh tế số trở thành một trong những hướng đi chính của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là một phần của sự phát triển, kinh tế số còn là trụ cột chính trong quá trình CĐS của một quốc gia, cùng với Chính phủ số và xã hội số.
Kinh tế số có thể được chia thành nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại điện tử, truyền thông số, quảng cáo trực tuyến, phần mềm, dịch vụ viễn thông và công nghệ tài chính tác động từ khâu sản xuất, trao đổi, phân phối đến tiêu dùng. Trong mỗi lĩnh vực này, công nghệ số như chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT) đang chuyển đổi các mô hình kinh doanh truyền thống và tạo ra những cơ hội mới cho sự đổi mới và tăng trưởng.
Trên thế giới, kinh tế số cũng được quan tâm chú trọng ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc. Nền kinh tế số của Trung Quốc theo báo cáo của Cyberspace Administration of China, đứng thứ 2 thế giới với 6,96 nghìn tỷ USD vào năm 2022 chiếm 41,5% GDP.
Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2022 là 14,26% tương đương với 23 tỷ USD, hết quý 1 năm 2023 là 14,62% tăng trưởng 13,6% so với quý IV 2022, quý 2 năm 2023 ước đạt 15,26% và ước đạt 17% vào cuối năm 2023.
Những con số này cho thấy tiềm năng rất lớn của kinh tế số ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Tuy vậy, phát triển kinh tế số cũng gặp rất nhiều những thách thức như vấn đề: bảo mật thông tin, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực hay thể chế tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế số.
Chia sẻ về bản chất của nền kinh tế số, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS (DTSI) nhấn mạnh: Kinh tế số không phải là ngành kinh tế mới mà nó bao trùm tất cả ngành kinh tế truyền thống, ở đó kinh tế số có khả năng tạo ra tầng (level) mới trên đó và tạo ra giá trị gia tăng đột phá từ việc chuyển đổi cách thức tạo ra giá trị của nền kinh tế truyền thống.
Chẳng hạn, với nền kinh tế truyền thống một sản phẩm hàng hoá nào đó được sản xuất và định giá là 10 đồng, nhưng với cách thức mới, kinh tế số có thể làm cho sản phẩm hàng hóa đó có giá trị gấp 10 lần và thậm chí là cao hơn thế nữa. Điều đó có nghĩa là sản xuất vật chất, sản xuất công nghiệp, dịch vụ vẫn là nền tảng quan trọng của nền kinh tế.
Với ý nghĩa và giá trị trên, kinh tế số nói riêng và tiến trình CĐS mang đến cơ hội nâng cao năng lực, cải thiện năng suất cho nền kinh tế thông qua đột phá về giá trị, góp phần chuyển đổi tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng như hiện nay sang chiều sâu.
Nhìn từ thực tế đợt suy thoái kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu, và cũng tác động khá lớn đến nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, ông Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng, giới hạn tăng trưởng theo chiều rộng không thể duy trì mãi được, đòi hỏi nền kinh tế và DN phải chuyển đổi cách thức tăng trưởng theo chiều sâu, hướng đến gia tăng giá trị trên nền tảng kinh tế có yếu tố tri thức nhiều hơn, đưa khoa học công nghệ trở thành nền tảng, động lực phát triển.
Do đó, giá trị kinh tế số đến từ việc chuyển đổi sang nền tảng mới, không thể thực hiện kinh tế số với tư duy cũ mà cần có tư duy mới (tư duy số) để kiến tạo nên phương thức vận hành kinh tế mới. Nền tảng sản xuất mới bắt đầu từ nguồn tài nguyên mới, cách thức vận hành nền kinh tế mới và những sản phẩm dịch vụ hàng hóa mới.
Kinh tế số góp phần giải quyết những trở ngại về sự phối hợp của nền kinh tế, giúp nền kinh tế tối ưu hoá nguồn lực, tối ưu hoá giá trị và tối ưu hoá cơ hội.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang cũng cho biết từ năm 2015, Tom Goodwin đã chỉ ra một mô hình tiêu biểu về những công ty rất “mỏng”. Họ sở hữu chủ yếu là các ứng dụng và dữ liệu chứ không phải tài sản vật chất hay cơ sở hạ tầng, do đó họ có thể phát triển nhanh chóng.
Điển hình như, Uber là công ty taxi lớn nhất thế giới không sở hữu bất kì phương tiện nào. Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới không tự mình tạo ra nội dung. Alibaba là nhà bán lẻ có giá trị lớn nhất thế giới không có kho hàng. Và Airbnb là nhà cung cấp dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới không sở hữu bất kì bất động sản nào. Goodwin gọi những công ty này như một “lớp màng mỏng khó tả” và cho rằng không có hoạt động kinh doanh nào tốt hơn.
Ông Giang nhấn mạnh, kinh tế chia sẻ giúp chúng ta vô hình chung gắn bó với nhau, cộng sinh với nhau để tối ưu hóa về mặt kinh tế, giá trị và cơ hội so với mô hình kinh doanh truyền thống. Trước đây, kinh doanh phải có nhà xưởng, cơ sở vật chất, có cửa hàng mới có thể kinh doanh. Nhưng giờ đây không cần điều này. Trước đây chúng ta làm được 10 đồng nếu lao động thuần túy, thì nay với kinh tế số, vẫn với việc đó, nhưng chúng ta có thể thu về 100 đồng.
Trước đây, sản xuất một chai nước thì giá trị cuối cùng chỉ là chai nước. Nhưng hiện nay, vẫn là chai nước hay tài sản hữu hình khác, làm thế nào để nén vào đó các giá trị khác trong chuỗi sản xuất thì đó mới là tạo ra giá trị gia tăng. Cuối cùng, không phải cái đó đáng giá bao nhiêu, mà chúng ta sẽ quyết định nó giá bao nhiêu.
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, giá trị hình thành từ kinh tế số đến từ dữ liệu. Dữ liệu tạo ra 4 nguồn tài nguyên mới đó là: Tài nguyên tính toán; Tài nguyên lưu trữ, phân phối dữ liệu hiệu quả; Tài nguyên dữ liệu lớn; Tài nguyên giá trị mặc định.
Đây chính là những nguồn tài nguyên kiến tạo nên các lớp nền kinh tế mới, dựa trên sự phát triển của kinh tế truyền thống. Từ đó, hình thành nên cách thức sản xuất mới, gia tăng việc vốn hóa dữ liệu để tạo cho việc ra quyết định dựa trên dữ liệu hiệu quả, vận hành theo cơ chế nền tảng.
Vốn dữ liệu thông qua quá trình ra quyết định trong các hoạt động kinh tế số sẽ gia tăng các giá trị đạt được, đây cũng là điểm quyết định năng suất đột phá mà hoạt động kinh tế số tạo ra, đặc biệt thông qua sự hỗ trợ bởi sự phát triển của công nghệ AI và sự kết hợp hiệu quả giữa người và máy (H2M).
Bên cạnh đó, ông Lê Nguyễn Trường Giang cũng đã nhấn mạnh 4 đặc trưng của nền kinh tế số bao gồm:
Dữ liệu trở thành nhân tố sản xuất chủ chốt định hướng cho tăng trưởng kinh tế: Dữ liệu từng bước trở thành một tài sản mang tính chiến lược quan trọng. Các nguồn dữ liệu trở thành trung tâm sức mạnh của các DN và tạo nên lợi thế cạnh tranh. Cũng như đất đai và lao động trong kỷ nguyên nông nghiệp; công nghệ và vốn trong kỷ nguyên công nghiệp; dữ liệu trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất trong kỷ nguyên số.
Hạ tầng số trở thành một loại hình hạ tầng mới: Trong kỷ nguyên công nghiệp, các hoạt động kinh tế dựa trên các nền tảng hạ tầng vật chất như đường sá, sân bay, bến cảng, hạ tầng điện,... Sự xuất hiện của công nghệ số và dữ liệu số đã từng bước hình thành nên hạ tầng thông tin và cùng với tiến trình CĐS đã hình thành nên hạ tầng số là sự kết hợp của hạ tầng thông tin và sự CĐS các hạ tầng vật chất, tạo thành một hạ tầng tổng thể cho phép nền kinh tế phát triển.
Năng lực số trở thành một đòi hỏi mới đối với người lao động và người tiêu dùng: Khi công nghệ số thâm nhập vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, nó ngày càng đòi hỏi người lao động phải có năng lực kép: cả kỹ năng số và kỹ năng chuyên môn. Do vậy, việc đòi hỏi có năng lực số trở thành một nhân tố quan trọng để trở thành một người lao động giỏi trong kỷ nguyên số.
Người tiêu dùng cũng vậy, nếu không có năng lực số tốt, cũng sẽ trở thành một “kẻ mù mờ” trong kỷ nguyên số khi không có khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số để ra quyết định chọn lựa và bảo vệ các quyền cơ bản của mình trong quá trình tiêu dùng và sử dụng các sản phẩm - dịch vụ.
Biên giới giữa cung và cầu ngày càng trở nên mờ nhạt đi: Trong các hoạt động kinh tế truyền thống, có một biên giới rõ ràng giữa bên cung và bên cầu.
Trong nền kinh tế số, biên giới này trở nên mờ nhạt, và có thể bị xóa nhòa, nhà cung cấp và người tiêu dùng tiến tới tích hợp thành cái gọi là “nhà tiêu dùng”. Điều này sẽ làm đảo lộn cũng như thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của nền kinh tế trước đây theo một hướng hoàn toàn khác, đồng thời cũng tạo nên một môi trường kinh tế (kinh doanh) mới với sự giảm thiểu tối đa sự bất đối xứng thông tin thông qua phương thức kinh tế chia sẻ.
Kinh tế số cho phép chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ việc tập trung vào gia tăng khối lượng các sản phẩm dịch vụ được tiêu dùng để tạo nên giá trị tăng trưởng, sang việc gia tăng giá trị thu được từ mỗi giao dịch sản phẩm - dịch vụ tối ưu hóa để tạo nên giá trị tăng trưởng. Điều này cho phép tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm