Thị trường hàng hóa
Thực tế ảo (virtual reality – VR) trong mua sắm thường được kết hợp với công nghệ thực tế ảo tăng cường (augmented reality – AR), cho phép khách hàng tương tác với sản phẩm. Cả hai đều có cùng một mục tiêu và sử dụng công nghệ gần giống nhau, nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm thoải mái hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng cũng có những nét khác biệt trong cách thức hoạt động.
VR hoàn toàn chân thực, đánh lừa các giác quan đến nỗi người dùng cảm nhận như đang ở một môi trường hoặc một thế giới khác với thế giới thực tại. Khi sử dụng kính HMD hoặc tai nghe, người dùng sẽ được trải nghiệm thế giới hình ảnh và âm thanh do máy tính mô phỏng. Trong thế giới đó, người dùng có thể điều khiển và di chuyển đồ vật xung quanh bằng bộ điều khiển xúc giác được kết nối với một máy chơi game hoặc máy tính.
Trong khi đó, AR là một công nghệ cho phép lồng ghép thông tin ảo vào thế giới thực và ngược lại. AR giúp người sử dụng tương tác với những nội dung số trong thực tại như chạm vào vật hay phủ vật thể lên trên. Nói dễ hiểu là ghép ảnh theo dạng 3D.
Pokémon GO là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất cho công nghệ này. Đây là một tựa game ảo nhưng toạ độ của game thủ và bản đồ đều được căn cứ vào thực tế.
Áp dụng AR và công nghệ 3D là bước đầu tiên để ngành bán lẻ cải thiện mảng mua sắm trực tuyến. Sau đó, các hãng mới xem xét đến VR.
Sau khi triển khai chức năng thực tế ảo trên trang web, nhà sản xuất kính mắt MOSCOT đã ghi nhận doanh thu tổng thể tăng 174%. Nhờ sự quan tâm đặc biệt đến thực tế ảo, giá trị thị trường công nghệ mới này đã vươn lên mức 30,7 tỷ USD.
Những con số kể trên cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong thị trường mua sắm VR. Theo dự báo của Market Research Future, kỳ vọng thực tế ảo toàn cầu trong thị trường bán lẻ sẽ tăng trưởng 25% và đạt 19 tỷ USD vào cuối giai đoạn dự báo, tức năm 2030.
Nhìn chung, thực tế ảo trợ giúp trong các chiến dịch marketing tiếp thị, đồng thời thay đổi hành trình trải nghiệm khách hàng và gia tăng lợi nhuận tài chính cho doanh nghiệp. Chức năng hữu ích nhất của VR trong bán lẻ là cầu nối thắt chặt mối quan hệ giữa khách hàng và các thương hiệu. Các thương hiệu có thể tạo thêm cơ hội để khách hàng đặt câu hỏi và giao tiếp với họ giống như khi họ trò chuyện với nhà tư vấn trong một cửa hàng.
Với VR và AR, khách hàng có thể cảm nhận sản phẩm, dùng thử trong môi trường bình thường. Trải nghiệm mua sắm đắm chìm trong một không gian được ảo hóa (immersive shopping), tạo ra cảm giác kết nối thể chất và cảm xúc giữa khách hàng và thương hiệu.
Không chỉ vậy, khi sử dụng VR, khách hàng có thể cá nhân hóa hành trình trải nghiệm và mua sắm của riêng mình. Ví dụ, người dùng hoàn toàn tự trở thành nhà thiết kế và chăm chút từng li từng tí cho chiếc áo khoác bằng các công cụ ảo trước khi đặt hàng.
Đứng từ phía doanh nghiệp, mục tiêu sau cùng của tiếp thị là giới thiệu sản phẩm trên thị trường và làm cho sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn đối với tập khách hàng. Trên con đường chinh phục mục tiêu, VR đã thể hiện tốt. Đơn cử vào năm 2017, Adidas đã áp dụng VR để mở ra một góc nhìn 360 độ, cho thấy toàn cảnh hành trình leo núi của hai vận động viên.
Xét cho cùng, bán sản phẩm là phần quan trọng nhất của ngành bán lẻ. Nhiều nhà bán lẻ nhận thấy rằng việc có một phòng trưng bày ảo giúp họ nhận biết chính xác cách phân phối sản phẩm trên kệ mà không cần phỏng đoán.
Trước khi thực hiện bất kỳ chiến dịch quảng cáo hoặc ra mắt sản phẩm quan trọng, công ty có thể chạy thử nghiệm khả năng chấp nhận của người dùng, trong đó công nghệ VR cực kỳ hữu ích. Ví dụ, nếu nhà bán lẻ muốn thử nghiệm bộ sưu tập mới trước khi giới thiệu nó với khách hàng tại hệ thống các cửa hàng thực, họ hoàn toàn có thể giới thiệu bộ sưu tập đó với khách hàng từ khắp nơi trên thế giới qua công nghệ VR.
Thực tế ảo còn cung cấp cho bộ phận phân tích tiếp thị một lượng dữ liệu khổng lồ nhằm cải thiện nhận thức về thương hiệu và trải nghiệm của khách hàng. Ví dụ, công nghệ theo dõi mắt được tích hợp trong tai nghe VR (headset) di động đã giúp Kellogg’s hiểu được cách khách hàng lựa chọn sản phẩm trên kệ. Đồng thời, VR cho ra kết quả: mặt hàng nào đang lọt vào mắt xanh của khách hàng và ngược lại, mặt hàng nào đang kém hấp dẫn trên thị trường.
Thực tế ảo trong ngành bán lẻ đã chuyển đổi khi khả năng cấu hình sản phẩm của VR được giới thiệu. Công nghệ này cho phép khách hàng xem sản phẩm trong môi trường ảo, kiểm duyệt sản phẩm, thay đổi giao diện và tùy chỉnh theo ý thích của họ. Công cụ cấu hình sản phẩm VR chủ yếu được sử dụng trong ngành bán lẻ khi các sản phẩm trong cửa hàng có thể được thay đổi theo nhu cầu và sở thích của khách hàng.
Các nhà bán lẻ sử dụng các chuyến tham quan cửa hàng thực tế ảo để thể hiện rằng họ cởi mở với khách hàng và muốn khách hàng cảm nhận được văn hóa và bản sắc của họ. Bằng cách sử dụng công nghệ này, các thương hiệu có thể tương tác với khách hàng và cho phép họ ghé thăm các thiết lập ảo của cửa hàng mà không cần thực sự bước chân ra khỏi nhà.
Ngành công nghiệp bán lẻ thực tế ảo không chỉ hữu ích cho khách hàng của các cửa hàng mà còn cho cả nhân viên. Việc đào tạo cho nhân viên trở nên hiệu quả hơn sau khi ứng dụng VR.
Ví dụ, mọi tình huống tiềm ẩn mà nhân viên trước đó chỉ được thông báo, giờ được giả lập, hệ thống lại và trở thành tài liệu đào tạo cho nhân viên mới. Nhân viên có thể giải quyết các tình huống khó khăn, tương tác với khách hàng và tìm hiểu thêm về sản phẩm để chuẩn bị tốt hơn cho công việc.
Khái niệm cửa hàng thực tế ảo được sử dụng rất nhiều trong chiến lược của gã khổng lồ mua sắm trực tuyến Alibaba. Gã khổng lồ Trung Quốc đã giới thiệu một chương trình khuyến mãi cho các cửa hàng đã được ảo hóa, nơi mà khách hàng có thể đi qua, chọn những thứ họ muốn mua, xem nội dung và giá cả, sau đó thêm chúng vào giỏ hàng.
Công ty giày Toms đã cho thấy một ví dụ tuyệt vời về VR. Tại hệ thống 100 cửa hàng, Toms đã lắp một góc trải nghiệm có kính VR. Tại đó, công ty trình chiếu video quảng cáo với nội dung “Mua một đôi giày của Toms tức là bạn đã dành tặng một đôi giày khác cho trẻ em ở Peru”.
Một ví dụ điển hình khác về mua sắm thực tế ảo trực tuyến là ứng dụng do Mastercard và công ty trang sức Swarovski phát triển. Nhà sản xuất trang sức đã quảng bá bộ sưu tập đồ trang trí nhà của mình bằng cách cho phép khách hàng xem các mặt hàng trong ngôi nhà thực tế ảo, chọn chúng và thanh toán cho chúng bằng thẻ Mastercard.
Đại dịch COVID-19 làm giảm đáng kể khả năng kinh doanh của các cửa hàng. Trong bối cảnh xã hội thời điểm đó, mua sắm online trở thành giải pháp hữu hiệu.
Năm 2020, khi COVID-19 hoành hành, giá trị ngành công nghiệp VR đã tăng lên 50%. VR và bán lẻ VR nói riêng đã đạt được sức mạnh cạnh tranh hơn so với các hoạt động tiếp thị khác, chẳng hạn như cửa hàng trực tuyến, quảng cáo vật lý, hay các kênh truyền thống TVC và radio.
Ngoài ra, số lượng khách hàng chọn lựa VR đã tăng lên. Theo báo cáo của Statista, có tới 810 triệu người dùng di động tích cực thử công nghệ AR/VR. Nhìn chung, ngành công nghiệp thực tế ảo đang chuyển đổi tích cực từ một công nghệ ngách trở thành một trong những phương pháp nổi bật để quảng bá bán lẻ và tương tác với khách hàng.
Tuy vậy, có những chuyên gia nhận định rằng khi COVID-19 qua đi, khách hàng sẽ quay trở lại mua sắm tại các cửa hàng phân phối thực, vì thế nhu cầu sở hữu VR của doanh nghiệp sẽ giảm đi. Nhận định này vẫn cần thời gian kiểm chứng và người tiêu dùng sẽ nắm giữ vai trò quyết định.
Thực tế ảo bắt đầu chiếm lĩnh hầu hết các ngành kinh doanh như bất động sản, nhà hàng, khách sạn - du lịch, y tế, giáo dục, sản xuất, sự kiện và bán lẻ cũng không nằm trong ngoại lệ. Các cửa hàng giới thiệu hoạt động mua sắm trong VR theo nhiều cách: sử dụng VR tại cửa hàng, cung cấp các chuyến tham quan cửa hàng ảo và thậm chí phát minh ra v-commerce (thương mại thực tế ảo).
Tóm lại, VR/AR là một trong những công nghệ nền tảng bên cạnh chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) để tiến tới một kỷ nguyên mới của internet đó là web3.0 và metaverse. VR là công nghệ hữu ích cho kinh doanh bán lẻ, nhưng việc triển khai cần thời gian và nỗ lực của các chuyên gia lành nghề. Khi doanh nghiệp hợp tác với chuyên gia để triển khai VR, công nghệ mới hứa hẹn nâng cao doanh số bán hàng, thúc đẩy marketing và gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
VR PLUS là đơn vị nghiên cứu và cung cấp các giải pháp thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (AR), video 360, sản xuất các nội dung 3D/ 360, đồng thời tư vấn tích hợp những công nghệ này trên các nền tảng khác nhau, các giải pháp và chiến lược marketing tổng thể của doanh nghiệp. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm