Thị trường hàng hóa
Cơ bản phục hồi
Theo giới chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đã, đang được phục hồi mạnh mẽ, qua đó giúp thị trường lao động dần phục hồi và đạt được mức tăng trưởng khá.
TS Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động đã cơ bản phục hồi và đang phát triển theo xu hướng tích cực.
Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện.
Nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cũng cho rằng, thu nhập thực tế của người lao động (NLĐ) đã có sự phục hồi rõ rệt vào quý II/2022 so với quý II năm 2021. Thu nhập thực tế trong quý II/2022 đã tăng 6,1% so với quý II năm 2021 và tăng 4% so với quý II năm 2019.
Nếu như quý II/2019 thu nhập thực tế của NLĐ là 3,31 triệu đồng/tháng thì quý II/2020 tăng lên 6,24 triệu đồng. Sang quý II/2021 con số này tăng lên 9,32 triệu đồng và quý II/2022 đã tăng mạnh lên gần 12,5 triệu đồng.
Trong đó, thu nhập trong ngành du lịch tăng trên 19%, Các ngành da giày, ngành dệt và may tăng tương ứng 19,8%; 13,8% và 9,5%. Đặc biệt, thu nhập thực tế của lao động làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học có tốc độ phục hồi mạnh nhất với 32% tăng trưởng.
Còn nhiều hạn chế
Tuy vậy, các chuyên gia đều cho rằng, thị trường lao động Việt Nam còn những hạn chế, chưa bắt kịp chuẩn mực nền kinh tế thị trường linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả.
Đơn cử, TS Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, một trong những điểm yếu của thị trường lao động là có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực và ngành, nghề. Từ đó dẫn đến mất cân đối về cung - cầu lao động.
Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã làm cho thị trường lao động bị đứt gãy do giãn cách xã hội, lao động trở về quê khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm tiêu cực.
Thêm vào đó, quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường lao động chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu để đáp ứng cầu lao động của nền kinh tế linh hoạt, hiện đại và hội nhập tình trạng dịch chuyển lao động khỏi ngành du lịch
Với riêng ngành du lịch, Ths Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, nhiều lao động trong ngành phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thất thoát nhân lực nặng nề đối với ngành du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong du lịch.
Hiện nay ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan. Cụ thể, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 đến 1.450.000 buồng.
Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800 nghìn và năm 2030 là hơn 1 triệu. Giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Trong khi đó, nhân lực du lịch hiện tại suy giảm cả số lượng và chất lượng so với thời điểm năm 2019. Lực lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch hiện chưa đến 400.000 người, đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất trung bình dưới 50%, định mức chưa tới 0.6 lao động/buồng. Tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng. Đặc biệt, thiếu nhân sự vào thời điểm cao điểm như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần.
Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng, miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định.
Cần ban hành chương trình phục hồi lao động
Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi lao động trong ngành du lịch và triển khai thực hiện trong hai năm 2023 - 2024.
Theo đó, tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho lao động đang làm việc trong các DN du lịch. Bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, tay nghề... cho lao động đã nghỉ việc 1 - 2 năm và lao động mới vào ngành du lịch...
Chính phủ hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch hoặc hiệp hội du lịch. Mức kinh phí hỗ trợ là 50% chi phí đào tạo từ Ngân sách Trung ương hoặc địa phương
Chính phủ giao cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp triển khai chương trình trên địa bàn, các cơ quan có liên quan hỗ trợ cho ngành du lịch triển khai chương trình này.
Hệ thống hiệp hội du lịch triển khai chương trình thông qua việc tham gia trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ lao động của các doanh nghiệp du lịch cả nước.
Các doanh nghiệp du lịch đăng ký danh sách lao động tham dự các khóa đào tạo, đóng góp 50% kinh phí đào tạo thông qua việc sử dụng các cơ sở vật chất, trang bị và lao động của doanh nghiệp.
Trên cơ sở thực tiễn triển khai chương trình này, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổng kết và kiến nghị bổ sung chương trình đào tạo, sửa đổi các quy định về hệ thống bằng cấp, nội dung đào tạo trong ngành du lịch trên cơ sở phối hợp giữa Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm