Thị trường hàng hóa
Pony Ma là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Tencent – một trong 5 công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Pony Ma tên thật là Mã Hóa Đằng, sinh năm 1971 tại làng chài Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Vào năm 1980, thành phố được lãnh đạo Đảng Cộng sản Đặng Tiểu Bình chỉ định là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Chính sách mở cửa cho phép Thâm Quyến thu hút các khoản đầu tư nước ngoài và lao động nhập cư có tay nghề, dần dần từng bước chuyển trạng thái từ sao chép sang chuyển giao và làm chủ công nghệ nước ngoài.
Năm 1993, Mã Hóa Đằng tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến với tấm bằng cử nhân Khoa học máy tính rồi đầu quân cho công ty viễn thông Runxun chuyên phát triển phần mềm nhắn tin.
Sau 5 năm tích lũy kinh nghiệm, ông Mã cùng 4 người bạn quyết định thành lập Tencent vào năm 1998. Sản phẩm đầu tiên của họ là QQ, một dịch vụ nhắn tin trên máy tính để bàn, thường bị coi là bản nhái của các dịch vụ thành công ở nước ngoài như ICQ của Israel hoặc AIM của Mỹ. Bất chấp các cáo buộc đạo nhái, QQ nhanh chóng thành công và đưa Tencent trở thành nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin tức thời lớn nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Các khoản lợi nhuận đầu tiên đến từ tiền từ việc thu phí quảng cáo và phí người dùng hàng tháng cho việc sử dụng dịch vụ VIP của QQ.
Sự bùng nổ của Internet khiến thành công của Tencent lên như diều gặp gió. Đến năm 2001, công ty đã huy động được hơn 32 triệu USD vốn đầu tư. Vào năm 2004, Tencent đã niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Hong Kong.
Vào năm 2011, Tencent đã cho ra mắt ứng dụng nhắn tin di động WeChat. Nền tảng này đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 1 năm, nhanh chóng làm lu mờ người tiền nhiệm QQ. WeChat là một "siêu ứng dụng" bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau, nơi người dùng có thể gửi tin nhắn, gọi điện, chơi game, chuyển tiền, mua sắm, thanh toán hóa đơn điện tử, gọi taxi. Cho đến ngày nay, đây vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng.
Ngoài ra, Mã Hóa Đằng còn dẫn dắt Tencent lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh game và trở thành bá chủ trong lĩnh vực này. Kể từ năm 2015, tựa game Honor of Kings (Vương giả vinh diệu) do Tencent phát hành đã trở thành trò chơi di động có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Tencent đã trở thành công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới thông qua chiến thuật đầu tư hoặc mua lại các nhà sản xuất game lớn, nổi bật là thương vụ mua lại Riot Games, "cha đẻ" của Liên Minh Huyền Thoại.
Dần dà, Tencent mở rộng danh mục đầu tư sang các lĩnh vực khác như âm nhạc, thương mại điện tử, phát trực tiếp, sản xuất và phân phối phim, truyện tranh. Ra mắt vào năm 2015, Tencent Pictures đã tham gia vào các dự án Hollywood nổi tiếng, bao gồm: "Wonder Woman", "Kong: Đảo đầu lâu", "Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu".
Thành công của Tencent khiến Mã Hóa Đằng trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất hành tinh, đồng thời là một trong số những chuyên gia công nghệ kiệt xuất nhất thế kỷ XXI.
Trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt quản lý đối với các tập đoàn công nghệ trong nước, Tencent ghi nhận giá cổ phiếu giảm gần 50% trong một năm qua. Dù vậy, Mã Hóa Đằng vẫn lọt top 3 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm