Thị trường hàng hóa
Cụ thể, để cung cấp cho các nhà lãnh đạo đô thị một lộ trình nhằm bảo vệ thành phố của họ trong tương lai, mới đây ThoughtLab đã hợp tác với Hatch Urban Solutions và một liên minh gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và các nhà nghiên cứu đã thực hiện một nghiên cứu với tiêu đề "Xây dựng thành phố sẵn sàng cho tương lai" với 200 thành phố trên toàn thế giới - đại diện cho 5% dân số toàn cầu.
Theo đó, nghiên cứu xác định một thành phố sẵn sàng cho tương lai là một thành phố thông minh, bền vững, toàn diện, thịnh vượng và linh hoạt, với khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp
Các thành phố được đánh giá khác nhau tùy theo vị trí, quy mô và mức độ phát triển kinh tế. Xếp hạng được đánh giá dựa trên dữ liệu tự báo cáo của các thành phố, cũng như dữ liệu từ các nguồn thứ cấp khách quan để cho điểm tổng thể.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã thực hiện khảo sát tiến độ của các thành phố trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, ra quyết định dựa trên dữ liệu, xây dựng lòng tin và tính minh bạch, thu hút nhân tài và hợp tác.
Theo đó, với những tiêu chí đánh giá được đưa ra thì tổng cộng có 44 thành phố được xác định là sẵn sàng cho tương lai, trong đó Tokyo đứng đầu danh sách là thành phố "sẵn sàng cho tương lai" nhất.
Chia sẻ với Cities Today, Giám đốc điều hành của ThoughtLab, Lou Celi cho biết: "Những thành phố được chúng tôi phân tích và đánh giá là sẵn sàng nhất cho tương lai không nhất thiết giống với những thành phố nằm trong danh sách thành phố thông minh điển hình. Các thành phố cần sẵn sàng cho tương lai để đáp ứng những kỳ vọng đang thay đổi nhanh chóng của người dân về môi trường đô thị hiện đại, toàn diện và bền vững hơn, có thể đáp ứng những thay đổi mạnh mẽ trong cách cư dân thành phố sẽ sống, làm việc, mua sắm và đi lại".
Ông cũng cho biết thêm: "Mỗi thành phố trong số 200 thành phố được đánh giá đều có một kế hoạch cho tương lai. Nhưng nghiên cứu cũng cho thấy ngày nay, các thành phố sẵn sàng nhất cho tương lai đều có 5 điểm chung: họ khai thác nhiều giá trị hơn từ dữ liệu, xây dựng hệ sinh thái đối tác rộng lớn hơn, thúc đẩy sự tham gia và tin tưởng của công dân, chủ động bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cũng như đầu tư nhiều hơn vào công nghệ".
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã khảo sát 2.000 người dân trên 20 thành phố và đa số đồng ý rằng biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất trong 5 năm tới.
Ông Celi nhấn mạnh: "Cả các nhà lãnh đạo và người dân đều tin rằng biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất mà các thành phố phải đối mặt trong 5 năm tới. Tuy nhiên, các thành phố đang phân bổ ngân sách công nghệ của họ cho môi trường ít hơn so với hầu hết các lĩnh vực khác".
Theo nghiên cứu, các ưu tiên đầu tư hàng đầu của các thành phố là hệ thống thanh toán số, dịch vụ thông tin công cộng, cơ sở hạ tầng số, dịch vụ y tế công cộng và giáo dục.
Về công nghệ, các thành phố coi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, xe điện và phân tích dữ liệu là quan trọng nhất cho tương lai của họ. Các công cụ quan trọng khác là công nghệ di động và đám mây, sinh trắc học, máy bay không người lái và công nghệ bản sao số.
Ngoài ra, các thành phố cũng cho biết việc thực hiện các kế hoạch "sẵn sàng cho tương lai" bao gồm tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ và đối tác phù hợp, lộ trình chuyển đổi, tình trạng thiếu kỹ năng và tốc độ thay đổi công nghệ... đang là những thách thức lớn của các thành phố hiện nay./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm