Thị trường hàng hóa
Trong số 30 bức tranh Việt Nam, giới sưu tập quốc tế đặc biệt chú ý tới chân dung phụ nữ trong tranh của các họa sĩ: Hoàng Tam, Lương Xuân Nhị, Mai Thứ và Nam Sơn. Đây là bằng chứng sống động về biến động xã hội và nghệ thuật ở Việt Nam.
Chân dung phụ nữ của các họa sĩ Hoàng Tam, Lương Xuân Nhị, Mai Thứ và Nam Sơn không chỉ là những “ghi chép” chân thực về cuộc sống, mà còn là những sáng tạo - thể hiện ý thức sâu sắc về bản sắc và khát vọng khẳng định nghệ thuật Việt Nam. |
Thông tin từ nhà đấu giá Millon cho biết, trước phiên đấu giá “Những bậc thầy – Sự đa dạng trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam” diễn ra lúc 14 giờ ngày 16/12 – thì trước đó các tác phẩm đã được trưng bày tại khách sạn Hilton ở Paris (Pháp) để giới sưu tập có thể thưởng lãm sự đặc biệt của hội họa Việt Nam.
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nicolas Henni-Trinh Duc cho rằng, những bức tranh chân dung đã để lại dấu ấn đậm nét trong nghệ thuật Việt Nam. Dù ở thời kỳ nào hay áp dụng kỹ thuật nào, thì vẫn là nét đặc trưng lâu đời nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Từ chân dung của các vị hoàng đế trong quá khứ, đến chân dung của các nhà cách mạng trong thế kỷ 20. Từ những vị tổ sư đắc đạo được khắc họa trong các tác phẩm điêu khắc, đến các vị tổ tiên với bức chân dung được vẽ hoặc chụp trên ban thờ. Tranh chân dung hiện diện ở mọi khía cạnh đời sống - sự đa dạng về nét và cách thể hiện đã nuôi dưỡng sức sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam.
Khi Trường Mỹ thuật Đông Dương mở cửa vào năm 1925, mục đích được đưa ra rất rõ ràng: Đào tạo nghệ sĩ, không phải nghệ nhân. Do đó, các sinh viên được dạy về “en plein air” (trực họa phong cảnh), tranh tĩnh vật và nghệ thuật trang trí. Điêu khắc và vẽ từ các người mẫu thật.
Từ năm 1926, những người có tiếng nói tại Việt Nam như Tổng đốc Hoàng Trọng Phu hay Nan Kiao - nhà báo của tờ L’avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ), đã gợi ý rằng trường đang đào tạo những họa sĩ vẽ chân dung, những người chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế và đảm bảo một lượng khách hàng Việt Nam tiềm năng.
Từ đầu thập niên 30, khi những lớp sinh viên đầu tiên tốt nghiệp và nâng cao tính độc lập, phong cách cá nhân. Động lực phương Đông mà các giáo sư của trường khuyến khích dần phai nhạt và nghệ thuật của các sinh viên này đạt được sự cá tính, độc đáo và cả tính hiện đại. Những điều này chứng tỏ sự thay đổi của mỹ thuật Việt Nam.
Không còn là bức chân dung bán thân trên ban thờ, các nhân vật được cá nhân hóa theo tỉ lệ vàng. Bức chân dung của Hoàng Tam thể hiện một quý cô ngồi trên nền đất, tuân theo dạng thức của những bức tranh cổ nhất, trong khi bức họa chưa hoàn thành của họa sĩ Nam Sơn đặc tả một người đàn bà ngồi trên ghế.
Tuy nhiên, Nam Sơn kiên quyết tách khỏi quy tắc bằng cách đặt nhân vật ở góc nghiêng thay vì từ phía trước như thông lệ. Người phụ nữ gác cánh tay lên lưng ghế trong một tư thế tự nhiên và bản năng, giống như cách mà họa sĩ Lương Xuân Nhị chọn để miêu tả một tâm thế thoải mái.
Cô gái của Lương Xuân Nhị một lần nữa xuất hiện trong tư thế ngồi, nhưng lần này là trên bàn, với hai chân duỗi ra phía trước. Trong khi Lương Xuân Nhị nhấn mạnh vào đặc tính Việt và sự cổ kính của nội thất, thì ngược lại Nam Sơn lại chọn một chiếc ghế có thiết kế hiện đại.
Danh họa Mai Thứ còn đi xa hơn bằng cách truy tìm một hình tượng song song bao hàm nét thẩm mỹ trang trí Art Deco đầy góc cạnh, tuyệt nhiên không dính tới yếu tố ngoại lai.
Giới nghiên cứu nghệ thuật nhận thấy, chân dung phụ nữ trong tranh của bốn họa sĩ tài danh - miêu tả có ánh nhìn trực tiếp, không có sự đối đầu. Đôi mắt của họ được hướng ra ngoài khung hình hoặc vào khoảng không, tạo cho tác phẩm chiều hướng suy tư và hoài cổ rõ ràng.
Theo cách đó, họa sĩ Nam Sơn đã đổi mới một công thức từng thành công rực rỡ vào năm 1930, với bức “Chân dung mẹ tôi”. Chủ thể của bức tranh vẫn tuân theo những khuôn phép nhất định, nhưng đôi tay không bao giờ để không mà luôn gắn với một hành động, như giữ lấy vạt áo dài hay cầm chiếc khăn tay. Cấu tạo của các ngón tay mảnh mai và được đặt để tinh tế.
Bức tranh lụa của Hoàng Tam đi ngược lại tinh thần mà Lương Xuân Nhị, Mai Thứ và Nam Sơn đã nuôi dưỡng - bằng cách khắc họa người phụ nữ trong một không gian rõ ràng. Chiều sâu của không gian bị ngăn lại bởi một tấm mành treo có hình con phượng hoàng.
Đây là ẩn ý, gợi nhớ về nghệ thuật Việt Nam có từ trước khi tiếp cận với sự giảng dạy của người châu Âu, đề cập đến cả những tấm lụa thêu của miền Bắc và những bức mành sơn đặc trưng của kinh đô Huế.
Họa sĩ đặc biệt quan tâm đến việc mô tả trang phục, vòng cổ vàng và vòng tay bằng ngọc, áo dài bằng lụa vàng mỡ gà. Đặc biệt là những chiếc khuy mang hơi hướng hiện đại mà cũng có thể tìm thấy trên chiếc áo dài trong bức tranh của Lương Xuân Nhị.
Nam Sơn cũng cẩn thận trong việc miêu tả người mẫu của mình mặc áo dài chấm bi trắng và đi guốc gỗ, tương tự như vậy là người mẫu của Mai Thứ. Cũng giống như kiểu tóc, những điểm tương đồng về trang phục này, cho công chúng hiện đại hình dung rõ nét về thị hiếu của giới thượng lưu Việt Nam trong những năm 1935 - 1938.
Sự quan tâm của các họa sĩ đương thời đối với thời trang phụ nữ không phải ngẫu nhiên. Tất cả bắt đầu từ ý thức tự tôn, nhận biết các giá trị văn hóa thuộc về bản sắc. Và thông qua hội họa, họ lưu giữ lại những biến động và quan niệm xã hội về thời trang đương thời.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm