Thị trường hàng hóa
Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 508/QĐ-TTg ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng, là kim chỉ nam để ngành thuế triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hệ thống thuế.
Hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax) được tới 99% doanh nghiệp (DN) sử dụng để khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Hệ thống hoá đơn điện tử cũng đã được ngành Thuế triển khai trên phạm vi toàn quốc; kết nối trao đổi thông tin với các bộ/ngành, các đơn vị, tổ chức bên ngoài nhằm mục tiêu xã hội hóa các dịch vụ về thuế bằng phương thức điện tử...
Việc số hóa toàn diện công tác quản lý thuế đã góp phần giảm đáng kể TTHC thuế, tính đến hết năm 2022, số TTHC đã giảm từ 304 xuống còn 234 thủ tục.
Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế đã được thực hiện qua Hệ thống thông tin eTax từ tháng 10/2020. Đây là hệ thống được thiết lập thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục thuế và 415 chi cục thuế. Những vướng mắc sẽ được chuyển tới 479 kênh thông tin để hỗ trợ người nộp thuế kịp thời.
CKS trong các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã được triển khai ứng dụng để xác thực tại Tổng cục Thuế, giúp cho giao dịch điện tử (GDĐT) giữa người nộp thuế với cơ quan thuế được đảm bảo an toàn, dữ liệu được toàn vẹn, xác thực. Đồng thời, việc xác thực bằng CKS giúp DN được cắt giảm nhiều TTHC, giảm thời gian đi lại đến cơ quan thuế trực tiếp nộp hồ sơ và giúp đẩy mạnh công tác cải cách TTHC trong cơ quan thuế.
Khai thuế điện tử được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố
Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. 100% DN lớn khai thuế điện tử đối với các sắc thuế chính. Các hộ kinh doanh, cá nhân đã triển khai điện tử với cá nhân cho thuê tài sản.
Theo số liệu của Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT, tính đến 31/12/2022, có 885.540 DN (không bao gồm các DN là chi nhánh, trực thuộc) sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử cụ thể là các DN sử dụng hoá đơn điện tử (tăng 31.888 DN so với cùng kỳ năm 2021).
Tình hình sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng giai đoạn 2015 - 2022 được thể hiện trong Hình 1.
Số lượng giao dịch thành công của dịch vụ khai thuế điện tử (bao gồm cả giao dịch liên quan đến hóa đơn điện tử) năm 2022 đạt 12.118.243 giao dịch, luỹ kế đến hết năm 2022 đạt 111.684.874 giao dịch.
Nộp thuế qua mạng
Đối với dịch vụ nộp thuế điện tử, theo NEAC, đã có 55 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 cục thuế triển khai dịch vụ. DN, tổ chức có thể thực hiện giao dịch nộp thuế điện tử tại cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc thực hiện giao dịch nộp thuế thông qua hệ thống ứng dụng thanh toán điện tử của ngân hàng.
Hàng năm, ngành Thuế đã triển khai tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến 31/12/2022, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế với cơ quan thuế là 874.391, tăng 20.144 DN so với cùng kỳ năm 2021.
Tình hình sử dụng dịch vụ nộp thuế qua mạng giai đoạn 2015 - 2022 được thể hiện trong Hình 3.
Số lượng giao dịch thành công của dịch vụ nộp thuế điện tử lũy kế đến năm 2022 đạt 20.916.195 giao dịch, riêng năm 2022 đạt 3.777.127 giao dịch (tăng 2,5 lần so với năm 2021).
Dịch vụ hoàn thuế và hoá đơn điện tử
Năm 2022, có 31.511 giao dịch hoàn thuế thành công (tăng có 5.406 giao dịch so với năm 2021) và hơn 2.520.174.516 hoá đơn điện tử được phát hành.
Trong năm vừa qua, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách, ứng dụng CNTT nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK cũng như cho người dân, DN.
Ngày 20/5/2022, Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được ban hành, xác định mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu phấn đấu và hệ thống các giải pháp xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là: “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh”. Hệ thống hải quan thông minh, chỉ cần có thiết bị kết nối Internet, DN có thể làm thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, 24/7, tại bất kỳ đâu trên thế giới.
Tính đến hết năm 2022, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% DN tham gia. Công tác khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao.
Hệ thống thông quan điện tử và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS)
Giai đoạn vừa qua, thông qua việc triển khai Hệ thống đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho DN, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan, thủ tục hải quan hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua. Năm 2022, Hệ thống VNACCS/VCIS đã có hơn 99,65% DN tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Số lượng DN hoạt động trên hệ thống VNACSS/VCIS tính đến 31/12/2022 đạt 224.510, giảm so với cùng kỳ năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong và ngoài nước.
Số lượng DN hoạt động trên hệ thống VNACCS/VCIS giai đoạn 2015 - 2022 được thể hiện trong Hình 4.
Số lượng giao dịch thành công (ước lượng dựa trên số tờ khai báo thành công) của DN trên Hệ thống VNACCS/VCIS tính đến 31/12/2022 đạt 15,28 triệu tờ khai.
Cổng thông tin một cửa quốc gia
Số lượng DN sử dụng dịch vụ trên cổng thông tin một cửa quốc gia tính đến 31/12/2022 đạt 59.205 DN, tăng 7.529 DN so với năm 2021. Số lượng DN hoạt động trong cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2015 – 2022 được thể hiện như Hình 5.
Số lượng giao dịch thành công trên cổng thông tin một cửa quốc gia tính đến 31/12/2022 đạt 5.555.369 giao dịch.
Cổng thanh toán điện tử thu thuế xuất nhập khẩu (XNK)
Số lượng đơn vị áp dụng DVCTT sử dụng CKS để xác thực trên cổng thanh toán điện tử thu thuế XNK tính đến 31/12/2022 đạt 31.257 DN. Số lượng giao dịch thành công trên cổng thanh toán điện tử thu thuế xuất nhập khẩu tính đến 31/12/2022 đạt 2.054.167 giao dịch.
Công tác ứng dụng chữ ký trong DVCTT của Tổng cục Hải quan đã đạt những hiệu quả. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy ứng dụng CKS; triển khai ứng dụng CKS với thao tác ký văn bản và xác thực văn bản trực tuyến vừa đảm bảo tính pháp lý cho văn bản gửi trên môi trường Internet, vừa tạo tiền đề quan trọng để xây dựng Chính quyền điện tử trong giai đoạn tiếp theo; góp phần giảm bớt giấy tờ hành chính.
Đồng thời, việc ứng dụng đã làm rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, đơn giản hoá các TTHC trong giải quyết thủ tục liên quan đến tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu; Đảm bảo tính bảo mật, an toàn, giảm thiểu thất thoát trong công tác ngân sách nhà nước; Đảm bảo tính pháp lý của các GDĐT giữa các cơ quan Hải quan và DN tham gia hoạt động XNK; Giảm chi phí phát sinh cho DN khai báo hải quan điện tử; giảm thiểu nhân sự trong công tác xác minh, kiểm tra các DN khai báo hải quan điện tử.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm