Thị trường hàng hóa
Quy mô thị trường ước đạt 3 tỷ USD vào 2023
Thông tin có trong Sách trắng và Bảng xếp hạng các sản phẩm Edtech Việt Nam 2023 do EdTech Agency - công ty công nghệ giáo dục đầu tiên tại Việt Nam - công bố ngày 19/8 tại Hà Nội.
Theo Sách trắng, với giá trị thị trường toàn cầu hơn 300 tỷ USD, công nghệ giáo dục (EdTech) được coi là thị trường tiềm năng với nhu cầu thực và bền vững.
Việt Nam hội tụ mọi điều kiện thuận lợi để trở thành một trong những thị trường EdTech lớn nhất Đông Nam Á: tăng trưởng kinh tế ổn định, đặc biệt có tiềm năng về kinh tế số, nhà nước và xã hội đều chú trọng đầu tư cho giáo dục và công nghệ.
Thị trường EdTech Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong 3 năm trở lại đây với sự nở rộ của các nền tảng học tập và các sản phẩm học Tiếng Anh.
Thị trường EdTech Việt Nam có quy mô ước tính khoảng 3 tỷ USD vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng EdTech ở Việt Nam được ghi nhận ở mức khá cao, khoảng 20,2% mỗi năm trong giai đoạn từ 2019 - 2023, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 thị trường EdTech có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng có thể ước lượng số lượng công ty EdTech sở hữu công nghệ riêng trên thị trường Việt Nam là không dưới 400 doanh nghiệp (DN). Nếu tính cả các DN có sản phẩm EdTech đang vận hành trên nền tảng công nghệ của bên thứ ba thì con số này có thể lên đến 700 DN. Trong khi đó, trước năm 2020, con số này mới chỉ hơn 200 DN.
Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm này còn chưa đồng đều, nhiều sản phẩm mới vận dụng yếu tố công nghệ ở dạng sơ khai nhất như website, video bài giảng hay các công cụ chat/video call sẵn có như skype, zoom, zalo...
Theo số liệu do EdTech Agency tổng hợp, tính đến tháng 6/2023 có khoảng 70 quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư hơn 400 triệu USD vào các startup EdTech Việt Nam.
Khối DN nhà nước chủ yếu tham gia phân khúc nền tảng và hệ thống quản lý học tập cho giáo dục mầm non và phổ thông (K-12) với các tên tuổi lớn như Viettel, VNPT, Mobifone.
Theo mẫu dữ liệu mà EdTech Agency tổng hợp và phân tích, khối doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 90% số lượng công ty EdTech trên thị trường nhưng tập trung nhiều vào phân khúc K-12 và học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh.
Khối DN nước ngoài có thế mạnh trong mảng công nghệ và phần cứng. Viewsonic, Samsung là một vài trong số ít các DN đang cung cấp giải pháp lớp học thông minh tại thị trường Việt Nam.
Quan trọng là sự kết nối "ba nhà"
Bà Nguyễn Hồng Hạnh - Nhà sáng lập & Giám đốc điều hành EdTech Agency cho biết, Sách trắng và Bảng xếp hạng Edtech Việt Nam 2023 là kết quả sau những nỗ lực của đơn vị nhằm cung cấp cho thị trường Việt Nam và khu vực cái nhìn toàn cảnh về công nghệ giáo dục Việt Nam.
Sách trắng đưa tới nhiều thông tin hữu cho các DN EdTech trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư bức tranh toàn cảnh về các giải pháp công nghệ trong giáo dục. Đồng thời giúp các nhà trường, đơn vị đào tạo có thể lựa chọn những giải pháp phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số.
Bà Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, với Sách trắng cũng như Bảng xếp hạng EdTech Việt Nam 2023, điều quan trọng nhất là sự kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với DN, từ DN kết nối với các cơ sở đào tạo và các cơ sở giáo dục đào tạo lại kết nối với cơ quan quản lý Nhà nước.
“Việc kết nối theo hình tam giác giữa ba nhà này sẽ tạo tiền đề cho động lực phát triển giáo dục - đào tạo Việt Nam trong thời gian tới”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm