Thị trường hàng hóa
Lĩnh vực: Công nghiệp thực phẩm - Công nghệ Sinh học
Mã đề tài: VR#21220550
Tác giả: GS.TS. Lisbeth Olsson, PGS.TS. Vũ Nguyên Thành
Đơn vị: Viện Công nghiệp Thực phẩm, ĐHTH Chalmers (Thụy Điển)
Trong giai đoạn 2015-2020, đề tài tập trung vào nhóm vi nấm phát triển trong điều kiện nhiệt độ cao (50-60°C) và pH thấp (2.5-3.5). Nguồn gen thu thập từ nhóm vi nấm này hứa hẹn sẽ cung cấp những enzyme có tính chất mới, phù hợp cho nhiều ứng dụng khác nhau và có thể hoạt động trong điều kiện công nghệ khắc nghiệt. Gần 1000 mẫu đất, thực vật phân hủy được thu thập từ cả 3 miền Bắc-Trung-Nam của Việt Nam. Vi nấm được phân lập ở điều kiện 50°C, pH 2.5 trên cơ chất rơm. Vi nấm được phân nhóm thông qua đặc điểm hình thái, di truyền và 106 chủng đại diện được chọn lọc, phân loại, định tên, đánh giá đặc tính và lưu giữ trong Bảo tồn gen Vi sinh vật Viện Công nghiệp Thực phẩm.
Đề tài nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Công nghiệp Thực phẩm và ĐHTH Chalmers, Thụy Điển bắt đầu từ năm 2011 nhằm tìm kiếm những enzyme mới có khả năng ứng dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học, hóa chất từ sinh khối thực vật.
03 đại diện bao gồm 01 chủng Thielavia terrestris (phân lập từ bã dứa), 01 chủng Malbranchea cinnamomea (phân lập từ nhà máy xử lý rác) và 01 chủng Rhizomucor pusillus (phân lập từ phân ủ) được lựa chọn để giải trình tự toàn bộ hệ gen và xác định mức độ biểu hiện các gen. Một loạt các gen cũng được tách dòng, biểu hiện và xác định đặc tính enzyme. Tổng số có 4 enzyme thuộc nhóm xylanase và 6 enzyme thuộc nhóm cellulase được đánh giá chi tiết.
Với định hướng phát hiện các enzyme có đặc tính mới, nhóm enzyme LPMO thuộc họ AA9 từ chủng Malbranchea cinnamomea được nghiên cứu sâu. Năm enzyme AA9 được biểu hiện và xác định khả năng thủy phân polymer thực vật. Enzyme AA9 từ Malbranchea cinnamomea (McAA9s) cho thấy có khả năng phân hủy một phổ rộng cơ chất cả tan và không tan thông qua phản ứng ôxy hóa và phân cắt. Việc phát hiện McAA9s có hoạt tính ưu thế với xylan đã bổ sung kiến thức của chúng ta về vai trò của LPMO trong tự nhiên cũng như đem lại khả năng ứng dụng mới trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu được công bố thông qua 06 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong quá trình hợp tác 03 cán bộ của Viện Công nghiệp Thực phẩm đã được cử đi học tập và làm việc tại Thụy Điển trong thời gian 6 tháng. Hai bên đã tổ chức 01 hội thảo chuyên ngành tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước.
Qua 10 năm hợp tác, năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực enzyme, sinh học phân tử của Viện Công nghiệp Thực phẩm đã có sự phát triển vượt bậc, tạo tiền đề cho việc khai thác, ứng dụng nguồn gen vi sinh vật Việt Nam trong công nghệ sinh học và công nghiệp chế biến.
Một số hướng phát triển của đề tài đang được tiếp tục triển khai, nổi bật là ứng dụng thử nghiệm vi nấm chịu nhiệt trong xử lý dịch hèm của nhà máy cồn Tùng Lâm phục vụ sản xuất sinh khối giàu protein cho chăn nuôi.
Gần đây, Ủy ban Khoa học Thụy Điển đã đồng ý tiếp tục cấp kinh phí hợp tác giữa Viện Công nghiệp Thực phẩm và ĐHTH Chalmers cho giai đoạn 2021-2024 thông qua dự án VR#2020-03475.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm