Thị trường hàng hóa
CĐS trong ngành nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT)…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.
Theo các chuyên gia, các lợi ích của CĐS nông nghiệp có thể kể đến như:
Giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu như có thể ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu (data analytics) vào phân tích và quản lý, toàn bộ vùng khí hậu sẽ được cảnh báo rủi ro cho người dân sớm (72 giờ trước khi cơn bão đi qua), từ đó sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời
Nâng cao năng suất lao động: Một vài vùng nông thôn hiện đã áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa. Thực tế, nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thí điểm công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tăng cường chất lượng sản phẩm nông nghiệp: Các công nghệ ứng dụng trong CĐS nông nghiệp như dữ liệu lớn, công nghệ sinh học sẽ giúp phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng. Từ đó, người nông dân sẽ có quyết định đúng đắn hơn như lượng phân bón, thời gian canh tác, phụ thuốc bảo vệ thực vật,…
Đặc biệt, CĐS nông nghiệp giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng: Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, CĐS giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau. Điều này đã được chứng minh thực tế trong thời gian dịch COVID-19. Nhiều người nông dân, địa phương đã xúc tiến bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn xác định CĐS nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu để giúp người nông dân, doanh nghiệp (DN) sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Trong đó, chữ ký số (CKS) đang được ứng dụng ngày càng nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần thúc đẩy nhanh việc tiêu thụ hàng hóa.
Việc tích cực ứng dụng các công nghệ kỹ thuật vào các khâu từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã và đang tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cách thức quản lý, sản xuất tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.
Là chủ một DN sản xuất hồ tiêu tại Tây Nguyên, anh Nguyễn Hoàng Nam luôn tận dụng lợi thế của việc áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và đẩy mạnh hoạt động, trong đó có dịch vụ CKS.
Anh Nam cho biết: “Lúc đầu tôi nghĩ CKS rất phiền phức khi phải sử dụng laptop, token trong khi gặp đối tác đàm phán tôi có thể ký hợp đồng tay luôn. Nhưng sau này mở rộng buôn bán ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, việc ký tay buộc tôi sẽ phải di chuyển nhiều tốn kém chi phí và cũng gây nhiều bất cập. Có lần trên đường về, tôi không may bị rơi mất bộ hồ sơ nên đã đánh mất hợp đồng quan trọng và phải quay lại đàm phán với đối tác để ký lại. Từ đầu năm nay, khi tham gia hội thảo CĐS, tôi được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng giới thiệu CKS từ xa. Tôi cũng tìm hiểu và sử dụng”.
“Đăng ký khá dễ dàng, khi đã sử dụng quen tôi thấy tiện lợi không ngờ. Sử dụng CKS tiện lợi hơn chữ ký tay vì chỉ cần sử dụng máy tính, trên một ứng dụng của nhà cung cấp và vài cú kích chuột và vài thao tác có thể thực hiện ngay CKS nhanh gọn và chính xác. Thậm chí ngồi ở nhà tôi có thể ký hợp đồng điện tử từ xa để phân phối hồ tiêu với các đại lý tại Hà Nội một cách nhanh chóng và an toàn”, anh Nam chia sẻ thêm.
Quả thật, khi một hợp đồng, một thủ tục, một giao dịch được thực hiện từ xa mà giá trị pháp lý được đảm bảo thì tất cả các bên sẽ tiết giảm được chi phí đi lại, gặp gỡ trực tiếp để ký kết, không mất thời gian chuyển tài liệu giấy như trước đây. Hơn nữa, CKS còn thể hiện đầy đủ ngày tháng, chi tiết đến từng giây mà người thực hiện thao tác ký, tăng cường bảo mật và đảm bảo an toàn cho các giao dịch.
Với CKS từ xa, không cần am hiểu nhiều về công nghệ cũng có thể dễ dàng sử dụng. Là người không thành thạo về công nghệ, chị Hồ Thị Thủy, chủ một cửa hàng gạo tại Thái Thụy, Thái Bình cho biết, khi được hướng dẫn đăng ký CKS cá nhân miễn phí, chị đã đăng ký và được cấp CKS nhanh chóng, thuận tiện. Rất dễ sử dụng. Lúc đầu chị chỉ nghĩ dùng dịch vụ này làm một số thủ tục trên công dịch vụ công nhưng khi làm việc với các cửa hàng phân phối tại TP. HCM, chị được trao đổi về việc ký hợp đồng điện tử, chị đã sử dụng CKS từ xa và ký số rất dễ dàng, hợp đồng có hiệu lực ngay khi hai bên ký số. Hơn nữa, có CKS này, việc đóng thuế cũng nhanh chóng hơn nhiều.
Đúng vậy, tất cả đều được thực hiện trên môi trường điện tử nên chỉ cần thiết bị kết nối Internet như laptop, máy tính bảng, smartphone... cùng vài thao tác đơn giản, người nông dân hay DN cũng có thể ký số dễ dàng mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.
Trong một thế giới siêu kết nối, nhu cầu giao dịch, truyền tải thông tin trên môi trường điện tử gia tăng, CKS là công cụ cơ bản nhất, là mảnh ghép góp phần hoàn thiện “bức tranh” CĐS. Đây cũng là chủ trương mà Chính phủ đang thúc đẩy với mục tiêu đến năm 2025, 50% dân số trưởng thành có CKS hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 con số này là hơn 70%.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm