Thị trường hàng hóa
Đó là nhận định của ThS. Nguyễn Bình Minh - Giảng viên chính Bộ môn Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại khi được hỏi về cơ hội tăng trưởng cũng như những lợi thế đối với thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2023.
Thưa ông đâu là những điểm sáng trong bức tranh trong hoạt động thương mại của Việt Nam năm 2022?
Năm 2022, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Hoạt động thương mại điện tử trở thành điểm nhấn nổi bật trong bức tranh thương mại của Việt Nam năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ khoảng 20%, đứng thứ 5 thế giới, năm 2022 hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Cùng với tăng trưởng của thương mại điện tử, tình hình thị trường bán lẻ của Việt Nam cũng tăng trưởng tốt. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử ngành bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước đi cùng với đó, nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử cũng tăng cao. Các công cụ thanh toán, đặc biệt số tài khoản thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh nhất là các tài khoản ví điện tử, điều này thể hiện tốc độ giao dịch thương mại điện tử của Việt Nam đã được cải thiện.
Về phân phối và giao hàng, trong bối cảnh diễn ra đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng và logistic của Việt Nam đã được hoàn thiện hơn, việc giao hàng trong thương mại điện tử hiện nay đã đạt chất lượng tốt. Nhiều người mua hàng hiện không mấy quan tâm đến kiểm tra hàng trước khi nhận hàng, điều này đã phản ánh niềm tin của người mua hàng thông qua sàn thương mại điện tử.
Vậy ông có đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là của Bộ Công Thương đối với kết quả trên?
Trong năm 2022 Bộ Công Thương đã làm rất tốt vai trò quản lý nhà nước của ngành cũng như thúc đẩy rất mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đặc biệt là thúc đẩy các Cục, Vụ, sở công thương tại các địa phương trong việc hỗ trợ các hiệp hội ngành nghề cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh có thể đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử/ sàn giao dịch điện tử…. nhờ đó đã tạo ra chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, xúc tiến thương mại điện tử cho nông nghiệp.
Đơn cử như, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử tại nhiều tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử và tạo thói quen mua sắm đối với người tiêu dùng, qua đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới thông qua thương mại điện tử.
Kết quả là có rất nhiều sản phẩm đã ra được thị trường quốc tế, hay được đưa lên sàn thương mại điện tử các thị trường khó tính như: EU, Mỹ , Nhật Bản…Đây là thành công lớn nhất của các cơ quan quản lý nhà nước trong năm 2022 trong việc thúc đẩy tìm kiếm thị trường cho hàng hóa của Việt Nam cũng như thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Theo ông, năm 2023 thương mại điện tử của Việt Nam có những cơ hội tăng trưởng như thế nào?
Những dự báo về khó khăn trong năm 2023 là rất rõ ràng, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine về năng lượng, lương thực chưa lường hết được, cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn vẫn đang diễn ra.
Tuy nhiên theo tôi, trong 6 tháng đầu năm 2023, thương mại điện tử vẫn tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng và sẽ chậm lại vào 6 tháng cuối năm do tác động từ tình hình kinh tế thế giới và các cuộc xung đột địa chính trị. Điều này đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế của Việt Nam mà trực tiếp là các khoản vay cùng với đó đầu tư nước ngoài của chúng ta đến thời điểm này có thể bị chững lại hoặc sụt giảm.
Trong trường hợp tình hình địa chính trị thế giới ổn định, kinh tế hồi phúc thì thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng, triển vọng tăng trưởng năm 2023 có thể bằng năm 2022. Đây là điểm khác biệt với thị trường truyền thống, nếu thuận lợi tăng trưởng tốt, không thuận lợi tăng trưởng chậm trong khi thị trường truyền thống không thuận lợi sẽ có thể bị đứt gãy.
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử thì những thông tin “độc”, thông tin không chính xác, gian lận thương mại điện tử gia tăng. Theo ông chúng ta giải quyết vấn đề này như thế nào?
Cùng với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử thì các vụ vi phạm cũng tăng lên. Tuy nhiên, trên thế giới tỷ lệ các vụ vi phạm chỉ chiếm không quá 5-10%. Tỷ lệ này không phải quá nhiều đó là lý do mà người ta chấp nhận thương mại điện tử có những sai phạm.
Trong tương lai, thương mại điện tử Việt Nam sẽ có ít những sai phạm, gian lận thương mại hơn và lúc đó tỷ lệ sai phạm sẽ cũng tương đương với thế giới bởi vì công nghệ phát triển và các hành lang pháp lý định danh ở Việt Nam cũng được hình thành.
Trong năm 2023 Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là hàng lang pháp lý có độ tinh cậy cao. Ngoài ra việc cải tiến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử sẽ có căn cứ để xử lý tốt hơn.
Tuy nhiên phải khẳng định rằng các sai phạm, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử chắc chắn thấp hơn rất nhiều so với thị trường truyền thống. Bởi vì, giao dịch thương mại điện tử vẫn còn để lại dấu vết, vẫn có thể truy cứu được nhất là sau này Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý định danh thì công cụ truy cứu sẽ càng tốt hơn.
Trong khi thương mại truyền thống lại rất khó truy cứu. Đơn cử, chúng ta mua hàng ở ngoài đường của người bán hàng rong, nếu cân thiếu hoặc nguồn gốc sản phẩm không đúng như công bố..chúng ta khó mà có căn cứ yêu cầu bảo vệ quyền lợi của người mua hàng trong khi giao dịch qua thương mại điện tử thì điều này hoàn toàn có thể.
Người mua hàng có kinh nghiệm họ thường chọn các thương hiệu có uy tín trên các sàn thương mại điện tử để mua hàng. Đồng thời họ sẽ xem review rất kỹ. Một ưu điểm là nếu giao dịch thương mại truyền thống khách hàng sẽ không biết số lượng hàng và chất lượng hàng của người bán được các khách hàng mua đánh giá như thế nào thì qua thương mại điện tử mọi thông tin về số lượng hàng bán, tỷ lệ giao dịch thành công, đánh giá của người mua đều được thể hiện rõ. Nên thương mại điện tử ưu việt hơn thương mại truyền thống.
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sẽ được hoàn thiện nhờ hành lang pháp lý, các cơ quan quản lý nhà nước qua thời gian cũng tích lũy được các kinh nghiệm sàng lọc việc kiểm tra sản phẩm, hoặc ứng dụng công nghệ mới để kiểm tra việc giao dịch.
Vậy theo ông những lợi thế nào Việt Nam có thể tận dụng? Chính phủ cần có những công cụ chính sách như thế nào để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển ổn định, minh bạch?
Chúng ta có nguồn nhân lực trẻ và học tập rất nhanh nếu chúng ta tập trung vào đào tạo chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số thì đội ngũ nguồn nhân lực này phát triển nhanh và có kỹ năng tốt.
Tiếp đến các công nghệ mới trong thương mại điện tử BigData, AI, IoT, Blockchain…phải có những công nghệ này mới tạo ra sự phát triển vượt bậc, còn ứng dụng công nghệ thông tin thông thường chỉ là quá trình số hóa, chỉ giúp tăng năng suất thôi chứ không mang tính đột phát. Ví dụ như ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nếu ứng dụng công nghệ thông tin bình thường thì tem dễ bị làm giả, trong khi ứng dụng ở công nghệ cao hơn như: AI, Blockchain... sẽ có mức độ bảo toàn cao hơn và có như vậy mới xâm nhập và tạo được niềm tin ở thị trường khó tính.
Hiện chúng ta mới chỉ kiến tạo về mặt chính sách chứ chưa có nhiều sự hỗ trợ về mặt tài chính, với các doanh nghiệp chuyển đổi số tốt thì họ sẽ cần các hỗ trợ về cơ chế chính sách tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch… thông qua việc cơ quan quản lý nhà nước sàng lọc các hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sản phẩm vi phạm về pháp luật giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Trong khi đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh cá thể là nông dân rất cần sự hỗ trợ về công nghệ. Năm 2022 các đơn vị quản lý của Bộ Công Thương đã hỗ trợ và làm rất tốt vấn đề này. Hiện nhiều cơ sở sản xuất mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi trong việc đào tạo chuyển giao công nghệ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ họ về mặt công nghệ để xây dựng và truy xuất nguồn gốc thậm chí hỗ trợ cả về tài chính ở trong giai đoạn đầu để sản phẩm của họ có thể vào được thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm