Thị trường hàng hóa
CKS là trung tâm của giao tiếp trực tuyến an toàn. Chúng không chỉ xác thực người dùng không phải là kẻ mạo danh mà CKS còn đảm bảo rằng dữ liệu mà ai đó cung cấp là xác thực và không bị thay đổi.
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của CKS, người dùng có thể thực hiện mọi giao dịch một cách nhanh chóng và tiện lợi. Cho dù bạn là kỹ sư phát triển phần mềm hay người quản lý bán hàng, CKS rất cần thiết cho tính bảo mật và tính xác thực dữ liệu của hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, ngân hàng điện tử.
Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022. Theo đó, hóa đơn giấy truyền thống chỉ được sử dụng đến hết ngày 30/6/2022, toàn bộ người nộp thuế sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Trong khi đó theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), lũy kế đến ngày 31/10/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,6 tỷ hóa đơn (trong đó có hơn 1,62 tỷ hóa đơn có mã và hơn 3,98 tỷ hóa đơn không mã).
Bên cạnh đó, vẫn theo Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 10/2023, đã có 35.565 doanh nghiệp (DN), cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hơn 51,6 triệu hóa đơn.
Để hỗ trợ triển khai hóa đơn điện tử đối với trường hợp DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và các DN nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, theo đó xây dựng giải pháp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã không phải trả tiền dịch vụ trong 12 tháng, kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, cho các trường hợp DN, hộ, cá nhân nêu trên.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục vận hành hệ thống hóa đơn điện tử, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo thông suốt trên toàn quốc. Đồng thời, sẽ triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; chính sách hỗ trợ người nộp thuế theo chương trình của Chính phủ, công tác chống gian lận hóa đơn điện tử, công tác thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là công tác hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thực tế, trong các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, xuất nhập khẩu, DN Việt Nam đã sử dụng hợp đồng điện tử để ký kết với đối tác nước ngoài, đặc biệt với những đối tác tại các nước phát triển. Mặt khác, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, xu hướng giao dịch không tiếp xúc trở nên phổ biến.
Các DN đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử để kịp thời nắm bắt cơ hội và chuyển mình trong cuộc đua chuyển đổi số (CĐS). Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% DN ứng dụng hợp đồng điện tử và 2030 đạt 100% DN ứng dụng hợp đồng điện tử.
Như vậy, trong thời gian tới đây, người dân, DN có thể sử dụng hợp đồng điện tử thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống với giải pháp chứng thực của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký bởi Bộ Công Thương.
Việc sử dụng hợp đồng điện tử cũng có tác động tích cực về mặt bền vững môi trường, chính xác là vì nó khiến việc sử dụng giấy không cần thiết và giúp giảm nhu cầu về diện tích để lưu trữ tài liệu giấy. Đặc biệt là các cá nhân, tổ chức, DN tiết kiệm được nhiều thời gian vì không còn phải in và scan hợp đồng nhiều lần, đặc biệt là khi các hợp đồng cần chụp chữ ký của nhiều người.
Ở Việt Nam, phát triển các dịch vụ của ngân hàng điện tử là xu hướng tất yếu, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Không phải từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thanh toán số mới phát triển mà từ khá lâu, tại nhiều nước trên thế giới, việc không sử dụng tiền mặt đã trở thành xu hướng thanh toán được thúc đẩy mạnh mẽ.
Thời gian qua, dịch vụ ngân hàng điện tử ở nước ta đã được mở rộng cả về quy mô và chất lượng; có bước tiến mạnh với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng CNTT.
Thống kê cho thấy, so với 8 tháng đầu năm 2020, trong 8 tháng đầu năm 2023, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý khoảng 84,89 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 125,87 triệu tỷ đồng, giảm 9,9% về số lượng và tăng 86,53% về giá trị. Việt Nam hiện có khoảng hơn 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua Internet mỗi ngày. Tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên mobile banking tại Việt Nam là 200%. Giá trị giao dịch tiền với riêng kênh điện thoại di động hiện đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng/ngày.
Những con số này cho thấy, sự dịch chuyển lớn từ giao dịch rút tiền mặt ATM sang giao dịch thanh toán điện tử trong thời gian qua đã khẳng định những chủ trương và chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng hướng.
Có thể nhận thấy, chữ ký số đang dần được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc phát triển các dịch vụ điện tử góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng bắt nhịp xu hướng CĐS toàn cầu.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm